Theo đó, thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 như sau:
Ưu tiên số một là bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong những ngành, lĩnh vực có dự án PPP; Thứ 2 là ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA; Thứ ba, ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn vốn đã ứng trước. Tiếp theo là bố trí vốn cho những dự án hoàn thành trước ngày 31- 12 - 2014 nhưng còn thiếu vốn, các dự án của giai đoạn 2011-2015 chuyển sang giai đoạn 2016-2020. Cuối cùng là các dự án khởi công mới có đủ thủ tục đầu tư và cân đối được nguồn vốn.
Đối với các địa phương, sau khi tính toán dự kiến số vốn đầu tư trong cân đối năm 2016 (không kể số vốn từ nguồn thu sử dụng đất) thấp hơn kế hoạch năm 2015 được Thủ tướng Chính phủ giao sẽ được điều chỉnh theo hệ số 1,2 lần so với kế hoạch năm 2014 (không bao gồm đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất) được Thủ tướng Chính phủ giao.
Đồng thời xây dựng các tiêu chí để tính toán mức vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương phù hợp với quá trình chuyển tiếp giữa Luật Ngân sách nhà nước hiện hành và Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi mới được Quốc hội thông qua, làm rõ cách xác định mức vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương năm 2016 khi kéo dài thời kỳ ổn định giai đoạn 2011 - 2015 sang năm 2016 và xác định mức vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2017 - 2020.
Về lý do không lấy căn cứ năm 2015 để tính toán điều chỉnh dự toán vốn đầu tư, theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là do năm 2015 trong dự toán ngân sách nhà nước Chính phủ trình Quốc hội, dự kiến ban đầu không tăng lương, nên đã chuyển toàn bộ phần lớn kinh phí dự kiến bố trí cải cách tiền lương (11.000 nghìn tỷ đồng) bổ sung vốn đầu tư trong cân đối cho các địa phương, tăng tới 26,1% so với kế hoạch năm 2014 (giai đoạn 2011-2014 chỉ tăng 5,1%/năm). Vì vậy, việc lấy căn cứ năm 2014 để tính toán điều chỉnh bất hợp lý như nêu trên là phù hợp, bảo đảm cân đối chung và công bằng giữa các địa phương.
Thảo luận về Tờ trình phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị sắp xếp lại theo thứ tự ưu tiên:
Đầu tiên là xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn đã ứng trước, vì nợ đọng XDCB và vốn ứng trước khá cao đang rất phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương. Việc thực hiện Luật Đầu tư công và Luật NSNN đòi hỏi phải xử lý dứt điển nợ đọng XDCB. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào thứ tự ưu tiên này việc hỗ trợ các dự án quan trọng, cấp bách của quốc phòng – an ninh, hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.
Ưu tiên thứ hai là bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong những ngành, lĩnh vực có dự án PPP; bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA. Vì đây là những nguồn vốn đối ứng có thể huy động vốn tối đa và có hiệu quả của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
Ưu tiên thứ ba là bố trí vốn cho những dự án hoàn thành trước ngày 31/12/2014, có đầy đủ thủ tục đầu tư nhưng còn thiếu vốn và các dự án của giai đoạn 2011-2015 còn dở dang chuyển sang giai đoạn 2016-2020 để phát huy hiệu quả đầu tư, không gây lãng phí.
Ưu tiên thứ tư: Bố trí vốn cho các dự án khởi công mới có đủ thủ tục đầu tư và cân đối được nguồn vốn.
Về vấn đề ưu tiên bố trí vốn cho các ngành, lĩnh vực có dự án PPP, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định rõ tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư của ngân sách nhà nước trong các dự án PPP ở Bộ, ngành, địa phương; có danh mục cụ thể quy định rõ mức vốn, các hạng mục sẽ bố trí vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước trong việc thực hiện dự án PPP, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Về điều chỉnh bất hợp lý và vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc quy định tỷ lệ điều chỉnh tăng theo hệ số gấp 1,2 lần so với kế hoạch năm 2014; Vốn đầu tư trong cân đối của các địa phương năm 2017 được tính tăng 10% so với số vốn đầu tư cân đối trong năm 2016… có thể sẽ dẫn đến áp lực trong bố trí nguồn lực nếu tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước không đạt kế hoạch đề ra.
Do vậy, đa số ý kiến đề nghị: Năm 2016 sau khi phân bổ theo các tiêu chí và định mức chung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và năm 2017 sau khi tính lại tỷ lệ điều tiết thì đối với các địa phương có số vốn đầu tư trong cân đối thấp hơn kế hoạch năm 2015 (không bao gồm nguồn thu từ sử dụng đất và sổ xố kiến thiết) sẽ được bố trí không thấp hơn số vốn đầu tư trong kế hoạch năm 2015 và năm 2016 đã được Quốc hội quyết định.