Hiện tượng hy hữu
Đến thời điểm này, Dự án Xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn Chợ Chu (Thái Nguyên) - ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang) đã được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) khởi công được gần 2 tuần, nhưng dư âm từ quá trình chọn nhà thầu cho 2 gói thầu xây lắp tại công trình này vẫn đang gây nhiều xôn xao trong các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng giao thông.
Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ chủ đầu tư đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn, công trình có tổng mức đầu tư khoảng 1.660 tỷ đồng, chiều dài tuyến 29 km, không quá phức tạp về công nghệ, khi chỉ là đường cấp III miền núi, 2 làn xe.
Đến thời điểm khởi công, Dự án đã tìm đủ nhà thầu cho 2 gói thầu xây lắp chính (Gói thầu XL1 và XL2) với giá trúng thầu gây bất ngờ.
Cụ thể, Gói thầu XL2 - thi công xây dựng đoạn Km257+853,58 - Km275+700 được đấu thầu rộng rãi qua mạng, đóng thầu ngày 5/5/2024 với 5 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm: Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải; Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng thương mại 559 - Công ty TNHH Hiệp Phú - Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng 45 Thăng Long; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trung Thành - Công ty cổ phần Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68 - Công ty cổ phần Thịnh Vượng TVT; Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn.
Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã vượt qua 4 nhà thầu để trúng thầu với giá trúng thầu là 429,366 tỷ đồng, giảm 25,1% so với giá dự toán của chủ đầu tư.
Ngoài cạnh tranh về giá, thời gian thực hiện hợp đồng giữa các nhà thầu cũng có sự khác biệt đáng kể. So với yêu cầu của hồ sơ mời thầu, ngoài nhà thầu Công ty TNHH Hiệp Phú giữ nguyên 540 ngày, các nhà thầu còn lại chào thời gian thực hiện ngắn hơn, trong đó, ngắn nhất là 510 ngày (Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn). Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam chào 520 ngày, còn Liên danh do Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại 559 đại diện, chào 530 ngày.
Trong bối cảnh nhiều nhà thầu xây lắp phản ánh việc hệ thống đơn giá, định mức do Nhà nước quy định - những yếu tố hình thành nên dự toán gói thầu, là chưa bám sát thực tế, khiến họ càng làm càng lỗ, thì việc 2 gói thầu xây lắp của Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn có giá trúng thầu thấp hơn 12 - 25% dự toán đã tạo ra suy đoán về “bóng ma” bỏ thầu bằng mọi giá quay trở lại.
“Mức giảm giá tới 25% giá dự toán thì chắc chắn là ‘ăn vào đến xương’ nhà thầu rồi, tôi không hiểu nhà thầu làm không có lãi thì tồn tại kiểu gì?”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam lo lắng.
Có đáng lo ngại?
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, dự toán xây dựng công trình được Tư vấn thiết kế lập trên cơ sở các quy định về quản lý chi phí xây dựng, hệ thống định mức, đơn giá được cơ quan nhà nước ban hành, báo giá của nhà cung cấp và khối lượng tính toán theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt. Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tổ chức thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền, tuân thủ quy định hiện hành.
Quá trình chọn thầu cho Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia. Tại thời điểm mở thầu Gói thầu XL1, có 2 nhà thầu tham gia dự thầu, Gói thầu XL2 có 5 nhà thầu tham gia dự thầu; các nhà thầu được chủ đầu tư đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và được đưa vào bước đánh giá tài chính.
Trong đó, giá trúng thầu Gói thầu XL1 thấp hơn dự toán được duyệt là 12%, Gói thầu XL2 thấp hơn dự toán được duyệt là 25%.
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khẳng định, các nhà thầu tham gia các gói thầu nêu trên đều là các nhà thầu có năng lực, đã và đang thực hiện đáp ứng chất lượng, tiến độ tại các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Vinaconex…).
Theo kết quả đánh giá Hồ sơ dự thầu của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, các nhà thầu đều bỏ giá chi phí ca máy thấp và không phân bổ chi phí khấu hao máy móc, thiết bị vào giá dự thầu do đã khấu hao hết máy móc, thiết bị; các nhà thầu trúng thầu đều có cam kết việc giảm giá không ảnh hưởng đến chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và tiến độ của dự án.
Mặt khác, đối chiếu pháp luật về đấu thầu, việc giảm giá nêu trên không thuộc trường hợp thấp khác thường (khoản 11, Điều 131, Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định: “Gói thầu xây lắp có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) nhỏ hơn 70% giá gói thầu thì chủ đầu tư xử lý tình huống...”).
“Trong quá trình thực hiện Dự án, chúng tôi có quy định cụ thể các điều khoản của hợp đồng về tiến độ, chất lượng, nghiệm thu, thanh toán, làm cơ sở tổ chức thực hiện quản lý hợp đồng chặt chẽ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhà thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng, trường hợp nhà thầu vi phạm phải xử lý theo quy định của hợp đồng và quy định pháp luật liên quan”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khẳng định.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, việc bỏ thầu giá thấp xảy ra khi các doanh nghiệp khó khăn về mặt dòng tiền, không có hoạch định cho phát triển hệ thống của mình. Tuy nhiên, cũng có những nhà thầu đã khấu hao xong máy móc thiết bị, đang dôi dư thiết bị sau khi kết thúc các dự án đường bộ cao tốc lớn, nhưng số lượng đơn vị như vậy là rất hiếm.