Lộc Trời (LTG) lên tiếng về việc "bỏ thầu giá gạo xuất khẩu rẻ"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 29/5, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG - UPCoM) chia sẻ thông tin về việc trúng thầu 100.000 tấn gạo cung ứng cho Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia (Perum Bulog).
Lộc Trời (LTG) lên tiếng về việc "bỏ thầu giá gạo xuất khẩu rẻ"

Ngày 22/5, Perum Bulog – cơ quan hậu cần của Nhà nước Indonesia đã thông báo Lộc Trời và Đại Tài trúng thầu 100.000 tấn gạo trên tổng số 300.000 tấn mà Bulog đấu thầu đợt này. Trong đó, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, Công ty trúng thầu 2 lô khối lượng 60.000 tấn, mức giá 563 USD/tấn, giảm 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn.

Dự kiến toàn bộ đơn hàng sẽ được giao trong 2 tháng, hình thức thanh toán thông qua tín dụng thư (LC), và Lộc Trời cùng Đại Tài sẽ thu về trên 55 triệu USD (tương đương trên 1.300 tỷ đồng).

Cho đến nay, Lộc Trời đang làm việc với các ngân hàng trong và ngoài nước để tài trợ cho phương án tối đa việc mua lúa cho bà con nông dân, sử dụng năng lực sản xuất sẵn có từ 10 nhà máy chế biến lúa gạo với công suất sấy 10.000 tấn/ngày để hoàn tất đơn hàng này.

Như vậy, luỹ kế từ tháng 7/2023 đến tháng 5/2024, Lộc Trời đã thắng thầu trên 370.000 tấn gạo.

Nhiều lo ngại về việc Lộc Trời bỏ giá thầu xuất khẩu gạo thấp sẽ ảnh hưởng tới ngành lúa gạo trong nước. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Ban lãnh đạo Lộc Trời đã khẳng định, mức giá đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Công ty, bà con nông dân và có lãi.

“Khi ký kết các đơn hàng, từng mức giá đều được tính toán rất kỹ lưỡng, bù đắp được các khoản chi phí, Lộc Trời có lợi nhuận đồng thời hài hòa lợi ích của bà con nông dân, lợi ích thị trường và lợi ích của nông sản Việt Nam về lâu dài. Theo đó, mức giá của đơn hàng 100.000 tấn lần này đáp ứng các yêu cầu trên, đồng thời phản ánh tình hình thị trường lúa gạo hiện tại, đúng phẩm cấp chất lượng gạo theo yêu cầu, có tính thời điểm và không làm ảnh hưởng tới các đợt đấu thầu tiếp theo cũng như giá xuất khẩu của 6.000.000 - 8.000.000 tấn gạo mà Việt Nam xuất khẩu hàng năm ra thị trường thế giới”, đại diện Lộc Trời cho biết.

Để có thể đưa ra mức giá cạnh tranh so với các đối thủ như hiện nay, Lộc Trời cho biết, nhờ lợi thế liên kết sản xuất quy mô lớn, chuỗi giá trị lúa gạo bài bản từ hạt giống tới hạt gạo và hệ sinh thái nông nghiệp ngày càng hoàn thiện. Công ty này cũng cho biết, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường bằng sản lượng dồi dào và mức giá hợp lý tại từng thời điểm.

Cũng theo Lộc Trời, trong những năm vừa qua, Công ty đã xây dựng những quy trình sản xuất khoa học, các bộ giải pháp canh tác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng đất và yêu cầu chất lượng của từng thị trường, giúp bà con nông dân tiết giảm lượng vật tư sử dụng, giảm công lao động qua đó giảm chi phí sản xuất, đảm bảo và tăng năng suất, tăng hiệu quả mùa vụ.

Cùng với việc tổ chức liên kết sản xuất trên quy mô lớn, Lộc Trời cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa bà con nông dân sản xuất ra với mức giá cao hơn thị trường từ 100 – 500 đồng/kg lúa. Để đảm bảo tiêu thụ hết số lượng lúa này, Lộc Trời tổ chức bán hàng theo các đơn hàng lớn với các đối tác uy tín. Toàn bộ hoạt động dạng chuỗi này giúp giảm các chi phí trung gian như vẫn xẩy ra trong các hoạt động thương mại “mua đi – bán lại” truyền thống trong ngành lúa gạo từ trước tới nay, giúp Lộc Trời có lợi thế cạnh tranh về giá cho các đơn hàng lớn.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Lộc Trời chia sẻ: “Sau khi đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao được Chính phủ thông qua, Lộc Trời rất tích cực phối hợp cùng các địa phương triển khai, tăng cường xuất khẩu ra thế giới, đóng góp vào tăng trưởng xanh của đất nước, nhưng Lộc Trời khó có thể “đơn độc” thực hiện nếu thiếu sự hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, ngân hàng và các tổ chức tài chính…

Nhu cầu vốn của Lộc Trời rất lớn vì cần ứng tiền đầu tư cho bà con nông dân trong vùng liên kết sản xuất, không chỉ giống, phân, thuốc, mà còn là các dịch vụ cơ giới đồng bộ suốt cả vụ, đồng hành trên từng cánh đồng để tư vấn quy trình canh tác, phòng trị sâu bệnh, đảm bảo sản lượng, chất lượng mùa vụ, sau đó phải thanh toán “liền tay” cho nông dân tiền mua lúa lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi vụ, đặc biệt vào cao điểm thu hoạch 3 vụ đông xuân, hè thu và thu đông, khiến chi phí tài chính trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp cũng như thời gian đáo hạn ngắn khiến dòng tiền dễ bị sự cố.

Mong rằng nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy nguồn vốn để các doanh nghiệp yên tâm, mạnh dạn đầu tư khi tổ chức liên kết sản xuất lớn từ đó nâng cao năng suất, chất lượng tạo lợi thế cạnh tranh bền vững trên thương trường quốc tế”.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục