Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu đề xuất đánh thuế giao dịch vàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện nay giao dịch bất động sản, chứng khoán phải nộp thuế nhưng vàng thì chưa. Một số chuyên gia đề xuất đánh thuế đối với giao dịch mua bán vàng để giảm bớt sức cầu, chống đầu cơ thổi giá. Bộ Tài chính cho biết đã ghi nhận và sẽ nghiên cứu đề xuất trên.
Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu đề xuất đánh thuế giao dịch vàng

Chiều 18/6, tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ Tài chính, nhiều câu hỏi đã được gửi đến lãnh đạo Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính liên quan đến các công cụ quản lý thị trường vàng, trong đó có công cụ thuế.

Báo chí nêu vấn đề, vừa qua tại một số diễn đàn hiến kế giải pháp bình ổn thị trường vàng, nhiều chuyên gia kinh tế kiến nghị nên đánh thuế giao dịch vàng để giảm bớt sức cầu của người dân mua vàng găm giữ, trong đó có lực lượng mua với mục đích đầu cơ tích trữ để "thổi" giá vàng.

Câu hỏi đặt ra là: "Vì sao giao dịch chứng khoán, bất động sản bị đánh thuế còn giao dịch vàng thì chưa? Bộ Tài chính đánh giá thế nào về đề xuất này?".

Trả lời, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, như nhiều ngành nghề khác, hoạt động kinh doanh vàng luôn chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Hiện nay, các cửa hàng kinh doanh vàng đều phải chấp hành nghĩa vụ đóng thuế.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua, bán vàng.

Bên cạnh tăng cường quản lý về thuế, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, Bộ Tài chính đang đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoạt động mua bán vàng để minh bạch hoá hoạt động giao dịch vàng.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) trả lời tại Họp báo chiều 18/6 - Ảnh: Hương Thuỷ

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) trả lời tại Họp báo chiều 18/6 - Ảnh: Hương Thuỷ

Vừa qua, trước những biến động của thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thanh tra hoạt động kinh doanh tại thị trường này. Ông Đặng Ngọc Minh cho hay, cơ quan thuế đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quá trình thanh tra.

Hiện nay, cả nước có 12.500 doanh nghiệp, cá nhân và hơn 5.500 hộ cá nhân mua bán, chế tác, gia công vàng bạc, đá quý; trong đó có 38 doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép kinh doanh vàng SJC. Cơ quan thuế cử cán bộ tham gia thanh tra, khai thác số liệu nộp thuế, áp dụng hoá đơn điện tử đối với 16 đơn vị kinh doanh vàng SJC. Hiện quá trình thanh tra vẫn đang được tiến hành.

Bổ sung thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, việc đánh thuế với giao dịch vàng không chỉ tác động trực tiếp lên các đối tượng giao dịch mà còn tác động đến nhiều vấn đề khác.

Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, nghiên cứu và đánh giá tác động đối với đề xuất này rồi báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định áp dụng nếu thấy hợp lý.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tại buổi họp báo (Ảnh: M.Minh)

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tại buổi họp báo (Ảnh: M.Minh)

Trước đó, thị trường vàng đã trải qua nhiều đợt tăng giá mạnh, giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới, tạo nên một số bất ổn đối với thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Để hạ nhiệt giá vàng trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã cho tiến hành nhiều đợt đấu giá vàng miếng, tuy nhiên sau đó đã dừng lại do không hiệu quả. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước quyết định bán trực tiếp vàng miếng SJC cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước là VCB, Vietinbank, BIDV, Agribank và Công ty SJC sau đó 5 đơn vị này bán vàng cho dân với giá bình ổn.

Tại cuộc họp trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn về sửa đổi Nghị định số 24 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, một số chuyên gia kinh tế cho rằng đánh thuế giao dịch vàng là một trong những giải pháp cần thiết giúp kiểm soát giá vàng.

GS-TS. Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng.

Theo bà Mùi, việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những người mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng.

Giải pháp trên cũng có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.

Bên cạnh đó việc áp thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay, các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.

Cùng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho rằng, để quản lý thị trường vàng phải học tập kinh nghiệm các nước. Quản lý bằng thuế hiện là quan trọng nhất, một số nước bằng quota, hoặc chống độc quyền hạn chế cạnh tranh, gian lận thương mại…

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục