Tăng tích trữ vàng làm hạn chế nguồn lực phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu người dân không đầu tư vào các kênh khác để phát triển sản xuất kinh doanh mà tiếp tục đẩy mạnh mua vàng thì nguồn lực này sẽ nằm im trong dân, không có lợi cho nền kinh tế.
Tăng tích trữ vàng làm hạn chế nguồn lực phát triển kinh tế

Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế đã giảm mạnh, nhà đầu tư dễ gặp rủi ro

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện triển khai bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và SJC, bước đầu triển khai việc bán vàng online của Vietcombank nhằm tăng nguồn cung, đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra thị trường vàng, đến nay, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng trên dưới 4 triệu đồng/lượng.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là mức chênh tương đối phù hợp trong khi giá vàng quốc tế cũng đang có nhiều biến động trong thời gian gần đây. Như vậy, mục tiêu giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới của NHNN theo chỉ đạo của Chính phủ bước đầu đã thực hiện được.

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính đánh giá: "Việc bán vàng miếng SJC trực tiếp cho người dân là một bước tiến của cơ quan quản lý. Thứ nhất, biện pháp này cho phép NHNN bán vàng miếng với giá thấp hơn đáng kể so với giá thị trường mà không bị các quy định về đấu thầu ràng buộc. Thứ hai, việc loại bỏ khâu trung gian cũng góp phần giảm giá bán, đồng thời hạn chế được các hoạt động đầu cơ từ một số doanh nghiệp kinh doanh vàng".

Theo Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, giá vàng thế giới đã đạt đỉnh cao trong thời gian khá dài do tâm lý lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không giảm lãi suất, ít nhất từ nay đến tháng 9. Tuy nhiên, gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy lạm phát của Mỹ giảm nhanh hơn nhờ tác động giảm giá nhiên liệu, cùng với những dấu hiệu phục hồi nền kinh tế bắt đầu rõ rệt. Lo ngại về việc Mỹ duy trì lãi suất cao đến hết năm không còn nữa và kỳ vọng trong quý IV của năm nay sẽ giảm lãi suất, khi đó đồng USD giảm giá.

Xu hướng giảm giá vàng trong trung hạn rất rõ. Đây là điều các nhà đầu tư và đặc biệt đầu cơ vào vàng hết sức lưu ý. Hiện tại lạm phát Việt Nam ở mức khá thấp, đồng tiền khá ổn định và cơ hội đầu tư vào một số thị trường tài sản cũng đang phục hồi khá mạnh. Chẳng hạn, thị trường chứng khoán, bất động sản, nhất là khi các luật nhà ở; bất động sản; kinh doanh bất động sản, đất đai chuẩn bị có hiệu lực (có thể tháng 8/2024).

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, người dân và cả các nhà đầu tư kinh doanh trên thị trường vàng cần phải lưu ý kinh doanh khi hướng giá vàng đang giảm dần, chênh lệch giá quốc tế và trong nước sẽ bị thu hẹp lại. Rõ ràng, những người đã đổ xô đi mua vàng trong thời gian vừa qua đã lỗ và xu hướng lỗ ngày càng lớn nếu tiếp tục lao vào thị trường này để đầu cơ. Những tháng gần đây, yếu tố đầu cơ đã giảm, bằng chứng là tiền gửi tiết kiệm của dân chúng tại các ngân hàng đã có dấu hiệu tăng trở lại dù tiền gửi của doanh nghiệp vẫn tiếp tục giảm.

Vì vậy, các nhà đầu tư và đầu cơ trên thị trường tài chính cần phải rà soát lại danh mục đầu tư theo hướng kinh tế phục hồi, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản ấm trở lại, thị trường vàng sẽ tiếp tục giảm giá.

Vàng nằm im trong dân, không có lợi cho nền kinh tế

Chính phủ liên tục có những chỉ đạo mạnh mẽ không để "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tiền tệ quốc gia.

Tại Nghị quyết ngày 5/6, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý thị trường vàng. Cơ quan này phải khắc phục tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước và thế giới, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, minh bạch.

"Không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô", Nghị quyết nêu.

Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước tăng kiểm tra, giám sát, thực hiện quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong kinh doanh, mua bán vàng. Việc này phải hoàn thành trước ngày 15/6.

Với những doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện quy định về hóa đơn, Chính phủ nhắc lại yêu cầu "rút, thu hồi giấy phép kinh doanh".

Cùng với đó, các chuyên gia cũng đề xuất thêm việc đánh thuế với giao dịch vàng để giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt mục đích đầu cơ, thao túng giá. Hiện các lĩnh vực đầu tư như chứng khoán, bất động sản đang chịu thuế thu nhập cá nhân, nhưng giao dịch vàng thì chưa.

Các chuyên gia cho rằng, đồng loạt các giải pháp của Chính phủ và NHNN nhằm mục tiêu quản lý minh bạch, ổn định thị trường vàng, hạn chế tích trữ vàng làm ảnh hưởng đến các nguồn lực cho phát triển kinh tế.

GS. TS Trần Thọ Đạt nói: "Nếu người dân không đầu tư vào các kênh khác để sản xuất kinh doanh mà tiếp tục đẩy mạnh mua vàng thì nguồn lực này sẽ nằm im trong dân, không có lợi cho nền kinh tế. Về lâu dài, Chính phủ cũng cần có giải pháp làm cho các kênh đầu tư tài sản, tài chính khác trở nên hấp dẫn hơn để người dân có các lựa chọn thay thế, giảm tập trung vào vàng".

Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Đức Độ cho rằng: Vàng là một kênh đầu tư truyền thống của người dân bên cạnh các kênh khác như bất động sản, gửi tiết kiệm... Bởi vậy, để người dân giảm đầu tư vào vàng, biến vàng thành nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, giải pháp căn cơ là Nhà nước cần khuyến khích phát triển các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu..., bên cạnh việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô như thời gian qua.

Hà An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục