Theo Bộ Tài chính, 4 tháng đầu năm 2020, trong tổng số 58.000 tỷ đồng vốn trái phiếu mà các doanh nghiệp huy động thành công trên thị trường sơ cấp, thì nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ mua tới 26,8%, tăng mạnh so với con số trong cả năm 2019 là 8,8%.
Trước thực tế nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ ít có khả năng nắm bắt thông tin về các đợt phát hành, cũng như sức khỏe của doanh nghiệp, nhưng liên tục gia tăng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, tháng 10/2019 Bộ Tài chính đã có khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân cần cân nhắc kỹ và thận trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Nay ở thời điểm giữa tháng 5/2020, thêm một lần nữa cơ quan này đưa ra cảnh tỉnh trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân tăng mạnh đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Để chủ động nắm bắt rủi ro, Bộ Tài chính lưu ý nhà đầu tư cần phân biệt rõ phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Theo đó, đối với trái phiếu phát hành ra công chúng, khi muốn phát hành, doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc công bố thông tin cho tất cả công chúng đầu tư, làm thủ tục đăng ký chào bán và phải được Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng.
Còn đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ, doanh nghiệp được phát hành khi đáp ứng điều kiện phát hành, công bố thông tin trực tiếp cho đối tượng mua trái phiếu, đồng thời công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, mà không cần cơ quan quản lý nhà nước cấp phép mới được phát hành.
Đặc biệt, nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý việc mua trái phiếu doanh nghiệp khác với gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, vì khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu, thì nhà đầu tư đối mặt với rủi ro mất tiền. Theo thông lệ thì trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có khả năng phân tích và đánh giá rủi ro. Luật Chứng khoán năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021) đã quy định trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Nhà đầu tư cần lưu ý là lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Vì vậy, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và đánh giá được các rủi ro, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, mới nên mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao mà chưa tìm hiểu kỹ về đặc điểm của trái phiếu và những rủi ro có thể xảy ra. Đồng thời, Bộ Tài chính lưu ý nhà đầu tư phải hết sức thận trọng với cam kết mua lại của tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán…) do có rủi ro là các tổ chức này có thể không thực hiện được cam kết mua lại vì phải đáp ứng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật, hoặc không mua lại được do có khó khăn về tài chính.
Để đưa ra quyết định đầu tư, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu; tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ các thông tin: trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành; có hay không có tài sản đảm bảo; cam kết của doanh nghiệp phát hành, tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu; kỳ hạn phát hành và phương thức trả nợ gốc, lãi; tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành...
Để tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần trang bị kiến thức, kinh nghiệm đầu tư, tuân thủ quy định của pháp luật, trên cơ sở đó, góp phần xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, bền vững.