Bỏ room tín dụng và công cụ nào thay thế?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hầu hết nền kinh tế phát triển không còn sử dụng giới hạn (room) tăng trưởng tín dụng để điều hành chính sách tiền tệ, nhưng đây vẫn là công cụ quan trọng tại Việt Nam.
Nhiều ngân hàng muốn bỏ room tín dụng Nhiều ngân hàng muốn bỏ room tín dụng

Khảo sát thị trường cho thấy, trong tháng 11/2023, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm nhẹ, phổ biến ở mức 0,2-0,4%/năm ở hầu hết các kỳ hạn tại cả khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối và ngân hàng tư nhân. Đơn cử, Vietcombank có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động trong tháng với tổng mức giảm khoảng 0,3-0,4%/năm, đưa lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống mức thấp 4,8%/năm - ít hơn khoảng 0,5-0,6%/năm so với 3 ngân hàng còn lại trong khối.

Tại nhóm ngân hàng tư nhân, hầu hết điều chỉnh giảm lãi suất huy động thêm từ 0,1-0,4%/năm, đặc biệt Sacombank giảm tới 0,6%/năm tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, xuống còn 4,8%/năm. Qua đó, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã giảm mạnh 4,3-4,5%/năm so với hồi đầu năm.

“Đà giảm lãi suất huy động tiền đồng vẫn được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đặt trong bối cảnh áp lực tỷ giá đã dịu bớt và lạm phát trong tầm kiểm soát. Thực tế, lãi suất cho vay mới đã trở về mức trước dịch, đây là nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng”, một lãnh đạo cao cấp BIDV nói.

Hiện tại, tuy mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh, nhưng hoạt động cho vay vẫn chưa thực sự đột phá nếu so với cùng kỳ năm trước cũng như mức tăng của huy động vốn, cho dù tín dụng có xu hướng được đẩy nhanh hơn so với tháng trước đó. Trong một cuộc họp với Chính phủ vào đầu tháng này, Thống đốc NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 10/2023, doanh số cho vay của hệ thống đạt 17,6 triệu tỷ đồng, cao hơn cả năm 2021 (17,4 triệu tỷ đồng) và khả năng đạt trên 19 triệu tỷ đồng khi kết thúc năm nay.

“Đây là con số lớn, nhưng mức tăng trưởng tín dụng 9,15% chứng tỏ hệ thống ngân hàng vẫn cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế song chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, vòng quay vốn diễn ra bình thường. Điều này cho thấy ‘mắc’ ở đây là cho vay trung - dài hạn khó khăn và khó khăn này chủ yếu do yếu tố khách quan”, Thống đốc chia sẻ.

Đáng chú ý tại cuộc họp này, Thống đốc đã thông tin, NHNN đang rà soát sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật và vẫn dựa trên nguyên tắc tháo gỡ khó khăn nhưng phải quản lý chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống. NHNN sẽ xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình điều hành chỉ tiêu room tín dụng, cả những mặt được và chưa được cũng như việc có tiếp tục duy trì chỉ tiêu này hay không, hoặc có lộ trình như thế nào…

“Tinh thần khắc phục hạn chế tạo điều kiện đảm bảo tiêu chí kiểm soát được rủi ro tín dụng”, Thống đốc nhấn mạnh.

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, trong khi chưa tìm được công cụ quản lý thích hợp hơn thì cơ quan quản lý vẫn phải dùng tín dụng như một công cụ quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ, nhưng mong muốn NHNN sớm có lộ trình xóa bỏ room tín dụng.

Một chuyên gia ngân hàng cho hay, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế, trong đó có Trung Quốc, vẫn đang sử dụng công cụ giới hạn tăng trưởng tín dụng để điều hành chính sách tiền tệ, trong khi công cụ này đa phần đã được xóa bỏ trong hệ thống ngân hàng các nước phát triển. Ngay cả với Trung Quốc, mặc dù không chính thức công bố, song việc điều hành qua giới hạn tăng trưởng tín dụng đã hạn chế dần.

Hiện nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chủ yếu sử dụng các công cụ thị trường mở, lãi suất điều hành cơ bản (Loan Prime Rate - LPR), công cụ cho vay trung hạn (Medium - Term Lending Facility) và tỷ lệ dữ trự bắt buộc (Reserve Requirement Ratio - RRR). Việt Nam không có nhiều công cụ điều hành như vậy: Tỷ lệ dữ trự bắt buộc hiện khá thấp, khó có khả năng sử dụng linh hoạt, lãi suất điều hành cơ bản chưa thực sự phát huy hiệu quả... Vì vậy, điều tiết giới hạn tăng trưởng tín dụng vẫn đang là một trong những công cụ điều hành chính.

“Tất nhiên không có công cụ nào được xem là hiệu quả hoàn toàn và vẫn có những điểm bất lợi, song việc xóa bỏ cơ chế quản lý theo room tín dụng không phải câu chuyện ngắn hạn, cần có lộ trình cũng như giải pháp cụ thể về công cụ thay thế”, vị chuyên gia trên nói.

Xung quanh vấn đề này, điểm cần chú ý đó là nội tại nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư… đã phụ thuộc rất nhiều vào vốn ngân hàng. Hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đạt trên 125%. Các tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong nhóm có thu nhập trung bình, nhưng năm 2023 vốn đầu tư nền kinh tế lại gặp khó khăn.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục