Rào cản trong gia nhập thị trường
Mọi doanh nhân khi đầu tư kinh doanh lĩnh vực Fintech, yếu tố đầu tiên họ quan tâm và mong muốn đạt được là hình thành một pháp nhân doanh nghiệp có đầy đủ chức năng kinh doanh.
Xét về các loại hình Fintech hiện nay ở Việt Nam, có thể thấy tính chất đa dạng trong các lĩnh vực kinh doanh, ví dụ kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán, dịch vụ hỗ trợ các tiện ích thanh toán như ví điện tử…
Nổi bật trong số đó và chiếm số lượng khá đông đảo là các hình thức kinh doanh công nghệ, tài chính có yếu tố liên quan đến hoạt động cho vay tín dụng.
Một doanh nghiệp Fintech muốn gia nhập thị trường, thì bước đầu phải trải qua khâu thủ tục đăng ký kinh doanh.
Chức năng đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp Fintech phụ thuộc vào việc các ngành nghề kinh doanh có được thể hiện trên trang thông tin đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hay không.
Ðể bảo đảm quyền lợi chính đáng cho mình, nhiều doanh nghiệp Fintech mong muốn ngành nghề mà họ hoạt động được thể hiện chính thức trên hồ sơ đăng ký kinh doanh của họ.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO.
Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp hoạt động cho vay kết hợp công nghệ về tài chính, hiện đại hóa, thì họ sẽ đăng ký ngành nghề như tài trợ tài chính, đầu tư kinh doanh…
Tuy nhiên, thực tế là chỉ một số lĩnh vực hạn hẹp của Fintech như dịch vụ trung gian thanh toán, ví điện tử… được phép ghi nhận rõ chức năng kinh doanh vì có những văn bản pháp quy quản lý từ Ngân hàng Nhà nước.
Hầu hết các loại hình Fintech còn lại liên quan đến hoạt động tín dụng thì phải chịu hoàn cảnh không có quy định hành lang pháp lý rõ ràng về ngành nghề kinh doanh.
Nếu tra cứu hơn một nghìn ngành nghề trong danh mục các ngành nghề kinh doanh được đăng ký, thì thực tế không thể phủ nhận không thể tìm thấy đâu là ngành nghề Fintech ở Việt Nam.
Có rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài khi muốn gia nhập vào thị trường Việt Nam để hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực Fintech đã phải ngậm ngùi xác nhận một điều, họ không thể tìm ra được một ngành nghề gọi là Fintech theo đúng nghĩa của nó.
Ðã thành một thông lệ, hoạt động kinh doanh cho vay mang tính chất chuyên nghiệp chỉ tồn tại hợp pháp ở một số lĩnh vực: thứ nhất là hoạt động của 5 loại hình tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước;
Thứ hai là hoạt động cho vay của những quỹ có văn bản pháp quy điều chỉnh như Quỹ đầu tư phát triển hợp tác xã, Quỹ đầu tư phát triển ở mỗi thành phố...;
Thứ ba là các tiệm cầm đồ theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NÐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Nếu doanh nghiệp Fintech không tồn tại dưới một hình thức pháp lý được kinh doanh cho vay chuyên nghiệp, thì rủi ro pháp lý sẽ là điều khó có thể tránh khỏi.
Vậy để gia nhập thị trường, các chủ thể muốn kinh doanh Fintech phải đối mặt với tình trạng hoặc không thành lập, hoặc phải có giải pháp đối phó.
Chính vì vậy, giải pháp hiện tại là rất nhiều doanh nghiệp Fintech phải lựa chọn cách thức thành lập 2 pháp nhân có chức năng khác nhau, gồm 1 pháp nhân có chức năng kinh doanh về công nghệ như thiết kế phần mềm…, còn 1 pháp nhân sẽ kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Hoạt động 2 công ty này sẽ có sự đan chéo phối hợp để từ đó tạo nên một chức năng kinh doanh vượt qua rào cản mà pháp luật đang hạn chế.
Suy cho cùng, với hành lang pháp lý như vậy, thì đó chính là rào cản ngăn trở các Fintech gia nhập thị trường Việt Nam.
Rủi ro pháp lý từ thiếu quy định hướng dẫn
Trong số các doanh nghiệp Fintech,ngoài các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ công nghệ liên quan đến hỗ trợ thanh toán, quản lý dữ liệu, dịch vụ ví điện tử,... thì phần đông còn lại muốn tìm kiếm các cơ hội từ mảng hoạt động tín dụng.
Họ đang đối mặt với thực trạng thiếu hành lang pháp lý từ các quy định pháp luật.
Một trong những ví dụ điển hình đó chính là hành lang pháp lý về lãi suất theo quy định pháp luật Việt Nam.
Lãi suất là một yếu tố mang tính chất của thị trường. Lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam đã phát triển rất nhanh.
Tuy nhiên, một trong những mảng vẫn cơ hội phát triển cho các nguồn vốn tín dụng là thị trường tài chính vi mô, cho vay tiểu thương.
Các nhu cầu trong lĩnh vực này có thể tạo ra nhiều đột phá, kích thích được hoạt động cho vay trên thị trường tín dụng.
Từ trước đến nay, các ngân hàng và các tổ chức tín dụng chưa thể tập trung tối đa theo tỷ trọng dư nợ của họ vào các lĩnh vực này.
Lý do, giới ngân hàng đang phải giải quyết quá nhiều nhu cầu vốn, đi kèm rất nhiều giới hạn từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, thì khung trần lãi suất là 20%/năm.
Về thực tế thị trường, người vay rất mong muốn những khoản vay và họ sẵn sàng chấp nhận lãi suất có thể vượt trên phạm vi khung trần của Nhà nước hiện nay.
Ví dụ, một người kinh doanh sạp chợ, thì sản phẩm đầu vào như bó rau, gạo, thực phẩm… có giá là 1 thì họ có thể bán với giá gấp 10 lần và đây là điều rất bình thường.
Chính vì lý do này, so sánh giữa tỷ lệ lợi nhuận với giới hạn mức lãi suất giới hạn pháp luật quy định (20%/năm), thì các tiểu thương sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất gấp vài lần giới hạn.
Tuy nhiên, về mặt pháp lý, giới hạn pháp luật vẫn là điều phải tuân thủ, cho dù nó không phù hợp với thực tiễn thị trường.
Ðiều này dẫn các doanh nghiệp Fintech vào thế khó, ngay thẳng trong thỏa thuận thì phạm luật, đối phó thì bị coi là “lách luật”.
Một rủi ro nữa có thể kể đến là việc cạnh tranh không lành mạnh từ sự thiếu vắng hành lang pháp lý trong hoạt động cho vay của Fintech.
Tư duy bảo vệ người vay để chống cho vay nặng lãi không còn phù hợp trong giai đoạn thị trường hiện nay.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp Fintech hoạt động cho vay một cách bài bản, chuyên nghiệp, dựa trên nguồn vốn của mình đang chịu sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của những tổ chức có yếu tố kinh doanh thiếu minh bạch, vượt rào và gây nguy hiểm cho thị trường.
Từ trước đến nay ở lĩnh vực ngân hàng, thì Ngân hàng Nhà nước quản lý rất chặt ở khâu huy động và cho vay.
Bởi nếu tổ chức tín dụng đứng ra huy động vốn của người dân, thì có khả năng tạo ra rủi ro thanh khoản cho thị trường, túi tiền của người dân. Do vậy, để phòng ngừa rủi ro an ninh tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước rất nghiêm khắc và đặt ra rất nhiều tỷ lệ giới hạn cảnh báo.
Cũng việc huy động vốn, nếu như các doanh nghiệp Fintech lạm dụng, hoạt động ở quy mô lớn, biến hóa như một tổ chức tín dụng, thì điều đó có nguy cơ gây rủi ro thanh khoản cho thị trường không kém gì lĩnh vực ngân hàng.
Trong bối cảnh như vậy, có những doanh nghiệp kinh doanh bằng nguồn vốn của mình, nhưng lại gặp phải sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của các tổ chức có sai phạm trong huy động vốn như hoạt động ngân hàng.
Ðiều này dẫn đến các doanh nghiệp Fintech chân chính có khả năng bị vạ lây.
Không loại trừ một ngày nào đó, sự ngăn cấm từ một quyết định quản lý nhà nước sẽ áp dụng đánh đồng lên tất cả các doanh nghiệp Fintech đang thực hiện hoạt động cho vay vì sự bát nháo của thị trường tín dụng Fintech hiện nay.
Bị quy kết ngang ngửa với tín dụng đen cũng là một rủi ro từ việc thiếu hành lang pháp lý cho tín dụng Fintech.
Giả sử có một hành lang pháp lý riêng quy định chuẩn hóa các hoạt động cho vay vi mô, cho vay tiêu dùng hay cho vay tiểu thương, thì có lẽ các doanh nghiệp Fintech đã không gặp phải rủi ro khi thời gian qua nhiều tổ chức bị quy kết ngang ngửa với tín dụng đen.
Chúng ta đang thiếu một định nghĩa chính xác về tín dụng đen. Có một thực tế không phủ nhận rằng hiện nay, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an đang duy trì cách hiểu cứ cho vay lãi suất cao là tín dụng đen.
Và như vậy, nếu nhìn vào hoạt động cho vay dựa trên lãi suất của doanh nghiệp Fintech, thì rõ ràng là các doanh nghiệp Fintech sẽ ngay lập tức có khả năng bị quy là tín dụng đen.
Ðiều này khiến cho các doanh nhân muốn hoạt động lâu dài, ổn định không có cách nào xoay xở được.
Trong khi thực tế chỉ nên coi là tín dụng đen khi hoạt động cho vay có yếu tố lừa dối, cưỡng ép vay vốn hoặc việc thu nợ vay có yếu tố xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản của người vay.
Rủi ro pháp lý lớn nhất của các doanh nghiệp Fintech là khả năng bị hình sự hóa các quan hệ kinh doanh. Ðối với lĩnh vực giao dịch tiền bạc, khả năng xảy ra tranh chấp với khách hàng là yếu tố đương nhiên.
So sánh với lĩnh vực ngân hàng, do có hành lang pháp lý điều chỉnh nên các tranh chấp, mâu thuẫn phải giải quyết theo cơ chế kinh doanh, bằng tố tụng dân sự.
Nhưng ở lĩnh vực Fintech hiện nay, vì thiếu hành lang pháp lý rõ ràng nên nếu xảy ra tổn thất tiền bạc cho khách hàng, doanh nghiệp Fintech rất khó lý giải về tính đúng sai và nhiều khả năng bị quy kết sai phạm.
Sai phạm cộng hậu quả tiền bạc lớn là tiền đề dẫn đến trách nhiệm hình sự như thực tế thường xảy ra ở lĩnh vực tài chính ngân hàng hiện nay. Ðây là rủi ro lớn nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp Fintech vì thiếu hành lang pháp lý.
Xây dựng hành lang pháp lý
Suy cho cùng, nếu các doanh nghiệp tín dụng Fintech tham gia hoạt động thị trường, thì có một nguồn vốn rất khả thi, dồi dào từ trong nước cũng như nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để kích thích cho các nhu cầu tín dụng phát triển.
Hoạt động cho vay của các ngân hàng dựa trên huy động vốn và có khả năng gây mất an ninh về tiền tệ. Nếu doanh nghiệp Fintech cho vay dựa trên nền tảng nguồn vốn của họ, thì rủi ro này không xảy ra.
Nếu doanh nghiệp hoạt động quản lý không tốt, thì chỉ có họ chịu hậu quả phá sản, giải thể mà không ảnh hưởng đến túi tiền của người dân.
Chính từ lý do này, có thể thấy rằng không có lý do gì để chúng ta cản trở hoạt động kinh doanh Fintech trên thị trường.
Yếu tố thứ hai cũng cần phải xem xét điều chỉnh là ở góc độ lãi suất cho vay để tạo nên hành lang pháp lý an toàn hơn.
Tư duy bảo vệ người vay để chống cho vay nặng lãi không còn phù hợp trong giai đoạn thị trường hiện nay.
Bên cạnh đó, chúng ta đã có một giới hạn được quy định tại Bộ luật Hình sự về tội cho vay nặng lãi. Do vậy, vấn đề lãi suất nên để thị trường quyết định.
Chúng ta biết rằng, bên cạnh tín dụng trắng, tín dụng xám thì còn có tín dụng đen. Tín dụng đen vẫn đang tiếp tục hoành hành ở khắp các ngóc ngách của đời sống xã hội.
Ðể cho các doanh nghiệp Fintech gia nhập thị trường một cách công khai, minh bạch cũng là một cơ hội giúp chúng ta ngăn ngừa tín dụng đen. Vậy thì chẳng còn lý do gì để không triển khai xây dựng hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp Fintech.