Bổ nhiệm và đánh giá HĐQT: Việt Nam có khoảng cách xa với khu vực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc cải thiện quy trình đánh giá HĐQT là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp trên toàn cầu để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐQT. Tuy nhiên, thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, chúng ta đang có khoảng cách rất lớn với khu vực trong câu chuyện đánh giá HĐQT.
Bổ nhiệm và đánh giá HĐQT: Việt Nam có khoảng cách xa với khu vực

Thực tiễn đánh giá HĐQT tại Việt Nam

Để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững, vai trò của các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) mang tính cốt lõi, bởi đây là cấp lãnh đạo cao nhất, có trách nhiệm định hướng chiến lược, dẫn dắt và giám sát nhằm đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp được kiểm soát một cách hiệu quả và bền vững.

HĐQT được Đại hội đồng cổ đông bầu, đại diện và bảo vệ lợi ích của cổ đông và các bên liên quan. HĐQT nhận được “tín thác” quản lý toàn bộ giá trị đầu tư của cổ đông và nhà đầu tư, với quy mô có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Theo đó, việc quy hoạch và đề cử thành viên HĐQT cần là một trách nhiệm đặc biệt quan trọng của HĐQT, bởi đây là tiền đề cho việc đánh giá và xác định các kỹ năng, tìm kiếm và bổ nhiệm các thành viên HĐQT đủ tiêu chuẩn một cách cẩn trọng, tuân thủ và phù hợp với các chính sách, cũng như tiêu chuẩn đã được thiết lập.

Theo báo cáo Xu hướng quản trị công ty hàng đầu từ năm 2025 do Diligent Institute thực hiện, qua khảo sát thành viên HĐQT trên toàn cầu, hơn 50% các thành viên HĐQT cho rằng việc cải thiện quy trình đánh giá HĐQT là ưu tiên hàng đầu của họ để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐQT. Thêm vào đó, 30% cho rằng việc nâng cấp quy trình đánh giá HĐQT là lĩnh vực quan trọng cần cải thiện trong 3 năm tới, và 31% cho biết việc thiếu đánh giá hiệu quả hoạt động HĐQT một cách chính thức và nghiêm ngặt sẽ không được chấp nhận trong 3 năm tới.

Thực tế, xu hướng quản trị công ty từ năm 2025 cho thấy, HĐQT đang đối mặt với sự giám sát ngày càng gia tăng từ mọi phía. Theo đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược cụ thể trong việc tương tác với cổ đông và các bên liên quan về các vấn đề quan trọng để tránh được sự bất ổn.

Tuy nhiên, chia sẻ về thông lệ đánh giá thành viên HĐQT và thực tiễn của Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp Việt đang lùi lại phía sau trong câu chuyện này.

Chia sẻ tại Directors Talk 19 (chuỗi hoạt động thường kỳ của Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD)), bà Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc chuyên môn VIOD cho biết, kết quả đánh giá từ Chương trình thẻ điểm Quản trị Công ty ASEAN (ACGS) cho thấy 2 vấn đề then chốt. Thứ nhất, ACGS đã có những tiêu chí cụ thể về đánh giá HĐQT, đó là đối tượng đánh giá, tiêu chí đánh giá và quy trình đánh giá như thế nào. Các đối tượng đánh giá bao gồm toàn bộ thành viên HĐQT, các tiểu ban chuyên trách và thành viên Ban Điều hành.

Khoảng cách trong việc thực hiện đánh giá HĐQT theo Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS)

Khoảng cách trong việc thực hiện đánh giá HĐQT theo Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS)

Thứ hai, ACGS có sự khác biệt rất lớn giữa Việt Nam và ASEAN. Khu vực ASEAN đã có 10 năm thực hiện các quy tắc quản trị công ty nên hầu hết các quốc gia đều đã thực hiện theo các thông lệ tốt, các nước dẫn đầu như Malaysia, Singapore hay Thái Lan gần như 100% thực hiện đúng theo các nguyên tắc này, trong khi Việt Nam có sự khác biệt rất lớn.

"Tại Việt Nam, trong các hướng dẫn hiện nay chỉ nhắc tới vấn đề đánh giá HĐQT nhưng không mô tả quy trình thực hiện và càng không có nhiều doanh nghiệp đưa ra tiêu thức và kết quả đánh giá. Đó là lý do Việt Nam có điểm số thấp”, bà Hiền cho biết.

Nhấn mạnh thực tiễn đánh giá thành viên HĐQT tại Việt Nam, bà Hà Thu Thanh, Chuyên gia quản trị công ty cao cấp, Chủ tịch HĐQT VIOD cho biết, một nguyên tắc quan trọng trong đánh giá HĐQT là việc HĐQT thực hiện đánh giá hiệu quả công việc hàng năm đối với Tổng giám đốc/CEO/Chủ tịch, các quốc gia khu vực ASEAN thực hiện với tỷ lệ 90%, nhưng Việt Nam chỉ là 7%.

“Tại mỗi kỳ đánh giá ACGS, 100 doanh nghiệp tại mỗi quốc gia tham dự sẽ được lựa chọn để chấm điểm. Tuy nhiên, do tình trạng công bố thông tin bằng tiếng Anh còn hạn hẹp, năm 2024, Việt Nam chỉ có thể lựa chọn được 69 doanh nghiệp tham gia chương trình đánh giá do chưa đáp ứng được yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh và chất lượng báo cáo. Theo đó, tỷ lệ 7% này là rất thấp, mà nguyên nhân là doanh nghiệp Việt chưa tiến hành đánh giá, không công bố tiêu chí, quy trình đánh giá”, bà Thanh chia sẻ.

Bà Hà Thu Thanh, Chuyên gia quản trị công ty cao cấp, Chủ tịch HĐQT, Viện thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) chia sẻ tại sự kiện

Bà Hà Thu Thanh, Chuyên gia quản trị công ty cao cấp, Chủ tịch HĐQT, Viện thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) chia sẻ tại sự kiện

Đánh giá như thế nào?

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT VIOD cho biết, việc bổ nhiệm và đánh giá HĐQT vì một HĐQT hiệu quả bao gồm 5 công đoạn: đề cử - bổ nhiệm - phân công - trao quyền - đánh giá.

“Vấn đề đặt ra là ai là người đề cử, kể cả HĐQT được tái bổ nhiệm hàng năm cũng phải có quy trình đề cử, tiếp theo đó có bổ nhiệm, phân công hàng năm, khi phân công có trao quyền, thực hiện đánh giá, nhằm đảm bảo 4 nhiệm vụ rất quan trọng của HĐQT là đa dạng, chất lượng, trách nhiệm, năng lực. Vậy khi đánh giá HĐQT, sẽ phải đánh giá trên cả 4 nhiệm vụ này.

Về việc đánh giá như thế nào, theo bà Thanh, có 3 cấp bậc: Tự đánh giá - từng thành viên HĐQT tự đánh giá; Đánh giá đồng cấp - các thành viên HĐQT đánh giá lẫn nhau; Đánh giá độc lập.

“Nhiều câu hỏi đặt ra về bộ tiêu chí đánh giá, thực tế, có thể có những khung đánh giá chung, nhưng mỗi doanh nghiệp khác nhau cần có những bộ tiêu chí đánh giá phù hợp với từng doanh nghiệp. Vậy ai sẽ là người giúp xây dựng, hoàn chỉnh bộ tiêu chí đánh giá? Đây sẽ là vai trò của Uỷ ban đề cử. Nhưng tại Việt Nam, ngay cả những doanh nghiệp tiên phong nhất trong thực hành thông lệ quản trị công ty tốt cũng chưa có Ủy ban đề cử. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia khác, HĐQT luôn thành lập Ủy ban đề cử. Trong trường hợp chúng ta chưa phát triển tới mức độ này, thì tại các doanh nghiệp tiên phong vượt lên sự tuân thủ, chức năng của Ủy ban đề cử được gộp/ghép từng phần với Ủy ban lương thưởng”, bà Thanh chia sẻ.

Nhận thấy việc đề cử tuyển chọn và tìm kiếm thành viên HĐQT có chất lượng cho HĐQT là trọng trách rất lớn của HĐQT, VIOD đã ra mắt “Cẩm nang Đề cử cho thành viên HĐQT” - cẩm nang soạn thảo cho HĐQT, thay vì chỉ là cẩm nang dành riêng cho Ủy ban đề cử nhằm phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một ấn phẩm thuộc “Tủ sách SGDG: Lãnh đạo, Quản trị, ESG” do VIOD và Alpha Books hợp tác phát triển.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục