Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu các nguyên tắc chuyển đổi đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc Nam

Cần rà soát chi tiết toàn bộ 8 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông để có thể đề xuất được phương án chuyển đổi hình thức đầu tư có tính khả thi cao nhất.
Tuyến cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây do VEC đầu tư sẽ kết nối với tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Dầu Giây - Phan Thiết. Tuyến cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây do VEC đầu tư sẽ kết nối với tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Dầu Giây - Phan Thiết.

Đây là một trong những đề xuất trong công văn vừa được Bộ Kế hoạch và đầu tư gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến về việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án PPP sang đầu tư công.

Hiện một số dự án thành phần của Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 và Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ là các dự án trọng điểm ngành GTVT đang được triển khai theo hình thức PPP. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, thực tế đang phát sinh một số khó khăn liên quan đến khả năng huy động vốn tín dụng, năng lực nhà đầu tư... dẫn tới việc tiến độ triển khai các dự án khó đảm bảo theo kế hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc Bộ GTVT nghiên cứu, báo cáo Thường trực Chính phủ đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án trọng điểm từ PPP sang đầu tư công là cần thiết, nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020; vừa tạo tác động lan tỏa vừa đối phó kịp thời với tình hình diễn biến dịch Covid 19 đang ảnh hưởng ngày càng rõ nét đến đà tăng trưởng của nền kinh tế. Đề xuất này cũng phù hợp với Nghị quyết số 13 – NQ/TW ngày 16/1/2012 của BCH TW Đảng; Chỉ thị số 11/CT – TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SXKD và ứng phó dịch bệnh.

Liên quan đến phương án chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cần bám sát nguyên tắc rà soát chi tiết toàn bộ 8 dự án đang triển khai theo hình thức PPP nhằm đề xuất chuyển đổi sang hình thức đầu tư công toàn bộ đối với những dự án cần chuyển đổi, đảm bảo tính khả thi nhất.

Theo đó, các dự án này phải nối tiếp với các đoạn đang triển khai; có khả năng hoàn thành sớm các thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ GPMB, tiến độ thi công; giải ngân hết kế hoạch vốn hàng năm đã được giao trong giai đoạn 2018 – 2020 và gối đầu chuyển tiếp thực hiện ngay trong giai đoạn kế tiếp, tránh tình trạng phải kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn nhưng dự án không thể triển khai, không thể giải ngân được.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá phương án lựa chọn của Bộ GTVT về việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam gồm đoạn: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Phan Thiết – Dầu Giây là cơ bản đáp ứng được các nguyên tắc nêu trên. Tuy nhiên, Bộ GTVT cần xem xét rà soát khả năng triển khai theo hình thức PPP các dự án còn lại để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định 1 lần việc điều chỉnh, chuyển đổi sang hình thức đầu tư công cho cả 3 dự án thuộc phương án đề xuất và các dự án còn lại.

Về việc tổ chức thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền xem xét việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ các dự án này.

Việc chỉ định thầu cần được thực hiện theo các nguyên tắc: doanh nghiệp được chỉ định phải có năng lực về tài chính, máy móc, thi công, nhân lực và kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự để đảm bảo chất lượng công trình, trong đó ưu tiên giao cho các doanh nghiệp xây dựng của Bộ Quốc phòng; tiến hành rà soát tổng mức đầu tư dự án sau khi chuyển đổi hình thức đầu tư, bảo đảm không trùng lặp với kinh phí GPMB toàn tuyến; đề nghị trong việc chỉ định thầu cần quy định tiết kiệm từ 5% - 7% so với dự toán được phê duyệt của gói thầu được chỉ định; nghiên cứu xây dựng cơ chế thưởng, phạt rõ ràng với các nhà thầu được lựa chọn để thúc đẩy tiến độ các dự án, trong đó sử dụng chính khoản tiết kiệm nêu trên để trích 1 phần thưởng cho nhà thầu vượt tiến độ...

Trước đó, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ vào giữa tháng 3/2002, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với đề xuất chuyển đổi 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam của Bộ GTVT nhằm sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa công trình vào sử dụng, từ đó góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng.

Cụ thể, các dự án PPP sẽ thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư là Dự án đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, có chiều dài tuyến là 99 km; Dự án đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45 có chiều dài tuyến là 63,4 km; Dự án đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có chiều dài tuyến là 43,2 km. Tổng mức đầu tư 3 dự án vào khoảng 20.500 tỷ đồng.

Theo phương án do Bộ GTVT đề xuất Nhà nước sẽ bỏ toàn bộ vốn để đầu tư xây dựng 3 dự án nói trên, khi hoàn thành sẽ tiến hành chuyển nhượng quyền khai thác để thu hồi vốn (theo hình thức hợp đồng O&M).

Như vậy, nếu 3 dự án PPP nói trên được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chuyển đổi, Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 sẽ có tới 6/11 dự án sẽ triển khai theo hình thức đầu tư công. Các dự án đang được Bộ GTVT triển khai theo hình thức đầu tư công là Cao Bồ (Ninh Bình) - Mai Sơn (Thanh Hóa); Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 hiện đều đã được Bộ GTVT tiến hành khởi công xây dựng.

Đối với 5 dự án PPP còn lại, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nước như yêu cầu tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội về việc thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020.

Phần ngân sách thiếu hụt do 3 dự án PPP tiến hành chuyển đổi sang đầu tư công để tiếp tục thực hiện 5 dự án PPP ước khoảng 20.000 tỷ đồng. Con số này còn có thể giảm bớt nhờ vào chi phí tiết kiệm sau đấu thầu cạnh tranh lựa chọn nhà thầu xây lắp tại 6 dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục