Bộ Giao thông sẽ tổ chức “Hội nghị Diên Hồng” gọi vốn xây 2.500 km cao tốc

Đây là khẳng định của Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường tại cuộc họp triển khai Quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Giao thông sẽ tổ chức “Hội nghị Diên Hồng” gọi vốn xây 2.500 km cao tốc

Cụ thể, trong thời gian tới Bộ GTVT sẽ tổ chức hội nghị giới thiệu về danh mục cácdự án giao thông chuẩn bị đầu tư để các doanh nghiệp tham gia, tìm hiểu.

“Đây sẽ là hội nghị Diên Hồng để các nhà đầu tư tâm huyết, có tiềm lực tài chínhmạnh như: Vingroup, T&T,… quan tâm tìm hiểu và tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thông tin.   

Hiện Bộ GTVT đang tiến hành kêu gọi vốn cho các dự án dự kiến đầu tư theo hình thức BT, BOT có hỗ trợ của Nhà nước, gồm 11 tuyến, gồm: Mỹ Thuận - Cần Thơ, Ninh Bình - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Vinh, Vinh - Hà Tĩnh, Hà Tĩnh (nút Hàm Nghi) - Vũng Áng, Cam Lộ - La Sơn, Dầu Giây - Tân Phú, Bảo Lộc - Liên Khương, Biên Hòa - Tân Thành, Nội Bài - Bắc Ninh. Tổng chiều dài các đoạn tuyến tiếp tục đầu tư theo hình thức BT là 102km, đầu tư theo BOT khoảng 541km với tổng kinh phí đầu tư khoảng 109.514 tỷ đồng.

"Đây sẽ là hội nghị Diên Hồng để các nhà đầu tư tâm huyết, có tiềm lực tài chính mạnh như: Vingroup, T&T,… quan tâm tìm hiểu và tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông" - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường

Trước hiện tượng một số nhà đầu tư tham gia đăng ký 5- 6 công trình để "giữ chỗ, xí phần", Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo Ban Quản lý dự án đối tác công tư (Ban PPP)  rà soát, kiểm tra lại năng lực tài chính của các nhà đầu tư này xem có đáp ứng yêu cầu hay không.

“Vụ Kế hoạch đầu tư và Ban PPP phối hợp xây dựng chi tiết Chương trình phát triển đường cao tốc đến năm 2020 bằng hai nguồn vốn ngân sách nhà nước và xã hội hóa, đồng thời xây dựng cơ chế về vốn cho các dự án; trong tháng Ba phải hoàn thành Kế hoạch triển khai trình Thủ tướng Chính phủ”, ông Trường chỉ đạo.

Theo Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), tính đến hết tháng 2/2016, cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác 746 km đường cao tốc gồm 12 tuyến: Đại lộ Thăng Long (30km), Liên Khương – Đà Lạt (19km), Pháp Vân – Cầu Giẽ (30km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km), Vành đai 3 đoạn Phù Đổng – Mai Dịch (28km), Hà Nội – Lào Cai (264km), Hà Nội – Thái Nguyên (62km), Hà Nội – Hải Phòng (105km), Hà Nội – Bắc Giang (46km), TP Hồ Chí Minh – Trung Lương (40km), TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (51km)và tuyến nối Nội Bài – Nhậtp Tân (21km) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 173.422 tỷ đồng.

Bộ này cũng đang tổ chức thi công 525 km gồm 9 tuyến với tổng kinh phí đầu tư là 133.492 tỷ đồng, gồm: La Sơn - Túy Loan (66km), Đà Nẵng - Quảng Ngãi (127km), Bến Lức - Long Thành (57,8 km), Hòa Lạc - Hòa Bình (26km), Thái Nguyên - Bắc Kạn (40km), Trung Lương - Mỹ Thuận (51km), Bắc Giang - Lạng Sơn (64km), Hạ Long - Vân Đồn (59km), Hải Phòng - Quảng Ninh (25km). Tổng kinh phí đầu tư khoảng 133.492 tỷ đồng; đồng thời đã xác định nguồn vốn đầu tư cho 5 dự án với tổng chiều dài 160km, gồm: Vành đai 3 Hà Nội đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, Cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn TP Lạng Sơn - CK Hữu Nghị, Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục