Bộ Công thương làm rõ việc không trích, chi Quỹ Bình ổn xăng dầu

Do tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu đến kinh tế - xã hội không lớn, nên trong 9 tháng đầu năm, hầu như không phải dùng đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá mặt hàng này.
Bộ Công thương làm rõ việc không trích, chi Quỹ Bình ổn xăng dầu

Bộ Công thương vừa có báo cáo về tình hình hoạt động thương mại tháng 9 và 9 tháng năm 2024.

Đề cập đến công tác quản lý mặt hàng xăng dầu, Bộ này cho biết, kể từ khi thực hiện điều hành giá xăng dầu rút xuống 7 ngày theo Nghị định số 80/2023/NĐ-CP, giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Cùng với đó, các loại chi phí kinh doanh xăng dầu được cập nhật kịp thời, đã tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng đầy đủ nhu cầu cho thị trường nội địa.

Cơ quan điều hành giá đều không trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu trong cả 9 tháng qua.

"Với việc thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay mức biến động giá giữa hai lần điều chỉnh cơ bản không lớn, giá xăng dầu trong nước đã cơ bản bám sát diễn biến giá thế giới, các doanh nghiệp đã chủ động tính toán được mức giá, lên kế hoạch nhập hàng theo phân giao tổng nguồn tối thiểu năm 2024 của Bộ và kế hoạch đăng ký theo từng quý, nguồn cung xăng dầu cơ bản được đảm bảo", Báo cáo nêu.

Do đó, tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu đến tình hình kinh tế - xã hội không lớn, hầu như không phải dùng đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá mặt hàng này, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

Từ đầu năm đến 26/9/2024, thị trường xăng dầu đã trải qua 39 lần điều chỉnh giá. Giá bán các mặt hàng xăng dầu hiện nay (tại kỳ điều hành ngày 26/9/2024) như sau: Xăng E5RON92 19.620 đồng/lít; Xăng RON95-III 20.518 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S 17.506 đồng/lít; Dầu hỏa 17.873 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S 15.357 đồng/kg.

Bộ Công thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định.

Trước đó, thông tin về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, tính tới hết quý II/2024, Quỹ còn hơn 6.000 tỷ đồng, giảm khoảng 600 tỷ đồng so với cuối 2023.

Trong quý II/2024, cơ quan quản lý đã thực hiện trích lập vào Quỹ 29,25 tỷ đồng, tổng chi sử dụng Quỹ khoảng 9,7 tỷ đồng, lãi phát sinh trên số dư Quỹ trên 3,2 tỷ đồng, lãi phát sinh trên số dư Quỹ âm 5,9 tỷ đồng.

Như vậy, tính tới hết tháng 9, Quỹ Bình ổn xăng dầu dư hơn 6.061 tỷ đồng, giảm 18 tỷ đồng so với quý trước đó.

Trong đó, số dư Quỹ tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 3.078 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM: 328 tỷ đồng; Công ty TNHHH MTV - Tổng công ty xăng dầu Quân đội: 299,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp: 460 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ: 390,4 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh: 164,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Dương Đông: 182 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức: 467,2 tỷ đồng…

Đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu liên tiếp được nhiều doanh nghiệp đưa ra khi Bộ Công thương lấy ý kiến dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.

Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng, cơ quan quản lý nêu ý kiến cần mạnh dạn bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, vì thời gian qua, Quỹ không trích/chi nhiều kỳ, nhưng thị trường vẫn ổn định.

Mới nhất, hôm 20/9/2024, Nhóm thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ xăng dầu có văn bản gửi Thủ tướng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ Tư pháp... về các vấn đề liên quan đến việc sửa Nghị định kinh doanh xăng dầu, trong đó, các thương nhân này đề nghị xem xét lại sự tồn tại của Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì lý do Quỹ này không hiệu quả và ít phát huy tác dụng thực chất.

Hơn nữa, việc duy trì Quỹ cũng tạo gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp nói chung và cùng với thuế môi trường thu trước, nhiều doanh nghiệp lớn đã lạm dụng Quỹ này và tiền thuế để trục lợi trái pháp luật.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục