Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng, truy tố ra trước Tòa án Nhân dân TP.HCM để xét xử đối với 15 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) và các đơn vị liên quan.
Trong số này, bị can Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre bị truy tố 2 tội danh “nhận hối lộ” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Bị can Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil bị truy tố tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “đưa hối lộ”.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải bị truy tố về tội “nhận hối lộ”; các bị can còn lại bị truy tố về một trong các tội danh “đưa hối lộ” hoặc “nhận hối lộ”.
“Rút ruột” Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để chi tiêu cá nhân
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính ngoài ngân sách, để tại doanh nghiệp là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thương nhân này phải mở tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại và phải thực hiện trích tiền trên cơ sở doanh thu bán hàng, theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương.
Người quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được giao quản lý, sử dụng số tiền thu, nộp, chấp hành cơ chế quản lý của Nhà nước.
Cùng với đó, định kỳ ngày mùng 1 hằng tháng, hoặc ngày làm việc đầu tiên của tháng, ngân hàng phải gửi sao kê các giao dịch phát sinh liên quan đến tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đến Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), gồm: số dư đầu kỳ, trong kỳ; số trích lập trong kỳ; phần lãi phát sinh...
Khi kết thúc năm tài chính, thương nhân đầu mối và ngân hàng phải tổng hợp báo cáo tình hình trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, số dư cuối kỳ..., gửi liên bộ Tài chính - Công thương để kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, liên bộ còn có thể yêu cầu báo cáo đột xuất.
Tháng 8/2016, Công ty Xuyên Việt Oil, được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (thời hạn 5 năm) để trở thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Lợi dụng việc được Nhà nước giao thu hộ và quản lý, sử dụng tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Công ty Xuyên Việt Oil, Mai Thị Hồng Hạnh đã chỉ đạo Phó giám đốc Nguyễn Thị Như Phương không thực hiện trích lập, không kết chuyển tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vào tài khoản Công ty, mà chuyển về tài khoản cá nhân.
Theo Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, tính đến ngày 20/9/2023, các công ty của Mai Thị Hồng Hạnh đang có dư nợ xấu hơn 6.178 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Việt Oil tại Bến Tre nợ ngân hàng hơn 271 tỷ đồng và nợ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu 219 tỷ đồng.
Để đối phó với các hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý, Hạnh đã chỉ đạo các nhân viên kế toán lập 81 báo cáo khống về tình hình trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo định kỳ và gửi đến Bộ Công thương, Bộ Tài chính để báo cáo số dư... đúng với số tiền phải trích lập theo doanh thu bán hàng.
Thời điểm tháng 5/2023, báo cáo số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là 219 tỷ đồng, song trên thực tế, tài khoản của quỹ này tại Công ty Xuyên Việt Oil chỉ là 2 triệu đồng. Gần như toàn bộ số tiền trên đã bị Hạnh chỉ đạo chuyển vào tài khoản cá nhân, rồi sử dụng mua bất động sản, chi tiêu cá nhân, đưa hối lộ...
Hàng ngàn tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường bị chiếm dụng
Không chỉ “rút ruột” 219 tỷ đồng từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Mai Thị Hồng Hạnh còn được xác định đã chiếm dụng, gây thất thoát hơn 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường.
Đây là khoản thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Số tiền thuế này được tính vào giá bán hàng hóa, không phải là tiền từ vốn, tài sản, lợi nhuận kinh doanh của thương nhân phân phối xăng dầu.
Trong quá trình kinh doanh, thương nhân có trách nhiệm thu hộ từ người tiêu dùng, để nộp vào ngân sách nhà nước theo định kỳ hàng tháng, chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày nộp tờ khai.
Từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022, mặc dù Công ty Xuyên Việt Oil thu hộ Nhà nước hơn 1.244 tỷ đồng, nhưng Mai Thị Hồng Hạnh không thực hiện, không chỉ đạo nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định, mà chuyển số tiền này từ tài khoản thu về của Công ty sang các tài khoản cá nhân và sử dụng vào các mục đích cá nhân.
Đến ngày 13/9/2023, Cục Thuế TP.HCM xác định, Công ty Xuyên Việt Oil còn phải nộp hơn 1.244 tỷ đồng (chưa tính lãi phạt chậm nộp).
Hiện nay, trong 17 tài khoản tại 8 ngân hàng của Mai Thị Hồng Hạnh và 19 tài khoản của Công ty Xuyên Việt Oil tại 5 ngân hàng chỉ còn hơn 4 tỷ đồng và 244 USD. Do đó, cơ quan điều tra xác định, Hạnh không còn khả năng tài chính để chuyển nộp tiền thuế đã thu hộ.
Hối lộ hàng loạt quan chức số tiền lớn
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, nhiều cựu lãnh đạo thuộc Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã có hành vi nhận hối lộ để làm ngơ cho các vi phạm có tính liên tục, có hệ thống của Mai Thị Hồng Hạnh và Công ty Xuyên Việt Oil.
Theo đó, sau khi giấy phép kinh doanh xăng dầu hết hạn, Công ty Xuyên Việt Oil thuộc trường hợp không đủ điều kiện để được cấp lại giấy phép. Tuy nhiên, thông qua Nguyễn Lộc An, cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Hạnh đã tiếp cận, đặt vấn đề, hứa hẹn “cảm ơn” và được bị can Đỗ Thắng Hải (khi đó đang là Thứ trưởng Bộ Công thương) nhận lời “giúp đỡ”.
Ông Hải sau đó đã chỉ đạo cấp dưới tại Vụ Thị trường trong nước (phụ trách mảng cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu) để “tạo điều kiện” cấp phép cho Công ty Xuyên Việt Oil.
Sau khi được cấp phép, Mai Thị Hồng Hạnh đã đưa hối lộ tổng cộng 365.000 USD (hơn 8 tỷ đồng) cho nhóm bị can tại Bộ Công thương, trong đó cựu Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận 50.000 USD.
Cùng với đó, để che giấu hành vi “rút ruột” Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Hạnh đưa hối lộ 20.000 USD (tương đương gần 500 triệu đồng) và được Đặng Công Khôi, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) “giúp đỡ”.
Cục Quản lý giá được giao quản lý, kiểm tra, giám sát các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc chấp hành quy định về việc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Tuy nhiên, khi được cấp dưới báo cáo về việc Công ty Xuyên Việt Oil và ngân hàng không thực hiện gửi sao kê tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định, Đặng Công Khôi đã không chỉ đạo áp dụng biện pháp xử lý, nhắc nhở kịp thời, gián tiếp tạo điều kiện cho Mai Thị Hồng Hạnh chiếm dụng, sử dụng trái phép.
Đối với tiền thuế bảo vệ môi trường, với mục đích chậm nộp thuế để có nguồn tiền trong kinh doanh, Hạnh đã liên hệ với Lê Duy Minh, cựu Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM để được tạo điều kiện chậm ban hành các quyết định cưỡng chế tiền nợ thuế, không công bố thông tin, để tránh ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
Cơ quan tố tụng cáo buộc, trong quá trình này, ông Minh đã 5 lần nhận hối lộ, với tổng số tiền gần 4,9 tỷ đồng từ Mai Thị Hồng Hạnh, trong đó, lần nhận nhiều nhất là 100.000 USD.
Ngoài ra, để có tiền phục vụ các hoạt động kinh doanh và tạo các mối quan hệ cho Công ty Việt Oil (công ty con, tại tỉnh Bến Tre), Mai Thị Hồng Hạnh đã nhiều lần đưa hối lộ cho bị can Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, với số tiền lên tới gần 36 tỷ đồng và nhiều quà tặng có giá trị lớn như đồng hồ, xe ô tô hạng sang.
Trong quá trình điều tra, truy tố, bị can Lê Đức Thọ cùng gia đình đã nộp lại 16,7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả; đồng thời được đánh giá thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án.