Bộ Công thương lạc quan với kết quả 4 tháng

(ĐTCK) Với kết quả tăng trưởng khả quan, hoạt động thương mại và sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2014 được đánh giá là nhân tố sẽ góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực cho nền kinh tế vĩ mô vốn chưa có nhiều điểm sáng.
Dệt may vẫn là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và tốc độ tăng trưởng cao Dệt may vẫn là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và tốc độ tăng trưởng cao

Sản xuất công nghiệp: xu hướng hồi phục

Theo số liệu vừa công bố của Bộ Công thương, sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2014 đạt mức tăng trưởng 5,4%, cao hơn mức tăng trung bình 5,2% của 3 tháng trước và mức tăng 4,8% của cùng kỳ năm 2013. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tính chung 4 tháng cũng tăng 5,4%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao hơn mức tăng của toàn ngành, đạt 7,4%.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, mức tăng trưởng này của ngành chế biến, chế tạo, vốn là nhân tố cơ bản cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp, cho thấy sản xuất của một số ngành đã bắt đầu có xu hướng tăng trở lại, tạo đà cho sự hồi phục của nền kinh tế. Cụ thể, chỉ số sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%, tăng 0,5% so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2013; chỉ số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,4%, tăng 2,2%. Các ngành công nghiệp năng lượng cũng đạt kết quả tương đối khả quan, như sản xuất điện thương phẩm tăng 10,3%; khai thác dầu thô tăng 2,12%; khí hóa lỏng tăng 9,4%...

Mặc dù vậy, các chỉ số về tiêu thụ và tồn kho của các ngành sản xuất và thị trường lại có những diễn biến trái chiều rất đáng lưu tâm. Trong khi chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I tăng 5,5% so với cùng kỳ, thì mức độ tăng trưởng tiêu thụ trên thị trường của nhóm các mặt hàng tiêu dùng lại giảm. Chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 4 vẫn tăng 6,2% so với tháng trước.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, tuy tiêu thụ của ngành công nghiệp đã tăng trưởng trở lại, song mức tăng còn thấp, chưa đủ để vượt qua mức tồn kho lũy kế tháng trước. Trong khi đó, mức cầu tiêu thụ của thị trường vẫn còn yếu, chưa có sự cải thiện rõ rệt do tác động của suy giảm kinh tế và những biện pháp kích cầu vẫn chưa đạt hiệu quả. Do đó, nền kinh tế vẫn rất cần những giải pháp kích cầu mạnh hơn để có thể đạt tốc độ tăng trưởng khá hơn, tạo đà hồi phục trở lại.

Xuất siêu khoảng 683 triệu USD

Về hoạt động thương mại, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, có nhiều tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu giúp cán cân thương mại xuất siêu trở lại. Cụ thể, tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng trưởng 16,9% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 45,74 tỷ USD. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu, đạt 30,35 tỷ USD, chiếm 66,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và tốc độ tăng trưởng cao vẫn là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính và linh kiện điện tử, giày dép, hàng dệt may.

Kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm đạt gần 45,1 tỷ USD, tăng 13,7%. Ông Hải lý giải, sở dĩ nhập khẩu vẫn cao do kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần cho sản xuất và tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng phục vụ gia công, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI vẫn tăng khá, chiếm tỷ trọng 88,5% tổng kim ngạch nhập khẩu. Còn nhóm hàng nhập khẩu cần kiểm soát và hạn chế kiểm soát tăng không đáng kể. Do đó, nhập khẩu vẫn nằm trong tầm kiểm soát, đảm bảo cán cân thương mại vẫn xuất siêu khoảng 683 triệu USD.  

Ông Hải cho biết, mặc dù đã xuất hiện những tín hiệu khả quan, song nhận định chung của ngành công thương về toàn cảnh bức tranh kinh tế trong thời gian tới vẫn khá dè dặt. Vì vậy, bản thân ngành và các doanh nghiệp cần phải tập trung quyết liệt thực hiện các giải pháp, nhằm khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh cải tiến công nghệ, sử dụng hiệu quả năng lượng và nguyên liệu vật tư trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí, giảm nhập siêu, tăng hiệu quả đầu tư và sản xuất.

“Bộ Công thương sẽ cố gắng nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường cũng như tăng cường các biện pháp bình ổn thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, để hỗ trợ tối đa hoạt động sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp”, ông Hải cam kết.  

Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục