Bộ Công thương chủ trì Đề án ứng phó với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ giao Bộ Công thương là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các Bộ ngành xây dựng và triển khai các biện pháp hiệu quả ứng phó với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU.
Sắt thép là một trong những nhóm hàng xuất khẩu đầu tiên sang EU phải chịu cơ chế CBAM. Sắt thép là một trong những nhóm hàng xuất khẩu đầu tiên sang EU phải chịu cơ chế CBAM.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 6082/VPCP-NN của gửi các Bộ: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Công thương là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng và triển khai các biện pháp hiệu quả ứng phó với Cơ chế CBAM, bao gồm việc xây dựng và triển khai Đề án ứng phó với Cơ chế СВАМ.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các Bộ ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ thuộc nhóm giải pháp về đàm phán, hợp tác quốc tế, tích cực đối thoại với EU, Vương quốc Anh trong khuôn khổ WTO, EVFTA, UKVFTA... để làm rõ sự phù hợp của CBAM với các cam kết quốc tế.

Nghiên cứu khả năng mở rộng phạm vi áp dụng của CBAM, đặc biệt là các sản phẩm nông lâm nghiệp; nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ, miễn trừ phù hợp cho Việt Nam; tiếp tục theo dõi các diễn biến tại các nước đối tác như Hoa Kỳ, Canada về việc áp dụng CBAM.

Cùng đó, nghiên cứu, đàm phán, gia nhập các diễn đàn, khuôn khổ quốc tế song phương và đa phương để tăng cường khả năng hợp tác và công nhận của cộng đồng quốc tế đối với các chính sách, quy định của Việt Nam liên quan đến giá carbon.

Chính phủ cũng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao nghiên cứu kinh nghiệm về giải pháp ứng phó của các nước cùng chịu tác động của CBAM, như: Indonesia, Nam Phi, Colombia… đồng thời tăng cường tham vấn, phối hợp lập trường với các nước đang và sẽ chịu tác động của CBAM tại các khuôn khổ song phương và đa phương như WTO, ASEAN...

Bộ Công thương còn có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động thuộc nhóm giải pháp về phổ biến, tuyên truyền, chẳng hạn tổ chức các khóa tập huấn cho các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp... về CBAM, bao gồm thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo đúng yêu cầu của Cơ chế này.

Việc bố trí kinh phí ngân sách nhà nước để triển khai các hoạt động này thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Hiệp hội ngành hàng triển khai các hoạt động thuộc nhóm giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp để thích ứng với các yêu cầu của CBAM; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ ngành liên quan đánh giá, thẩm định các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài liên quan đến CBAM.

Cũng theo văn bản, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu việc xây dựng, áp dụng các chính sách liên quan đến giá carbon phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tương thích với các chính sách liên quan đến giá carbon trên thế giới, để áp dụng vào thời điểm thích hợp.

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các Bộ ngành triển khai các giải pháp tín dụng xanh, trong đó có tín dụng cho các dự án đáp ứng yêu cầu của CBAM thuộc Danh mục phân loại xanh.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các Bộ ngành liên quan nghiên cứu phương án sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, EVFTA, UKVFTA nhằm giảm thiểu các tác động của CBAM đối với Việt Nam và đánh giá các mặt mạnh, yếu của Việt Nam về pháp lý.

Với việc thực hiện CBAM, EU là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu. CBAM cũng là một trong những cơ chế duy nhất mà EU có để khuyến khích các đối tác thương mại giảm phát thải khí carbon trong lĩnh vực sản xuất.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ áp thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất.

Theo đó, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, và phải mua 'chứng chỉ khí thải' theo mức giá carbon hiện nay tại EU. Việc này nhằm cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm nội địa châu Âu vốn có giá cao hơn do phải tuân thủ những quy định chặt chẽ về phát thải.

Thời hạn áp CBAM với hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu được chia làm 2 giai đoạn. Từ 1/10/2023 - 31/12/2025, các doanh nghiệp nhập khẩu 6 nhóm hàng hóa (sắt thép, điện, nhôm, phân bón, xi măng và hydrogen) vào EU phải khai báo lượng khí thải trong hàng hóa, nhưng chưa phải trả khoản phí nào.

Từ 1/1/2026, các nhà nhập khẩu 6 nhóm hàng hóa này phải trả thuế phát thải carbon vượt quá hạn ngạch tính trên mỗi tấn hàng hóa nhập khẩu.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục