Tuy nhiên, tín chỉ carbon là một phần của nông nghiệp xanh, không phải dự án nào cũng cần tập trung, mà sao nhãng mục tiêu chính là tăng trưởng nông nghiệp bền vững.
Thương vụ triệu USD từ mua bán “không khí”
Trong quan niệm của nhiều người, khí carbon (CO2) là loại khí thải từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất, gây ô nhiễm bầu không khí, nhưng với ông Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nông nghiệp vi sinh VOS Harvest, carbon là nguyên tố gắn liền với việc hình thành nên sự sống trên trái đất. Quan trọng hơn, carbon là nơi sinh ra nguồn tiền bền vững. “Carbon không phải kẻ thù, carbon là bạn, là nguồn tiền quanh ta”, ông Thế khẳng định.
Kể từ khi Nghị định thư Kyoto được thông qua vào năm 1997, trên thế giới, các thị trường carbon dần được hình thành, với mục tiêu chính là giảm phát thải khí CO2 để chống lại biến đổi khí hậu.
Thị trường carbon đầu tiên ra đời là Hệ thống Giao dịch phát thải của châu Âu (EU ETS), vận hành năm 2005, bao gồm 10.000 doanh nghiệp trong 3 lĩnh vực chiếm tới 38% tổng lượng phát thải CO2 châu Âu, gồm năng lượng, công nghiệp, hàng không.
Mỗi doanh nghiệp được phân bổ một lượng hạn ngạch phát thải nhất định, từ đó dẫn tới 2 trường hợp. Theo đó, doanh nghiệp vận hành tốt, lượng phát thải carbon dưới hạn ngạch phân bổ, do vậy doanh nghiệp còn dư một phần hạn ngạch và được phép bán phần dư đó. Ngược lại, những cơ sở kiểm soát kém, phát thải vượt qua phần hạn ngạch phân bố, bắt buộc phải mua thêm quyền phát thải từ bên bán. Cơ chế mua bán này giúp doanh nghiệp có thêm nguồn thu từ hoạt động giảm phát thải CO2, tạo động lực để doanh nghiệp tiếp tục áp dụng các công nghệ mới hướng tới bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, thị trường carbon đang trong quá trình hình thành. Theo kế hoạch của Chính phủ, sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam sẽ vận hành thử nghiệm vào năm 2025 và vận hành chính thức 3 năm sau đó.
Tuy nhiên, nhờ quá trình giảm phát thải carbon trong một số ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp, Việt Nam đã thu được nhiều triệu USD thông qua hoạt động mua bán, tài trợ của các tổ chức quốc tế. Chẳng hạn, trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thu hơn 51,5 triệu USD (1.200 tỷ đồng) nhờ hoạt động giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon rừng. Đây là khoản tài trợ không hoàn lại do Ngân hàng Thế giới (WB) dành cho Việt Nam trong việc bảo vệ rừng.
Ngoài ra, trong năm nay hoặc năm sau, Việt Nam có cơ hội thu thêm 51,5 triệu USD thông qua việc chuyển nhượng 5,15 triệu tấn carbon giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên cho Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện nộp hồ sơ đăng ký cấp tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn TREES (một tín chỉ carbon tương đương người sở hữu có quyền phát thải 1 tấn CO2 ra môi trường - PV). Theo thỏa thuận, Emergent thanh sẽ toán với mức giá tối thiểu là 10 USD/tín chỉ.
Trước đó, thông qua Chương trình Khí sinh học ngành chăn nuôi, Việt Nam đã bán được 3.072.265 tín chỉ carbon để thu về 8,1 triệu USD. Chương trình đem lại lợi ích cho 1 triệu người dân tại 53 tỉnh, thành phố, bằng cách hỗ trợ xây dựng các công trình khí sinh học tại nông hộ, hướng tới giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất, chăn nuôi.
Theo ông Lê Hoàng Thế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon, kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cao khi nhu cầu thế giới được dự báo tăng gần 100 lần vào năm 2050. Ngành nông nghiệp Việt Nam, từ chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng đều có triển vọng chuyển hướng sang canh tác, sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, với các giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…
“Hiện tại, mỗi tín chỉ carbon được các tổ chức quốc tế mua với giá 5 USD. Riêng trong ngành nông nghiệp Việt Nam, tính toán tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm (tương đương 57 triệu tấn CO2 giảm phát thải), có thể bán cho các tổ chức quốc tế, đem về gần 300 triệu USD/năm”, ông Lê Hoàng Thế đánh giá.
Tại một buổi trao đổi với chuyên gia về tín chỉ carbon, giảm phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Trong tương lai, thị trường mua bán tín chỉ carbon sẽ ngày sôi động. Vì vậy, nông nghiệp Việt Nam cần phải đón đầu xu hướng này để tăng cao lợi nhuận”.
Không nên chạy theo tín chỉ carbon bằng mọi giá
Theo các chuyên gia, chiến lược Net Zero đến năm 2050 được xem như một trọng tâm phát triển của Việt Nam, trong bối cảnh hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu và tăng nhiệt độ toàn cầu. Ngành nông nghiệp Việt Nam, với vị trí là ngành “đóng góp” cao thứ hai vào phát thải khí nhà kính ở Việt Nam, đang tích cực thay đổi để hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững. Vì vậy, tín chỉ carbon chỉ nên xem là một phần của cuộc chuyển mình, là mục đích thêm vào, chứ không phải là mục tiêu hàng đầu của các dự án nông nghiệp.
GS-TS Võ Xuân Vinh (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) chia sẻ: “Chúng ta trồng rừng, mục tiêu chính là bảo vệ rừng, khai thác rừng, ngoài ra có thể chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbon. Mỗi loại hình sản xuất, kinh doanh đều phải đi theo mục đích, nhiệm vụ chính, còn lại là khai thác thêm. Không nhất thiết, mọi ngành, mọi dự án đều đi theo tín chỉ carbon”.
Tương tự, TS. Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông nghiệp cho rằng, với “Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp”, mục tiêu chính không nằm ở bán tín chỉ carbon. Trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào bán tín chỉ carbon từ lúa gạo.
“Đây là đề án để chúng ta sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tổ chức hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đó áp dụng các quy trình sản xuất tốt trong nông nghiệp để phát triển bền vững ngành lúa gạo, đặc biệt tăng thu nhập và đời sống của người trồng lúa. Đó là mục tiêu lớn bao trùm. Sản xuất tín chỉ carbon là một phần nhỏ của đề án này”, ông Trần Minh Hải cho biết.
Ông cũng đặt ra vấn đề tài chính carbon, khi cho rằng, đến thời điểm hiện tại, một trong những thách thức lớn là chi phí để xác định giá thành của một tín chỉ carbon lúa gạo vẫn chưa được thống nhất. Ngoài ra, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn rõ ràng cho các thiết bị và công nghệ kiểm tra, đo lường giảm phát thải trong trồng lúa.
“Không phải dự án nào làm về giảm phát thải cũng có lãi. Chúng ta nên nhớ, dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao thực hiện dựa trên nguồn vốn vay của WB, nếu không ra được tín chỉ carbon, chúng ta chỉ lỗ, chứ không lãi”, ông Hải nhận định.
“Điều quan trọng cần lưu ý là không nên tham gia thị trường carbon trong lĩnh vực lúa gạo bằng mọi giá. Thay vào đó, cần tập trung thực hiện đúng đắn và bền vững các quy trình sản xuất, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả người nông dân và nền kinh tế nông nghiệp”, ông Hải nói thêm.
Theo PGS-TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để giảm phát thải từ canh tác lúa, thì bên cạnh các giải pháp thay đổi về canh tác như giảm giống, giảm phân bón, Nhà nước và nhân dân phải đầu tư rất nhiều vào xây dựng hệ thống tưới tiêu chính xác, hệ thống điều tiết nước…, hay phải có nhà máy xử lý chất thải và phụ phẩm cây trồng. Ngoài ra, cần một khoản lớn trong việc vận hành, duy tu, bảo dưỡng vì các công trình trong nông nghiệp thường bị xuống cấp nhanh chóng.
Nếu chỉ nhìn vào giá tín chỉ carbon, ai cũng nghĩ sẽ là cơ hội để kiếm tiền, nhưng thực tế, giá đó chỉ đủ bù cho những chi phí mà Nhà nước, doanh nghiệp và người dân vừa bỏ ra trước đó. “Một nông dân thực hiện giải pháp tưới khô ướt xen kẽ trên một mảnh ruộng của mình và đạt được một lượng giảm phát thải carbon nào đó, thì không phải chỉ công của người nông dân đó, mà thành tích còn nhờ cả vào hệ thống tưới tiêu của cả cánh đồng. Như vậy, trong nhiều trường hợp, có thể, chúng ta chưa tính hết những khoản đầu tư của mình, hay giá carbon thấp hơn giá trị thực của nó”, PGS-TS Mai Văn Trịnh khẳng định.
Mặt khác, theo các chuyên gia, thị trường trao đổi tín chỉ carbon trên thế giới gồm 2 loại: thị trường carbon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện. Các tín chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam chủ yếu đang được trao đổi trên thị trường carbon tự nguyện, do dễ tham gia hơn, nhưng giá cũng thấp hơn. Không những vậy, giá tín chỉ carbon còn biến động tùy thuộc vào cung - cầu trên thị trường, độ uy tín của đơn vị cấp tín chỉ, độ tin cậy của dự án… Vì vậy, với các dự án tín chỉ carbon, nếu không tính toán cẩn thận, doanh nghiệp hoàn toàn có thể lỗ, thậm chí có những doanh nghiệp “giữ tín chỉ carbon để chơi”, chứ không bán vì giá quá thấp.
Hội thảo Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến
Giảm thải carbon từ phương tiện giao thông cơ giới, trong đó có ngành ô tô, được xác định là một trong những giải pháp căn cơ nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết và quyết tâm thực hiện.
Đây cũng là một trong những nội dung được đề cập trong Chiến lược Phát triển các ngành ô tô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Bộ Công thương đang hoàn thiện, dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm 2024. Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển các dòng xe theo hướng xanh và tiết kiệm năng lượng, thay thế các dòng xe sử dụng nguyên liệu hóa thạch; thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia… đang được nghiên cứu, đề xuất.
Để đóng góp thêm ý kiến, kiến nghị giúp cơ quan soạn thảo có góc nhìn đa chiều, Báo Đầu tư tổ chức hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến” vào sáng ngày 29/8/2024 tại Hội trường Báo Đầu tư, 47 - Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội).
Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp, trực tuyến livestream trên các nền tảng website và fanpage của Báo Đầu tư, được đưa tin rộng rãi trên các ấn phẩm của Cơ quan Báo Đầu tư cũng như các kênh truyền hình và cơ quan truyền thông hàng đầu.