Theo đó, trong thời gian trước mắt, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp nhằm tháo gỡ và sửa đổi hoặc bãi bỏ hàng loạt quy định làm khó doanh nghiệp, như những vướng mắc tại Nghị định 19 cho doanh nghiệp kinh doanh khí; cân nhắc bãi bỏ quy định về giấy xác nhận trong kinh doanh hóa chất; bãi bỏ quy định về nhập khẩu ôtô theo Thông tư 20; đồng thời phối hợp với Hiệp hội Dệt may tháo gỡ những bất cập trong việc kiểm tra mẫu vải quy định tại Thông tư 37…
Hiện nay, Vụ Pháp chế đang tập hợp ý kiến, xây dựng, chỉnh sửa để có thể ban hành dự thảo sớm nhất, dự kiến ngay trong tháng 9 hoặc tháng 10 tới. Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục rà soát kiến nghị Chính phủ các giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ trên cơ sở tuân thủ các quy luật kinh tế, loại bỏ các nút thắt thể chế đang làm sai lệnh méo mó thị trường. Đồng thời sẽ tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp, bảo đảm sự cạnh tranh, đơn giản hóa thủ tục tiến tới mục tiêu đảm bảo quyền lợi tối cao cho người tiêu dùng.
Cụ thể, với Thông tư 37 về kiểm tra formaldehyt với sản phẩm dệt may, Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương cho rằng việc ban hành quy định này có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, tiếp thu kiến nghị, Vụ sẽ rà soát tiếp để soạn thảo thông tư mới thay thế Thông tư 37 và sẽ có nhiều mẫu dệt may được miễn khai báo, kiểm tra.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo cần tiếp thu và chỉnh sửa sớm Thông tư 37. Tuần tới, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cần làm việc với các vụ, viện, hiệp hội, đơn vị pháp lý rà soát, cái gì vướng mắc tháo gỡ được thì thực hiện ngay. Nếu Thông tư 37 thiếu cơ sở, gây phiền hà cho doanh nghiệp thì xem xét bỏ.
Thông tư 37 đã gây nhiều tranh cãi khá gay gắt trong thời gian qua và được các doanh nghiệp dệt may nhiều lần phản ánh là gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Theo Bộ KHĐT, Thông tư 37 sửa đổi Thông tư 32 năm 2009 về cơ bản không tuân thủ theo yêu cầu cải cách của Chính phủ và trái lại còn gây khó khăn hơn, làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Thông tư này được ban hành trái Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Đối với điều kiện kinh doanh khí quy định tại Nghị định 19 thay thế Nghị định 107 có hiệu lực thi hành ngày 15/5/2016, theo Vụ Thị trường, các quy định hiện hành đang đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh năng lượng và giảm thiểu gian lận thương mại, dù rằng có một số điểm bị cho là rào cản đối với doanh nghiệp.
Cho ý kiến về Nghị định này, Bộ trưởng Tuấn Anh cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh. Khi thị trường cạnh tranh, giá cả sẽ giảm, người tiêu dùng qua đó sẽ được hưởng lợi.
Nghị định 19 được cho là đòi hỏi điều kiện quá cao về cơ sở vật chất như số lượng bình gas quá nhiều, kho chứa quá lớn… vừa không phù hợp với yêu cầu của thị trường, lại vừa gây khó khăn, tạo rào cản rất lớn cho các doanh nghiệp nhỏ muốn gia nhập thị trường, tạo vị thế độc quyền cho các doanh nghiệp lớn.
Với việc cấp giấy chứng nhận khai báo hóa chất, lãnh đạo Bộ Công Thương thống nhất chung là nên bỏ vì gây phiền cho doanh nghiệp. Chưa kể, khi làm thủ tục thông quan hàng hóa, doanh nghiệp đã khai báo với hải quan một cửa. Do vậy, sẽ sớm kết nối liên thông giữa hải quan với Bộ Công Thương để tra cứu dữ liệu khi cần.
Theo các doanh nghiệp, quy định về xác nhận khai báo hóa chất không chỉ gây khó khăn phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp, kéo dài thời gian thông quan mà còn có dấu hiệu trái Luật Hóa chất, lại không đạt mục tiêu quản lý. Lý do là Luật Hóa chất chỉ quy định doanh nghiệp phải khai báo, Bộ Công Thương quy định biểu mẫu khai báo, không có quy định yêu cầu phải có xác nhận khai báo đó của doanh nghiệp.
Riêng với Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô, mới đây Bộ Công Thương cũng đã chính thức đồng ý bãi bỏ Thông tư này.
Việc cải cách các thủ tục hành chính, tháo gỡ cho doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chính là thực hiện theo thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây: “doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế”.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 22/8 về công tác cải cách hành chính của Bộ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã kiên quyết: "Cần làm rõ được những bất cập trong công tác tổ chức điều hành của Bộ Công Thương. Tôi đề nghị các đơn vị phân tích, làm rõ vai trò, nhiệm vụ liên quan đến văn bản pháp quy, thể chế theo hướng minh bạch, đơn giản, công khai nhằm loại bỏ những thủ tục không cần thiết, phù hợp nhằm đáp ứng được hiệu quả công việc cho người dân, doanh nghiệp".
Mới đây, làm việc với Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu công tác quản lý nhà nước đối với ngành Công Thương cần thay đổi cơ bản để xây dựng nền kinh tế thị trường thực chất và hiệu quả.
Theo Thủ tướng, thể chế, cơ chế quản lý thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương vẫn còn tình trạng nửa thị trưởng, nửa kế hoạch hóa, do tư duy cũ và lợi ích chi phối, nên thiếu sự mạnh mẽ, mạch lạc trong xây dựng chính sách và trong điều hành; cơ chế cạnh tranh và quản lý cạnh tranh, chống độc quyền còn hạn chế.