Bảy tháng đi đòi tài sản bảo đảm
Cuối tuần qua, hàng trăm trái chủ sở hữu trái phiếu mã BNPCH2123001 (lô 1) của Công ty cổ phần Bất động sản BNP Global (tại địa chỉ 139 Hồng Hà, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM) vui mừng khi được thanh toán cả gốc và lãi trái phiếu sau khi tổ chức phát hành và các bên liên quan thực hiện xong việc bán tài sản bảo đảm.
BNPCH2123001 là trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn 2 năm, lãi suất năm đầu tiên là 10,3%/năm và thả nổi trong năm còn lại (lãi suất tham chiếu cộng biên độ 4,7%/năm, nhưng không thấp hơn 10,3%/năm). Tổng giá trị của lô trái phiếu này là 500 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là hơn 58,7 triệu cổ phiếu Saigonbank (mã SGB) và số dư 6,8 tỷ đồng trong tài khoản dự phòng trả nợ của BNP Global.
Tổ chức làm dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (mã SCB). Đại lý tư vấn, lưu ký, đại diện người sở hữu trái phiếu là Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI). Lô trái phiếu đáo hạn vào tháng 6/2023, song tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán lãi, gốc trái phiếu, đến hạn chỉ trả được 20% lãi.
Hành trình đòi tài sản bảo đảm của các trái chủ BNP Global được tổng kết lại là gần 20 cuộc làm việc, công văn qua lại với SCB. Việc này trở nên phức tạp vì từ ngày 15/10/2022, SCB rơi vào diện bị kiểm soát đặc biệt do liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát. Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban Kiểm soát đặc biệt SCB, do nhân sự của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM trực tiếp điều hành.
Ngày 27/12/2022, tập thể trái chủ đã họp và thông qua nghị quyết của người sở hữu trái phiếu, yêu cầu BNP Global và SCB chấm dứt hiệu lực của hợp đồng quản lý tài sản đảm bảo giữa hai bên để BNP Global rút 58,7 triệu cổ phiếu SGB và số tiền 6,8 tỷ đồng về để thanh toán trái phiếu.
Ngày 28/12/2022, Công ty BNP Global gửi công văn đến SCB yêu cầu xóa giao dịch đảm bảo nói trên; đồng thời, gửi công văn lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để “công bố thông tin về sửa đổi, bổ sung các điều khoản và điều kiện của trái phiếu mã BNPCH2123001 đã phát hành”, trong đó có nội dung yêu cầu giải chấp số cổ phần SGB để mua lại trái phiếu BNPCH2123001.
Với trách nhiệm là đại diện người sở hữu trái phiếu, TVSI đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu SCB giải chấp, cập nhật tiến độ giải chấp tài sản đảm bảo nêu trên. Đáp lại, ngày 24/2/2023, SCB có công văn phản hồi BNP Global và TVSI, yêu cầu lấy ý kiến của tất cả những người sở hữu trái phiếu để đảm bảo tất cả những người này đồng ý xóa giao dịch đảm bảo, đồng thời xác nhận việc miễn trừ trách nhiệm cho SCB nếu xóa giao dịch đảm bảo theo nghị quyết của các trái chủ. Ngày 7/3/2023, tập thể các trái chủ họp và ra nghị quyết lần thứ hai, bổ sung các yêu cầu nêu trên của SCB.
Có những thời điểm, trái chủ tưởng mọi việc rơi vào ngõ cụt khi Ban Kiểm soát đặc biệt SCB đưa ra đề nghị “yêu cầu BNP Global tất toán trái phiếu thì mới trả tài sản đảm bảo”. Đề nghị này quá oái oăm, bởi BNP Global không có khả năng trả nợ trái phiếu thì mới cần giải chấp tài sản bảo đảm. Các trái chủ lại nhiều lần kéo đến Ngân hàng Nhà nước gửi đơn kêu cứu.
Đến cuối tháng 7 vừa qua, sau khi có nghị quyết của trái chủ BNP Global lần 3, SCB mới đồng ý cho rút 58,7 triệu cổ phiếu SGB. Theo thông tin từ TVSI và BNP Global, gần 59 triệu cổ phiếu SGB đã được giải chấp, tiền đã được thanh toán cho trái chủ vào cuối tuần qua. Khoảng 15% giá trị còn lại của tài sản bảo đảm được sử dụng để trả cho nhà đầu tư của lô trái phiếu BNPCH2123002 (lô 2).
Xử lý nợ xấu trái phiếu, cần nỗ lực của các bên liên quan
Tương tự trái chủ lô 1, trái chủ lô 2 (có giá trị phát hành 2.100 tỷ đồng, phát hành ngày 4/10/2021 và đáo hạn ngày 4/6/2023) cũng mòn mỏi chờ SCB giải chấp tài sản bảo đảm để lấy lại một phần tiền.
Đối với lô 2, BNP Global đã đàm phán giãn lịch thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn (chỉ trả được 20% lãi mỗi kỳ đến hạn, giãn lịch thanh toán gốc đến năm 2025) nhưng các trái chủ không đồng ý và yêu cầu bán tài sản bảo đảm để lấy tiền về.
Tài sản bảo đảm của lô trái phiếu này là 53,42 triệu cổ phiếu NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova. Thị giá cổ phiếu NVL vào thời điểm phát hành trái phiếu đạt gần 100.000 đồng/cổ phần, nay chỉ còn chưa đầy 20%.
Theo phương án tổ chức phát hành đưa ra, nếu giải chấp lô cổ phiếu này và bán ra, trái chủ được thanh toán một phần nợ trái phiếu, số còn lại trở thành trái phiếu trơn (không có tài sản đảm bảo). Trái chủ lô 2 đã đồng ý với phương án trên, ra nghị quyết theo yêu cầu của SCB để lấy lại tài sản bảo đảm. Thông tin cập nhật tới thời điểm này, SCB chờ giải quyết và thanh toán xong lô 1 mới giải phóng tài sản bảo đảm lô 2.
Tuần qua, BNP Global công bố thông tin bất thường về việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản, điều kiện của trái phiếu BNPCH2123002 đã phát hành. Theo đó, sau khi tổ chức nhận tài sản đảm bảo hoàn tất các thủ tục giải chấp và xóa đăng ký giao dịch đảm bảo đối với toàn bộ 53,42 triệu cổ phiếu NVL, tổ chức phát hành và các bên đảm bảo sẽ tiến hành các phương thức xử lý cổ phiếu NVL:
Phương thức 1: Ưu tiên tổ chức phát hành, các bên đảm bảo hoặc bên được ủy quyền tìm kiếm bên thứ ba nhận chuyển nhượng cổ phần NVL;
Phương thức 2: Sau 20 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức nhận tài sản đảm bảo hoàn tất các thủ tục giải chấp và xóa đăng ký giao dịch đảm bảo và giải toả cổ phần NVL tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, mà toàn bộ cổ phần NVL chưa được chuyển nhượng hết theo phương thức 1, tổ chức phát hành và các bên đảm bảo sẽ đặt lệnh bán phần còn lại trực tiếp trên sàn. Giá đặt lệnh tại mỗi ngày không thấp hơn 3% mức giá tham chiếu của ngày đặt lệnh đó và trong mọi trường hợp không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phiếu.
Trong thời gian các bên tiến hành xử lý tài sản đảm bảo, nếu tổ chức phát hành thực hiện mua lại toàn bộ trái phiếu bằng bất kỳ hình thức nào thì việc xử lý tài sản đảm bảo sẽ được kết thúc ngay lập tức.
BNP Global được thành lập vào tháng 1/2014, có trụ sở tại phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Vốn điều lệ của doanh nghiệp hiện nay là 1.000 tỷ đồng. Tại lần đăng ký thay đổi ngày 16/4/2021, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của BNP Global là bà Võ Thị Kim Khoa. Các thành viên Hội đồng quản trị gồm có ông Bùi Minh Trí, bà Huỳnh Phương Thảo, ông Bùi Đạt Chương và bà Phạm Thị Cúc.
Trong đó, ông Bùi Đạt Chương là em trai của ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland. Ông Bùi Cao Nhật Quân, con trai ông Bùi Thành Nhơn cũng từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị BNP Global.
BNP Global đã ghi nhận lỗ trong hai năm liên tiếp. Trong đó, năm 2021, doanh nghiệp lỗ gần 68 tỷ đồng và năm 2022 lỗ gần 21 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022 đạt 979 tỷ đồng; nợ phải trả gấp 2,66 lần vốn chủ, ở mức 2.600 tỷ đồng và tất cả là nợ trái phiếu.
Trong trường hợp của BNP Global, tổ chức phát hành có thiện chí xử lý tài sản bảo đảm để trả cho trái chủ. Tuy nhiên, tài sản bảo đảm lại do SCB, ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt quản lý, nên hành trình đòi tài sản của các trái chủ nhiều gian nan.
Thực tế trên cho thấy, để thực hiện được Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ về việc yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình đáo hạn, việc trả nợ, đàm phán, gia hạn trả nợ của từng doanh nghiệp phát hành trái phiếu, rất cần nỗ lực của các bên liên quan.