Blockchain thay đổi hoạt động nhiều doanh nghiệp

(ĐTCK) Trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang, công nghệ blockchain được coi là xu hướng phát triển tất yếu, có thể ứng dụng đối với các ngành sản xuất, dịch vụ và đem lại những thay đổi vượt bậc cho doanh nghiệp.
 
Công nghệ blockchain sẽ rất hữu dụng đối với các ngành dịch vụ công như y tế, thuế, hải quan… Công nghệ blockchain sẽ rất hữu dụng đối với các ngành dịch vụ công như y tế, thuế, hải quan…

Trước hết, có thể hiểu đơn giản “blockchain” là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian, do đó được gọi là “chuỗi khối”. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó.

Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Đặc biệt, blockchain có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin. Công nghệ này đang được ứng dụng ngày càng phổ biến trong các ngành. Đặc biệt với ngành tài chính, blockchain được nhìn nhận sẽ trở thành xu hướng.

Hiện nay, các ngân hàng, công ty bảo hiểm phải lưu trữ hàng nghìn, thậm chí hàng triệu hồ sơ về khách hàng, hợp đồng, các chứng từ, dữ liệu giao dịch… Ở chiều ngược lại, các khách hàng, đối tác của những định chế tài chính này cũng phải lưu giữ lượng tài liệu, chứng từ tương đương.

Ứng dụng công nghệ blockchain cho phép thiết lập một mạng mà mỗi thành viên tham gia có thể có những vai trò khác nhau như ngân hàng, khách hàng, luật sư, người vay tiền, nhà thầu của bên vay tiền… 

Khi các dữ liệu được cập nhật vào mạng này, mọi thành viên tùy theo phân quyền dành cho mình đều có thể tiếp cận được, thông tin minh bạch, công khai, dữ liệu được bảo mật, xử lý nhanh chóng.

Hệ thống blockchain bao gồm nhiều nút độc lập, có khả năng xác thực thông tin và được bảo vệ ở mức cao nhất. Theo cơ chế, khi 1-2 nút có sự cố, các nút kia vẫn hoạt động và đảm bảo cho thông tin được thông suốt, an toàn.

Ví dụ, một doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi thực hiện các giao dịch mở LC để thanh toán cho các hợp đồng hàng hóa, nếu ngân hàng có ứng dụng blockchain với các đối tác thanh toán ở nước ngoài, có thể dễ dàng phát hiện ra sai sót trong các con số, trong thông tin, cũng như trong dữ liệu LC trước khi tiền được chuyển trong hệ thống. Nhờ đó, có thể nhanh chóng khắc phục sai sót, giảm thời gian giao dịch và đảm bảo an toàn rất cao cho các giao dịch.

Với các ngành dịch vụ công như y tế, thuế, hải quan…, ứng dụng blockchain được nhìn nhận sẽ thay đổi lớn hoạt động của các doanh nghiệp.

Chẳng hạn, tại Singapore, mới đây Chính phủ nước này đã triển khai việc ứng dụng blockchain trong hệ thống bảo hiểm y tế.  Người dân, bệnh viện, hãng bảo hiểm… đều là các thành viên tham gia hệ thống, dữ liệu được cung cấp nhanh, thông suốt và minh bạch trong xử lý, hạn chế tối đa các sai sót, trục lợi nảy sinh, cũng như khả năng bảo đảm an toàn hệ thống, tổng hợp và tra soát dữ liệu rất nhanh.

Công nghệ này cũng được Walmart ứng dụng rất thành công trong việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm bán trong hệ thống…

Dữ liệu sử dụng công nghệ blockchain được mã hóa và đưa lên “đám mây”, nên các nhà cung cấp dịch vụ như IBM, Microsoft sẽ đảm bảo an toàn ở mức tối đa và họ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trong trường hợp có sự cố xảy ra.

Đại diện IBM tại Việt Nam mới đây chia sẻ rằng, chi tiêu cho công nghệ trong giới tài chính Việt Nam đang gia tăng chóng mặt. Vào 2 tháng cuối năm 2017, IBM đã ký được nhiều hợp đồng lớn với các ngân hàng Việt đầu tư cho các hạng mục như tăng dung lượng tủ đĩa, dữ liệu lớn…

“Kỳ vọng những công nghệ như blockchain sẽ sớm có nhiều khách hàng là các định chế tài chính Việt Nam”, vị đại diện này nói.

Thế giới công nghệ và các ngành dịch vụ đang có xu hướng sáp lại gần nhau hơn bao giờ hết. Ngoài Warlmart ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa, Maersk - công ty vận tải biến lớn nhất thế giới - đã ứng dụng blockchain vào theo dõi hàng hóa với sự ủng hộ của các cơ quan hữu trách tại Mỹ và châu Âu.

Công nghệ này đảm bảo độ tin cậy thông qua chữ ký điện tử được mã hóa, giúp hạn chế tối đa các lỗi bỏ sót hoặc gian lận hàng hóa trong quá trình vận chuyển, giảm thời gian trung chuyển hàng hóa.

Đối với các ngân hàng, những dịch vụ như thanh toán, chuyển tiền, thanh toán bù trừ… được nhận định sẽ sớm trở thành khách hàng gắn bó của blockchain. Rồi tới đây, công nghệ này có thể được ứng dụng trong lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm…, khi hợp đồng thông minh hoặc hợp đồng điện tử được công nhận.

Mạnh Đức, FIS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục