Blockchain sẽ giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng công nghệ thế giới

(ĐTCK) Sự phát triển và hoàn thiện liên tục của công nghệ blockchain được kỳ vọng có thể thay đổi hoàn toàn cách thức thông tin được phân phối và xử lý trong năm 2018.
Ông Nguyễn Văn Yêu chia sẻ về dự án UHUB, một dự án phát triển trên nền tảng Blockchain 3.0 Ông Nguyễn Văn Yêu chia sẻ về dự án UHUB, một dự án phát triển trên nền tảng Blockchain 3.0

Blockchain, nền tảng đằng sau đồng tiền Bitcoin, được chứng minh mang tới nhiều lợi ích quan trọng cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như vận tải biển, ngân hàng, hàng hóa và cả ngành luật pháp.

Là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian, mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó, công nghệ này được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu, đặc biệt có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Yêu, Trưởng nhóm phát triển dự án UHUB, dự án đầu tiên của Việt Nam được xây dựng trên nền tảng công nghệ blockchain 3.0, một trong những mục tiêu đầu tiên của việc áp dụng blockchian là tạo ra cơ hội để loại bỏ xích mích và cản trở, tăng hiệu quả và tốc độ, hợp lý hóa các quy trình thương mại cũng như theo dõi tài sản hiệu quả hơn trên các thị trường khác nhau.

Trước đây, khi nhắc đến blockchain, hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến tiền điện tử bitcoin, vì nó được xây dựng trên nền tảng blockchain 1.0. Tuy nhiên, kể từ thế hệ blockchain 2.0, nó không đơn thuần là tiền điện tử thông thường mà còn được ứng dụng vào lĩnh vực tài chính điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp tạo blockchain và hỗ trợ các startup tạo dự án ICO một cách dễ dàng thông qua hợp đồng thông minh (smart contract).

Nâng cấp lên, đến thời đại blockchain 3.0, ngoài việc kế thừa tất cả các đặc tính của blockchain 1.0 và 2.0 thì công nghệ mới có thêm sự ưu việt vượt trội khác, đặc biệt là tốc độ xử lý thông tin. Nếu bitcoin 1 giây chỉ có thể xử lý được 1,5 giao dịch ở những phiên bản đầu tiên và hiện nay đã nâng cấp lên 15 giao dịch/giây, thì ethereum - công nghệ blockchain 2.0 đã khắc phục hiệu năng tối đa xử lý giao dịch của blockchain, nâng lên 150 giao dịch/giây, gấp 10 lần bitcoin. Đồng thời, phí trên 1 giao dịch cũng rẻ hơn 10 lần.

Tiếp theo, công nghệ blockchain 3.0 được cải tiến rất nhiều so với công nghệ 2.0, có khả năng xử lý lên tới 1.600 giao dịch/giây, có thể nâng cấp lên 2.000 giao dịch/giây, mức phí cũng giảm xuống theo tốc độ giao dịch.

Sự ưu việt tiếp theo của blockchain 3.0 là về ứng dụng. Nếu Bitcoin không có tính ứng dụng nào khác ngoài việc là một loại tiền điện tử dùng để xử lý các giao dịch tài chính, thì ethereum blockchain 2.0 đã có ứng dụng với smart contract hỗ trợ tạo blockchain ngay trên nền tảng Ethereum. Ở blockchain 3.0 có thêm ứng dụng lưu trữ thông tin một cách đơn giản, bảo mật và phân tán toàn bộ. Nó có thể ứng dụng vào mọi lĩnh vực trong xã hội và mang lại những giá trị tuyệt vời.

Chẳng hạn, khi áp dụng công nghệ blockchain vào thương mại điện tử, một lĩnh vực đang tăng trưởng rất mạnh cùng với sự phát triển của công nghệ và internet. Hiện tại, sự tin tưởng của người tiêu dùng và chi phí cao cho mô hình phân phối là những thách thức lớn mà doanh nghiệp ngành này cần giải quyết và việc ứng dụng công nghệ blockchain có thể là giải pháp. Cụ thể, với công nghệ blockchain, khách hàng có thể yên tâm khi ký các hợp đồng thông minh và đưa giải pháp thanh toán vào website. Từ đây hoạt động kinh doanh và hợp tác có thể được thực hiện dễ dàng với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước trong thời gian ngắn hơn, thủ tục đơn giản và chi phí thấp hơn nhiều lần.

Hay áp dụng đặc điểm không thể làm giả, không thể phá hủy của blockchain vào ngành công nghiệp sản xuất sẽ giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đang được chào bán. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp sản xuất sữa áp dụng blockchain vào quản lý chất lượng sản phẩm thì nhà sản xuất có thể thống kê và lưu trữ toàn bộ những sản phẩm trên thị trường để biết được sản phẩm đó đã bán hay chưa, tiêu thụ được bao nhiêu, số lượng còn hạn sử dụng và hết hạn sử dụng như thế nào. Trong khi đó, người tiêu dùng có thể kiểm tra thông tin sản phẩm có phải hàng chính hãng hay không.

Tất nhiên, theo ông Yêu, cũng cần lưu ý rằng, do đây là công nghệ rất mới nên phải có những chế tài và sự linh hoạt của Chính phủ trong việc xây dựng các điều khoản mới về sử dụng blockchain. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu tích cực khi gần đây, một số quốc gia công bố sẽ có những chính sách mới về quản lý tiền ảo vào đầu năm 2018.

Ngoài ra, yếu tố con người cũng là một hạn chế. Hiện nay, các hiểu biết về công nghệ blockchain của người dân vẫn còn khá hạn hữu nên nếu người tạo lập blockchain như một cơ sở dữ liệu, thì các thông tin đi vào cơ sở dữ liệu phải có chất lượng cao. Những dữ liệu trên blockchain phải cực kì đáng tin cậy, chính xác. Nếu người tạo lập đưa thông tin sai lệch vào hệ thống, thì cả blockchain này coi như vô giá trị. Điều này đòi hỏi ý thức và trách nhiệm rất lớn của những người tạo lập.

Việt Dương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục