Ông Đặng Minh Tuấn, Trưởng Lab Blockchain, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC cho biết, Blockchain khi được Satoshi Nakamoto (một nhân vật hoặc tổ chức ẩn danh) phát minh ra là để phục vụ ngành tài chính.
Ứng dụng đầu tiên của Blockchain chính là tiền kỹ thuật số, ra đời năm 2008 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Satoshi Nakamoto muốn phát triển một đồng tiền không bị thao túng bởi bất kỳ một tổ chức nào, giảm thiểu sự can thiệp của con người… nên nghĩ ra hệ thống Blockchain.
“Thực tế cho thấy, khi con người can thiệp vào hệ thống tài chính, bên cạnh sự tích cực cũng sẽ đưa đến những tác động tiêu cực. Do đó, một hệ thống chạy hoàn toàn tự động, phục vụ cho lợi ích số đông là điều cần thiết và đây cũng là triết lý của Blockchain”, ông Tuấn nói.
Đã hơn 10 năm trôi qua kể từ khi công nghệ Blockchain, đồng tiền ảo Bitcoin bùng nổ trên các phương tiện truyền thông cũng như sự hiểu biết của công chúng gia tăng, nhưng sự thay đổi định kiến của thế giới cũng như sự thịnh vượng và đột phá nhờ Blockchain vẫn không như kỳ vọng.
Theo ông Tuấn, có rất nhiều lý do, trong đó một lý do lớn đến từ chính sách tiền tệ của các quốc gia.
Ví dụ, trong những đồng tiền điện tử hiện nay, đồng Libra của Facebook được đánh giá là có tính khả thi cao nhất, bởi Facebook là một nền tảng lớn, có số lượng người dùng lớn nhất.
Tuy nhiên, Libra bị phản đối mạnh mẽ từ các chính phủ, ngân hàng trung ương do lo ngại việc mất kiểm soát dòng tiền, thậm chí là nằm ngoài vòng quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ.
“Tiền kỹ thuật số chưa đi vào thực tế không phải bởi thiếu tính khả thi về mặt kỹ thuật, mà chủ yếu do sự cản trở liên quan đến chính sách tiền tệ của các quốc gia”, ông Tuấn nhận xét.
Giống như Internet thuở ban đầu, công nghệ Blockchain vẫn đang ở thời kỳ sơ khai. Mặc dù Blockchain là một trong những từ thông dụng, phổ biến nhất trong thập kỷ qua, nhưng không nhiều người hiểu về công nghệ này, có người còn đánh đồng với tiền điện tử.
Trong khi đó, để giải quyết đồng bộ cho một dự án Blockchain có tính cách mạng toàn cầu, tính đến nay, trong hàng nghìn dự án Blockchain chưa có dự án nào trên thế giới mang lại kỳ vọng thực sự.
Trong một bài báo trên Knowledge @ Whatron năm 2018, Kevin Werbach, giáo sư nghiên cứu pháp lý và đạo đức kinh doanh của Wharton đã giải thích cách công nghệ Blockchain phân cấp lòng tin vốn có trong hầu hết các hoạt động. Nếu không được xã hội đồng ý chấp nhận, tiền sẽ chẳng là gì ngoài một tờ giấy.
Tương tự, nếu không có sự tin tưởng của toàn xã hội, nhiều thể chế thời hiện đại không thể xoay chuyển bánh xe công nghệ và nền văn minh công nghiệp hiện đại sẽ trở nên vô nghĩa.
Stanislav Bernukhov, nhà phân tích thị trường tại Công ty Exness cho rằng, việc tích hợp công nghệ Blockchain vào nền kinh tế thực chỉ mới bắt đầu. Blockchain không chỉ giúp xác thực các giao dịch tài chính và tạo ra các giao thức thanh toán an toàn, mà còn có thể được sử dụng theo nhiều cách khác, ví dụ trong chính phủ, trong chuỗi cung ứng, quản lý dự án…
Blockchain có tiềm năng mở ra một cuộc cách mạng công nghệ lớn, thiết lập toàn bộ ngành công nghiệp theo cách mà Internet đã từng làm. Nếu công nghệ này có thể hoàn thiện và sẵn sàng để sử dụng trong thương mại, Blockchain dự kiến sẽ bùng nổ trong khoảng 10 năm tới.
Hầu hết các nhà đầu tư tiền điện tử hiện nay vẫn giữ các mã điện tử và không sử dụng những mã này theo bất kỳ cách nào ngoài mong đợi rằng giá trị của tiền điện tử sẽ được đánh giá cao khi công nghệ trở nên hoàn thiện hơn, được áp dụng rộng rãi và đáng tin cậy.
Trong quý 3 năm nay, vốn hóa thị trường của Bitcoin đạt 199,62 tỷ USD. Ban đầu, trị giá của một Bitcoin chưa đến một xu Mỹ vào năm 2009, nhưng hiện tăng lên 10.728 USD. Tương tự, tiền điện tử Ethereum có quy mô thị trường 40,6 tỷ USD, giá một Ethereum tăng từ 2,58 USD vào tháng 1/2016 lên 358,18 USD vào tháng 9/2020. Trước đó, Ethereum lập đỉnh 1.098 USD vào tháng 1/2018, còn Bitcoin lập đỉnh trên 20.000 USD trong tháng 11/2017.