Giá Bitcoin đã dần trở lại ổn định hơn sau một tuần “tồi tệ nhất trong lịch sử” đối với nhà đầu tư vào đồng tiền ảo nổi tiếng này, nhưng nó vẫn chưa thể hoàn toàn chinh phục được cột mốc 40.000 USD/coin. Giá Bitcoin trong phiên giao dịch 28/5/2021 ở mức 38.486,21 USD/coin.
Như vậy, Bitcoin đã mất hơn 40% giá trị kể từ ngày 13/4/2021 - khi mà đồng tiền này tăng giá tới mức kỷ lục 64.800 USD.
Thông điệp của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cấm các ngân hàng và định chế tài chính cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền ảo chỉ là một trong các nguyên nhân khiến đồng tiền ảo này giảm giá.
Việc giá trị của Bitcoin biến động hàng ngàn chục nghìn đô-la trong một khoảng thời gian ngắn là không có gì bất ngờ. Vào ngày giao dịch cuối cùng của năm 2020, đồng tiền ảo này đóng cửa ở mức giá dưới 30.000 USD, trong khi vào giữa tháng 4 năm nay, con số là 65.000 USD.
Ông chủ Tesla, tỷ phú Elon Musk là nhân vật đóng một vai trò tương đối to lớn cho giá trị của các đồng tiền điện tử. Hồi tháng 2 năm nay, vị tỷ phú này đã tuyên bố rằng Tesla đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin. Vào tháng 3, Tesla bắt đầu chấp nhận Bitcoin như một phương thức thanh toán.
Những hành động này góp phần lớn cho sự tăng giá vù vù của đồng tiền ảo này. Bên cạnh đó, Musk cũng quảng cáo đồng Dogecoin và đồng tiền này cũng chứng kiến sự nhảy vọt của giá.
Tuy nhiên, Musk đã đột ngột đổi ý trong một khoảng thời gian ngắn, với việc tuyên bố rằng Tesla sẽ ngừng chấp nhận Bitcoin vì vấn đề môi trường là hậu quả của việc đào coin. Tuyên bố trên khiến giá Bitcoin sụt xuống mức dưới 50.000 USD và bắt đầu cho quá trình sụt giá chung của các đồng tiền điện tử.
Đã có một số lo ngại trong giới đầu tư Bitcoin rằng Tesla sẽ bán một phần hoặc toàn bộ lượng Bitcoin mà Công ty đang sở hữu, nhưng Musk đã khẳng định trong một tweet vào tuần trước rằng Tesla sẽ giữ nguyên mức đầu tư của họ cho Bitcoin và điều đó góp phần vào đà hồi phục của đồng tiền điện tử này trong tuần qua.
Bitcoin đã trở nên nổi tiếng với khoảng 300.000 giao dịch được thực hiện trung bình trong vòng 1 ngày, theo như số liệu từ trang blockchain.info. Dẫu vậy, độ phổ biến của nó vẫn thấp hơn nhiều so với tiền mặt và thẻ tín dụng. Một lý do cho sự suy yếu của Bitcoin có thể do sự đảo ngược tạm thời của xu hướng chấp nhận rộng rãi hơn đối với tiền điện tử.
Trung Quốc, quốc gia đang phát triển một loại tiền điện tử do chính phủ điều hành, đã xác nhận lại các quy tắc của mình đối với các loại tiền số khác: cấm các công ty tài chính cung cấp dịch vụ giao dịch tiền điện tử.
Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã phát lời kêu gọi Chính phủ Mỹ ban hành các quy định mới nhằm yêu cầu doanh nghiệp khai báo các khoản giao dịch tiền ảo lớn cho Sở Thuế vụ. Cơ quan này cũng cảnh báo rủi ro mà tiền ảo gây ra với sự ổn định của các thể chế tài chính toàn cầu.
Liệu việc bán tháo tiền điện tử có thể gây ra thiệt hại lớn đối với các lĩnh vực khác?
Ngân hàng Trung ương châu Âu lại đánh giá rằng, khả năng biến động của tiền ảo có thể ảnh hưởng tới sự ổn định chung của hệ thống tài chính là “hạn chế vào thời điểm hiện tại” - phần lớn là do hiện nay, loại tiền này chưa được sử dụng rộng rãi.
So sánh với các thị trường tài sản khác, thị trường tiền ảo chiếm một phần không đáng kể. Giá trị vốn hóa của thị trường tiền ảo hiện tại vào khoảng 1.720 tỷ USD, rất nhỏ khi đặt cạnh con số 46.900 tỷ USD, 41.300 tỷ USD và gần 21.000 tỷ USD của thị trường cổ phiếu, bất động sản và kho bạc của Mỹ.
Thậm chí, có những kỳ vọng, khi Bitcoin bị “áp chế”, dòng tiền đầu cơ vào tài sản này sẽ chuyển hướng tìm cơ hội ở các tài sản khác, trong đó có chứng khoán.