Buôn bán đường biên: như ngày hôm qua!
Chính cái sự sốt ruột ấy của chính chủ đã khiến chúng tôi xuất phát từ rất sớm và đến nơi lúc hơn 6 giờ sáng. Sáng sớm nên thành phố vắng lặng, hãn hữu lắm mới có một chiếc xe máy vụt qua, xen kẽ với những căn nhà mặt phố im lìm cửa đóng, then cài là lác đác mấy hàng bán quà sáng đang sáng đèn. Với chúng tôi, những người quen với sự ồn ã của Hà Nội, TP. Lạng Sơn như một cô gái còn đang ngái ngủ.
Chúng tôi thẳng tiến tới Cửa khẩu Tân Thanh. Chọn Tân Thanh làm điểm đến đầu tiên vì theo lý giải của anh bạn người Lạng Sơn, Hữu Nghị là của khẩu quốc tế, nơi giao lưu chính ngạch, còn Tân Thanh chủ yếu xuất nhập hàng nông sản, kiểu như chợ dưới xuôi, mà buôn bán mặt hàng này bao giờ cũng là thước đo chính xác nhịp đập của cuộc sống thường nhật.
Khác với những suy nghĩ trên đường đi về sự vắng lặng nơi đây, ngay lối vào cửa khẩu, cùng với hàng dãy dài xe tải hạng nặng vẫn tập kết đông đủ trên đường hướng vào nơi làm thủ tục để xuất hàng là những anh phụ xe, nhân viên của các công ty xuất khẩu ủy thác tíu tít chạy đi, chạy lại. Có vẻ như những đồn đoán dưới xuôi cách sự thật một khoảng khá xa.
Tiếp chúng tôi tại Chi cục Hải quan Tân Thanh là Phó chi cục trưởng Đặng Thị Ngân. Đúng như nhận định trực quan của chúng tôi, bà Ngân cho biết, số xe đã giảm đi rất nhiều do… đã hết mùa dưa hấu, nhưng lại chưa tới mùa nhãn, vải. Hiện tại, ngoài mấy thứ hàng nông sản lẻ tẻ, món xuất chủ lực chỉ là thanh long, nhưng loại quả này vẫn chưa vào thời điểm thu hoạch rộ, nên cũng không mấy rộn ràng! Bình quân mỗi ngày có khoảng 100 tờ khai hải quan, nếu so với những ngày trong “chiến dịch dưa hấu” thì bằng khoảng 1/2, còn nếu so với những ngày trong năm thì tương đương.
Báo cáo của Chi cục Hải quan Tân Thanh cho thấy, từ ngày 14/5 đến 20/5, đã có 642 tờ khai làm thủ tục, với 1.933 lượt phương tiện, tổng giá trị hàng xuất - nhập đạt trên 16 triệu USD. Như vậy, với giá trị xuất – nhập khẩu lũy kế từ đầu năm là trên 271 triệu USD, bình quân giá trị giao dịch cũng như số lượt phương tiện vận chuyển trong những ngày qua “không có sự đột biến nào”, bà Ngân cho biết.
Tình hình tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cũng không mấy khác. ông Nguyễn Quang Bách, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hữu Nghị cho biết, số khách du lịch qua lại cửa khẩu không mấy thay đổi và hiện khá vắng do chưa phải mùa du lịch. Nhưng mấy ngày sau sự cố tại Vũng Áng, Bình Dương, Đồng Nai, số lượng lao động Trung Quốc làm thủ tục xuất cảnh hồi hương khá lớn, sau thưa dần và đến nay, tuy chưa nhiều, nhưng người Trung Quốc đã nhập cảnh trở lại Việt Nam.
Thống kê từ Cửa khẩu Hữu Nghị cho thấy, trung bình mỗi ngày, vẫn có khoảng 2.000 lượt người và trên 200 xe hàng hóa làm thủ tục tại Trạm kiểm soát biên giới Cửa khẩu Hữu Nghị. Tính đến ngày 15/5, Chi cục Hải quan Hữu Nghị đã làm thủ tục cho 8.357 tờ khai xuất nhập khẩu, với tổng kim ngạch đạt 532.787.881 USD.
Ông Bách nói: “Ngày mai, tháng sau, sang năm chưa biết tình hình biến đổi thế nào, nhưng khi giao thương vẫn tiếp diễn, là cơ quan hải quan, chúng tôi vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, không thể để xảy ra tình trạng ách tắc trên cửa khẩu”.
“Vết” của những lời đồn đoán
Giải đáp những thắc mắc về việc đó đây nghe thấy những tin đồ về sự bất ổn trên biên giới, ông Bách cho biết: “Đó là sự suy diễn của những người không nắm được thông tin và thêm cả một sự việc trùng hợp ngẫu nhiên trong hoạt động của hai nước Việt Nam và Trung Quốc”.
Theo ông Bách, trước đây, 2 nước đã có kế hoạch diễn tập chống khủng bố mang tên “Diễn tập liên hợp xử lý tình huống đột xuất giữa Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Việt Nam và Trạm kiểm tra Hữu Nghị quan - Trung Quốc”. Chỉ có điều, kế hoạch này diễn ra đúng những ngày Biển Đông “nổi sóng”.
Cùng với việc lực lượng biên phòng Trung Quốc đột nhiên canh gác cẩn mật tại các lối mở dân sinh, chặn bắt ngay những lao động phổ thông là người dân địa phương vẫn thường tùy tiện (không có giấy thông hành) qua lại biên giới hàng ngày trước đây, những người tình cờ qua cửa khẩu lúc cuộc diễn tập đang diễn ra tận mắt chứng kiến cảnh quân nhân của 2 quốc gia mặc quần áo rằn ri, tay lăm lăm súng quân dụng. Do không biết được kế hoạch diễn tập, nên họ đã bí mật chụp ảnh rồi đưa lên trang facebook cá nhân.
Ngay sau khi những thông tin trên các trang cá nhân được lan truyền, có rất nhiều người Lạng Sơn xa quê, những người có bạn bè trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc đã bất kể giờ giấc lập tức điện thoại cho người thân. Tất nhiên, chỉ hơn một ngày sau, khi những thông tin chính thống được phát đi, sự hoang mang về một sự việc tưởng đã diễn ra đã chấm dứt, nhưng nỗi lo thì vẫn còn đó.
Cầm trên tay bộ giấy tờ vừa hoàn thành thủ tục với mấy cái dấu chứng nhận đỏ chót của cả hai phía (Việt Nam và Trung Quốc), bà Vũ Thị Diệu, đại diện Công ty Xuất nhập khẩu An Khang (Đồng Đăng) cho biết thêm, khi Trung Quốc mới hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các chủ hàng phía Nam tỏ ra lo lắng về những đột biến có thể xảy ra trên đường biên và liên tục điện thoại hỏi thăm. Nhưng sau đó, có vẻ như những lời đồn đoán đã hết tác dụng, việc thu gom và vận chuyển hàng từ phía Nam lên cửa khẩu lại tiếp diễn bình thường.
“Chúng em cũng vậy, ban đầu cũng thấy lo lo, sau lại nghĩ, chuyện lớn thì chẳng dám bàn, nhưng mấy thứ ăn uống thiết yếu hàng ngày thì ai mà chẳng cần, thế là chúng em lại mải miết cân đong, xuất - nhập…”, chị Diệu nói.
Tuy nhiên, những người nhập khẩu thiết bị máy móc, tư liệu sản xuất với quy mô nhỏ từ Trung Quốc lại khá lo lắng. Một chủ cơ sở nhập khẩu thiết bị xây dựng tại Lạng Sơn cho biết, thông thường, khi nhập khẩu, phía đối tác tại Trung Quốc yêu cầu thanh toán trước tối thiểu 50% giá trị hợp đồng, phần còn lại sẽ được thanh toán khi nhận hàng nhập khẩu. “Vì thế, vạn nhất có xảy ra điều gì, chúng tôi thật chẳng biết làm sao”, vị doanh nhân này nói.
Dù vậy, với những thương vụ có giá trị lớn, hợp đồng được thực hiện thanh toán thông qua tín dụng thư (L/C) mở tại các ngân hàng, công việc có vẻ vẫn đang diễn ra bình thường. Có lẽ, đó là một sự bình thường, nhưng mà sự bình thường hơi mong manh, bởi ai có thể khẳng định rằng, tuyệt không tiềm ẩn nguy cơ cho một sự bất thường?
Không căng, nhưng chẳng được chùng
Trong bữa cơm trưa ngày 25/5, chúng tôi được dự bữa cùng một số bạn bè người Lạng Sơn và đa phần trong số họ là những người một thời cùng trong quân ngũ. Cuộc chuyện trò của chúng tôi đơn thuần là bạn bè gặp gỡ, nên câu chuyện tiến triển theo kiểu vô tiền khoáng hậu. Nào là đắt rẻ của thức ăn, nóng lạnh của thời tiết, rồi chuyện học hành của trẻ con… Thậm chí cả chuyện Bầu Kiên, Huyền Như, anh em nhà Dương Chí Dũng… Chỉ có điều hơi lạ, ấy là trong buổi nói chuyện, không có bất cứ điều gì liên quan đến Trung Quốc được nhắc đến, không Biển Đông, mà cũng chẳng có chuyện biên mậu!
Mãi tới khi ăn tráng miệng, phục vụ bê ra đĩa dưa hấu, anh bạn làm cán bộ phường sở tại mới chép miệng: “Vỏ dày thế này là dưa Trung Quốc rồi, nhạt!”. Có lẽ chỉ đợi có vậy, thôi thì tính khí người Tàu, chất lượng hàng hóa Tàu, rồi thì phong cách ứng xử, tập quán thương mại, những chiêu trò bẩn thỉu, dìm hàng ép giá… mới được dịp bùng phát.
Cuối cùng, trước khi chia tay, một anh bạn vong niên khẽ nói với tôi: “Đây là mảnh đất chúng tôi sinh ra, sống, công tác và trưởng thành, những năm đã qua, kể cả thời gian sau này, chúng tôi biết rất rõ mình phải làm gì. Nguyên tắc bất di bất dịch của chúng tôi là, không căng, nhưng chẳng được chùng”.
Hóa ra, trái với vẻ dửng dưng thể hiện bên ngoài là những lo lắng không nhỏ, những hiểu biết thực sự sâu sắc tiềm ẩn bên trong… Có lẽ, để tránh không làm ảnh hưởng tới không khí bữa ăn, những câu chuyện, mà phần nhiều đều không hay về “anh hàng xóm đáng sợ”, đã được họ giữ ý không nhắc tới?
Đường xuôi Hà Nội có vẻ dài hơn lúc đi. Trên xe chẳng ai nói gì, có lẽ chúng tôi lại im lặng giống các anh trên đất Lạng Sơn mất rồi. Nỗi lo mang nặng lúc đi đã vơi khi biết căn nguyên của những tin đồn vớ vẩn, nhưng chen vào đó lại là những băn khoăn. Cuộc sống thì vẫn trôi đi, sáng vẫn phải thức dậy, đêm vẫn phải đi ngủ và làm ăn, nuôi dạy con trẻ thì đương nhiên là không thể dừng. Nhưng bao nhiêu là căng, mà thế nào là chùng mới được cơ chứ…!