Nhu cầu tuyển dụng lao động lớn
Qua khảo sát tại địa bàn tỉnh Hải Dương có thể thấy, hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) đang có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn hoặc thường xuyên tuyển dụng lao động mới. Chẳng hạn, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam hiện treo biển tuyển dụng tới 4.500 lao động nữ, cùng với mức lương trung bình là 5 triệu đồng/tháng. Hay Công ty May xuất khẩu và thương mại Vĩnh Thịnh cũng niêm yết thông báo “liên tục tuyển công nhân”, với mức lương khởi điểm trên 4 triệu đồng/tháng.
Theo tin từ CTCP Đại An, chủ đầu tư, kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Đại An, thì hiện tại, có một số DN trong KCN này đang có nhu cầu lớn về tuyển dụng lao động (1.000 - 2.000 người), khi có nhà máy mới sắp đi vào hoạt động hoặc nhà máy mở thêm phân xưởng sản xuất mới.
Trao đổi thêm về tình trạng thiếu hụt lao động tại chỗ, ông Vương Đức Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho biết, hiện tại, giữa các DN trên địa bàn, nhất là các DN may mặc đang có sự cạnh tranh khá gay gắt nhằm giữ chân người lao động. Nhiều DN đã phải đưa ra những chính sách ưu đãi về lương, thưởng, hỗ trợ kinh phí về tiền thuê nhà hoặc có xe đưa đón, người lao động đến nơi làm việc.
Đại diện Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương cũng cho biết, hiện tại, dân số của Hải Dương là gần 1,75 triệu người, trong đó gần 1,1 triệu người (chiếm 62%) đang trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Toản, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN Hải Dương, hiện tại, có gần 700.000 lao động đang làm việc tại các KCN (lao động ngoại tỉnh chỉ chiếm 20%). Nếu đối chiếu những con số này với nhu cầu tuyển dụng của một số DN trên, thì sự lo lắng của các DN FDI và của cơ quan quản lý nhà nước tại Hải Dương là hoàn toàn có cơ sở.
Sức hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại giảm dần
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, từ năm 2006 đến 2010 là giai đoạn Hải Dương thu hút được nhiều dự án FDI nhất (155 dự án), với tổng vốn đăng ký hơn 1,979 tỷ USD. Trong 3 năm tiếp theo (2011 - 2013), số lượng dự án FDI được cấp phép giảm hẳn (chỉ có 68 dự án).
Là địa phương có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, nên Hải Dương có sức hút khá lớn với nhà đầu tư. Gần đây, kết cấu hạ tầng được hoàn thiện, thủ tục hành chính được cải cách khá cơ bản, nhưng số lượng dự án vẫn có dấu hiệu giảm. Sở dĩ có tình trạng này, phần lớn là do nguồn lao động không còn dồi dào như trước và giá lao động đang tăng lên, vì thế lợi thế về lao động của Hải Dương trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là với dự án FDI đang giảm dần.
“Điều này không chỉ xảy ra với Hải Dương, mà nhiều địa phương khác cũng đang gặp phải khó khăn tương tự. Vì thế, chúng tôi xác định phải có những thay đổi trong chiến lược thu hút các nhà đầu tư mới. Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương đang rà soát, đánh giá lại thực trạng thu hút đầu tư trên địa bàn và thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, hạn chế. Trên cơ sở đó, Sở sẽ đề ra các giải pháp khắc phục tình trạng này trình UBND tỉnh”, ông Sáng nói.
Theo ông Sáng, một trong các giải pháp quan trọng nhất là việc chuyển hướng lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư từ những ngành, nghề cần nhiều lao động sang những ngành, nghề công nghệ cao, không đòi hỏi nhiều lao động. Chẳng hạn, như Công ty TNHH Dây và Cáp điện Wonderful Việt Nam (tại KCN Đại An) hiện chỉ cần 80 lao động để vận hành dây chuyền sản xuất tự động của nhà máy rộng 4,5 ha. Tuy nhiên, mục tiêu chuyển hướng này đã được Hải Dương triển khai từ nhiều năm nay, nhưng chưa
Đạt được hiệu quả như mong muốn.
Trong khi đó, hơn 80 dự án lớn về dệt may, da giày đã khiến cho Hải Dương đang trở thành vùng công nghiệp dệt may, da giày tập trung, với trình độ công nghệ trung bình và sử dụng nhiều lao động. “Để thu hút được các dự án dệt may, da giày có vốn đầu tư lớn, UBND tỉnh sẽ xem xét và trình Chính phủ xin cơ chế ưu tiên đặc biệt cho các dự án đó, giống như Thái Nguyên đã làm với dự án của Tập đoàn Samsung”, ông Sáng cho biết.