Bình Thuận: Gọi tên hàng loạt dự án “có vết“

(ĐTCK) Tỉnh Bình Thuận vừa có kết luận thanh tra 14 dự án bất động sản đang phát triển tại địa phương trong những năm qua và qua kiểm tra, cả 14 dự án đều có dấu hiệu sai phạm.
Toàn bộ 14 dự án được Sở Xây dựng Bình Thuận thanh tra vừa qua đều có sai phạm Toàn bộ 14 dự án được Sở Xây dựng Bình Thuận thanh tra vừa qua đều có sai phạm

Điểm mặt sai phạm

Văn bản số 867/KL-SXD do Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận - Xà Dương Thắng ký ngày 3/4/2020 cho biết, tại dự án Khu Trung tâm thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát, khi kiểm tra, Công ty cổ phần Tân Việt Phát và đơn vị môi giới, phân phối chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình, phòng, chống rửa tiền, kinh doanh
bất động sản.

Vi phạm tương tự của chủ đầu tư và đơn vị phân phối cũng xảy ra tại dự án Khu dân cư Tân Việt Phát 2. Ngoài ra, tại dự án này, chủ đầu tư còn chưa hoàn thành việc điều chỉnh lại mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, hình thức sử dụng đất; Chưa xây dựng hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết được duyệt nên chưa đủ điều kiện cho phép chuyển nhượng đất.

Tại dự án Khu liên hợp hồ điều hòa, chỉnh trang đô thị và dịch vụ thương mại Hưng Long, trong quá trình thực hiện dự án, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Huy Hoàng chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về đầu tư, hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản. Tiến độ thực hiện dự án chậm so với quyết định chủ trương đầu tư.

Tương tự, dự án Khu dân cư cầu Sông Lũy đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư chậm so với quyết định chủ trương đầu tư.

Tại dự án Khu dân cư kết hợp thương mại dịch vụ Thuận Nam, quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra không liên lạc được với chủ đầu tư là Công ty TNHH Đào tạo nghề Đầu tư phát triển bất động sản đo đạc xây dựng Ngân Hà, nên chưa kiểm tra được hồ sơ và hiện trạng thực tế dự án này, trong năm 2020 sẽ tiếp tục tiến hành thanh tra.

Trong khi đó, dự án Khu dân cư đô thị mới Tân Tiến chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư (chưa lập hồ sơ đề xuất chấp thuận đầu tư), chưa có hồ sơ giao đất, chưa có giấy phép xây dựng. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư chậm so với quyết định chủ trương đầu tư.

Với dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, TP. Phan Thiết, theo báo cáo của chủ đầu tư, hiện nay chưa thực hiện bất kỳ giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản nào và chưa ký hợp đồng với bất kỳ đơn vị môi giới nào. Tuy nhiên, qua theo dõi tiến độ thực hiện dự án, phản ánh của báo chí, mạng internet và thông tin của Công an tỉnh Bình Thuận, chủ đầu tư và đơn vị phân phối thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí.

Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải và đơn vị kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản (Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Đất Biển Vàng) chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, kinh doanh bất động sản.

Đối với dự án Khu dân cư Tiến Lợi, đã được xây dựng một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật như cấp thoát nước, đường giao thông và văn phòng làm việc trên phần diện tích đất đã đền bù (5,6 ha), nhưng chưa có giấy phép xây dựng.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, hiện nay chưa thực hiện bất kỳ giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản nào và chưa ký hợp đồng với bất kỳ đơn vị môi giới nào. Tuy nhiên, qua theo dõi tiến độ thực hiện dự án, phản ánh của báo chí và trên mạng internet về việc chủ đầu tư và đơn vị phân phối thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí, ngày 17/5/2019, Sở Xây dựng đã có công văn nhắc nhở chủ đầu tư.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Toàn Thịnh chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Tại dự án Aloha Beach Village, qua kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy tiến độ thực hiện dự án đầu tư chậm so với quy định tại giấy chứng nhận đầu tư. Trong quá trình triển khai dự án, Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Việt Úc và đơn vị kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản (Công ty cổ phần Địa ốc Thắng Lợi) chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, phòng, chống rửa tiền, kinh doanh bất động sản.

Tại dự án lấn biển tạo khu dân cư - thương mại - dịch vụ mới La Gi, tiến độ thực hiện đầu tư chậm so với quyết định chủ trương đầu tư. Hiện tại, Công ty TNHH Xây dựng thương mại và Dịch vụ Vi Nam đang thực hiện việc lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết của dự án, chưa lập hồ sơ đề xuất chấp thuận đầu tư.

Tại dự án này, theo báo cáo của chủ đầu tư, hiện nay chưa thực hiện bất kỳ giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản nào và chưa ký hợp đồng với bất kỳ đơn vị môi giới nào. Tuy nhiên, qua theo dõi tiến độ thực hiện dự án, phản ánh của báo chí và trên mạng internet về việc chủ đầu tư và đơn vị phân phối thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí, Sở Xây dựng đã có văn bản chấn chỉnh ngày 14/5/2019.

Với các dự án du lịch nghỉ dưỡng, tại dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né của Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam và dự án Khu du lịch vui chơi biệt thự nghỉ dưỡng Royal Ruby Villa Mũi Né của Công ty cổ phần Huỳnh Gia Huy, các chủ đầu tư và các doanh nghiệp môi giới chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản, phòng, chống rửa tiền.

Còn tại dự án Sentosa Villa do Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn làm chủ đầu tư, chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Thực hiện nghiêm quy định phòng chống rửa tiền

Theo ông Xà Dương Thắng, đây là kỳ thanh tra đợt 1, với nội dung xoay quanh việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, phòng chống rửa tiền đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đối với 14 dự án kinh doanh bất động sản.

Cũng theo người đứng đầu Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, thời gian vừa qua, thị trường nhà ở và bất động sản trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực, môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn triển khai các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng kinh doanh bất động sản.

Thị trường bất động sản đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Trong quá trình triển khai dự án, phần lớn các nhà đầu tư đã tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật vẫn còn xảy ra, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, tiềm ẩn yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, các nhà đầu tư thứ cấp.

Cụ thể, các hành vi vi phạm phổ biến là tổ chức huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện theo quy định; chưa thực hiện việc bảo lãnh huy động vốn theo quy định; hình thức công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh không phù hợp với quy định; công tác quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trong dự án bất động sản chưa đúng với quy hoạch xây dựng, thiết kế công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc huy động vốn, sử dụng vốn huy động chưa công khai, minh bạch, số liệu báo cáo chưa đầy đủ, chính xác; cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch.

Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 và Nghị định 116/2013/NĐ-CP, tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải thực hiện quy định về phòng, chống rửa tiền là: (i) Xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; (2) Báo cáo giao dịch có giá trị lớn; (3) Báo cáo giao dịch đáng ngờ.

Đối với lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực như kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản cũng thuộc đối tượng phải thực hiện quy định trên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản như chủ đầu tư dự án nhà ở không phải là đối tượng thực hiện hoạt động báo cáo theo quy định này, trừ trường hợp chủ đầu tư đó có sàn giao dịch bất động sản (theo khoản 5, Điều 4, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012).

Trên thực tế, các doanh nghiệp nhận thức chưa sâu và cũng đang khó khăn trong việc thiết lập các quy trình nội bộ về công tác phòng, chống rửa tiền. Qua việc thanh tra này, các doanh nghiệp cần nhận thức và thực hiện đầy đủ theo các quy định pháp luật để tránh  vô tình vi  phạm bị xử lý.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Gia Phú
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục