Câu chuyện điển hình
Mới đây, UBND TP.HCM tiếp tục có văn bản giao Công an Thành phố điều tra, xác minh và xử lý nghiêm việc ngang nhiên “xé rào” xây dựng thêm 71 căn hộ, ki-ốt để bán tại Chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú, TP.HCM), do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia làm chủ đầu tư.
Thực ra, sai phạm trên của Công ty Khang Gia đã được phát hiện và yêu cầu xử lý từ năm 2016, nhiều văn bản xử phạt đã đưa ra, nhiều cuộc họp với sự tham dự của lãnh Sở Xây dựng... đã chỉ đạo quyết liệt xử lý, nhưng đến nay, 71 căn hộ xây sai phạm vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, còn cư dân thì luôn phải lo lắng chẳng biết ngày nào mình phải “ra đi”.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, năm 2008, dự án Chung cư Khang Gia Tân Hương được Sở Xây dựng TP.HCM phê duyệt xây dựng trên khu đất có diện tích 4.988 m2, kết cấu 15 tầng (không kể tầng hầm, tầng lửng tại trệt, tầng kỹ thuật trên mái), tổng cộng 338 căn hộ. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2008 tới năm 2014 và hiện đã đưa vào sử dụng, bàn giao nhà cho khách hàng.
Năm 2016, người dân phát hiện, tố cáo chủ đầu tư thay đổi thiết kế tại khu thương mại dịch vụ, giữ xe dịch vụ, nhà trẻ và nhà sinh hoạt cộng đồng ở vị trí tầng 1 (trệt), tầng lửng và tầng 2 của chung cư để chia ngăn, hình thành thêm hàng chục căn hộ khác để bán.
Theo kết luận của Thanh tra Sở Xây dựng, Công ty Khang Gia đã tự thay đổi kết cấu tại tầng 1, tầng lửng và tầng 2, tháo gỡ hệ thống phòng cháy, chữa cháy để ngăn thành 71 căn hộ (20 - 70 m2/căn), trong đó cá biệt có 2 căn có diện tích chỉ 15 m2/căn, núp dưới hình thức “mua bán ki-ốt” để bán cho khách hàng với giá từ 20 triệu đồng/m2.
Không chỉ có những sai phạm nêu trên, tháng 5/2019, Công ty Khang Gia đã bị UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt về hành vi không bàn giao 2% kinh phí bảo trì nhà chung cư cho cư dân Chung cư Khang Gia Tân Hương.
Đáng nói hơn, tháng 2/2019, Ngân hàng TMCP Nam Á ra thông báo sẽ tiến hành thu giữ và xử lý quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với Chung cư Khang Gia Tân Hương để xử lý thu hồi các khoản nợ mà Công ty Khang Gia vay ngân hàng này từ năm 2011.
Việc thu giữ chung cư sẽ diễn ra vào ngày 15/4/2019, sau đó ngân hàng sẽ đưa tài sản ra bán đấu giá. Nếu Công ty Khang Gia không bàn giao tài sản, thì ngân hàng sẽ phối hợp cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thu giữ.
Thông tin này đã gây hoảng loạn cho người dân trước nguy cơ mất nhà. Để tránh bức xúc thêm cho người dân, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của ngân hàng, tháng 3/2019, UBND quận Tân Phú cùng cơ quan liên quan đã họp, đề nghị ngân hàng tạm dừng việc thu giữ tài sản thế chấp.
Sai phạm tại Chung cư Khang Gia Tân Hương vẫn chưa thể cưỡng chế dù phát hiện và xử lý từ năm 2016. Ảnh: Trọng Tín
Đến tháng 12/2019, Ngân hàng Nam Á tiếp tục gửi Văn bản số 108/20 tới UBND quận Tân Phú với nội dung: Đã hơn 8 tháng kể từ ngày làm việc với UBND quận, Ngân hàng chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về tiến độ, phương án, hay kết luận chỉ đạo của cấp có thẩm quyền liên quan đến việc xử lý tài sản nêu trên.
Vì vậy, Ngân hàng Nam Á đề nghị UBND quận Tân Phú hỗ trợ cung cấp thông tin cũng như tiến độ giải quyết từ các cấp thẩm quyền để có căn cứ tiếp tục xử lý theo pháp luật đối với khoản nợ của Công ty Khang Gia.
Phúc đáp lại yêu cầu khẩn thiết của ngân hàng này, UBND quận Tân Phú gửi Văn bản số 57/UBND-TCD kiến nghị UBND TP.HCM phối hợp Ngân hàng Nam Á, Sở Xây dựng TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tập trung tháo gỡ vướng mắc liên quan việc thu giữ và xử lý tài sản thế chấp để tránh gây thêm bức xúc cho cư dân đang cư trú ở Chung cư Khang Gia Tân Hương và đảm bảo quyền lợi của ngân hàng.
Nghĩa là, sau bao nhiêu năm với bấy nhiêu văn bản và ý kiến chỉ đạo, 71 căn hộ sai phạm ở Chung cư Khang Gia Tân Hương vẫn chưa thể xử lý.
Cần thiết có thể xử lý hình sự
Thực ra, câu chuyện của Chung cư Khang Gia Tân Hương chỉ là 1 trong cả ngàn câu chuyện điển hình liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM. Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, trong năm 2019, Thành phố có hơn 2.900 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng, trong đó có đến 1.328 trường hợp xây dựng không phép, 1.213 trường hợp sai phép. Tổng số tiền xử phạt hành chính là gần 25 tỷ đồng.
Trong đó, nổi lên là các vụ vi phạm trật tự xây dựng gây bức xúc dư luận như công trình kho - xưởng tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), công trình xây sai phép 3 tầng của nguyên Chánh Thanh tra Xây dựng (quận 10)…
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, hành vi vi phạm thường xuất phát từ người trực tiếp xây dựng, thậm chí xin phép rồi vẫn xây sai phép. Nhà đầu tư cố ý “ăn xổi ở thì, làm ăn chộp giật”... Một số chủ đầu tư không tuân thủ quy định của pháp luật, dù cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành các văn bản. Cùng đó là nguyên nhân đến từ phía người dân, lỗi chính sách, quy hoạch, thực hiện quy hoạch của cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Võ Văn Hoan (bìa phải), Phó chủ tịch UBND TP.HCM thị sát một công trình sai phạm của lãnh đạo quận Thủ Đức. Ảnh: Trọng Tín
Vì thế, để cải thiện, các địa phương phải tạo thuận lợi cho người dân khi làm các thủ tục hành chính. Đồng thời, về phía người dân, nhà đầu tư phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Thành phố kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm bằng biện pháp hành chính, kinh tế, kể cả biện pháp hình sự.
Luật sư Võ Thiện Hiển, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hiện Thành phố đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, đặc biệt là nhu cầu nhà ở của người dân lớn nhất nước.
Hệ thống quản lý về trật tự xây dựng được giám sát chặt chẽ từ Thành phố là Thanh tra Sở Xây dựng đến các quận, huyện là quản lý đô thị, cấp phường xã là cán bộ địa chính và cấp khu phố là các tổ trưởng tổ dân phố, thậm chí là công an khu vực cũng có thể tham gia giám sát về trật tự xây dựng, chưa kể giám sát từ chính người dân thông qua việc phát hiện những vụ xây dựng không phép, sai phép. Thế nhưng, vi phạm xây dựng vẫn đang diễn ra và trở thành “vấn nạn”.
Do đó, cần xử lý thật nghiêm những cán bộ, tổ chức liên quan dù với bất cứ lý do gì đã để xảy ra xây dựng sai phép, xây dựng không phép. Chỉ có xử lý thật nghiêm cán bộ công chức đã để xảy ra vi phạm xây dựng và cần cưỡng chế ngay các công trình vi phạm.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com