Bình Thuận: Giảm diện tích titan, tăng dư địa du lịch

(ĐTCK) Sau hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2019 vừa diễn ra, nhiều nút thắt trước đây mà địa phương này mắc phải đang dần được tháo gỡ.
Khó khăn về chồng lấn quy hoạch titan đã có hướng tháo gỡ. Khó khăn về chồng lấn quy hoạch titan đã có hướng tháo gỡ.

Gỡ vướng quy hoạch Titan

Bình Thuận lâu nay được biết đến là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch biển, bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, thời gian qua, địa phương này có sự phát triển chững lại so với những vùng đất có nhiều tiềm năng tương tự như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa... Một trong nhiều lý do khiến địa phương này phát triển chưa tương xứng là do những vấn đề về quy hoạch.

Trước ngày diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2019 diễn ra tại TP.Phan Thiết vào cuối tuần qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã có buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện địa phương này có 51 dự án đầu tư tập trung vào lĩnh vực du lịch, năng lượng tái tạo với tổng vốn đăng ký hơn 110.000 tỷ đồng, được UBND tỉnh thống nhất hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Các dự án này có diện tích hơn 15.000 ha nằm trong vùng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan và quy hoạch dự trữ quặng titan.

“Các dự án này phù hợp với định hướng phát triển và mục tiêu xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia và trung tâm năng lượng, tái tạo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Tuy nhiên, các dự án này chưa thể thực hiện được vì vướng quy hoạch”, ông Hai nói.

Cũng theo ông Hai, về vấn đề này, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến điều chỉnh quy hoạch dự trữ titan để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nếu vấn đề này được tháo gỡ sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Đánh giá về khả năng thu hút đầu tư của Bình Thuận, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, địa phương này có chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số đầu tư kinh tế tư nhân rất cao, cho thấy môi trường đầu tư đang được cải thiện nhanh chóng.

Bình Thuận: Giảm diện tích titan, tăng dư địa du lịch ảnh 1

Bình Thuận đang trở thành điểm nóng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Ảnh: Lê Toàn

Tuy nhiên, so với tiềm năng, mức độ tăng trưởng kinh tế của địa phương còn khá thấp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn. Bình Thuận cần tập trung nắm bắt việc thực hiện Luật Quy hoạch, triển khai lập Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Qua đó, tháo gỡ điểm nghẽn chồng lấn, xung đột quy hoạch sa khoáng titan.

Về dự án sân bay Phan Thiết, ông Vũ Đại Thắng cho rằng, tỉnh Bình Thuận cần thiết đẩy nhanh tiến độ dự án nhằm phát huy hết tiềm năng to lớn của địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định, thẩm tra lần cuối. Hiện dự án phải chờ Bộ Quốc phòng triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư phần hạng mục quân sự. Hạng mục nhà ga dân dụng, tỉnh đã chủ động ký hợp đồng BOT với các nhà đầu tư.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với tỉnh nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về chồng lấn quy hoạch sa khoáng titan, hạ tầng giao thông, quá tải hệ thống truyền tải điện…

Về vấn đề chồng lấn quy hoạch sa khoáng titan, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát và báo cáo Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn này, trước mắt là 4 dự án du lịch trọng điểm. Tỉnh Bình Thuận cần có tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch để tăng liên kết các vùng Đông Nam bộ, miền Trung, Tây Nguyên để tạo tiền đề huy động tốt các nguồn lực cao nhất cho đầu tư phát triển...

Nhiều sáng kiến để Bình Thuận bứt phá

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2019, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra nhiều sáng kiến giúp cho Bình Thuận phát triển xứng tầm, trong đó việc xây dựng các dự án nghỉ dưỡng đi đôi với bảo tồn giá trị của thiên nhiên được nhiều doanh nghiệp kiến nghị thực hiện.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Novaland cho rằng, Bình Thuận với biển xanh, cát trắng, nắng vàng; khí hậu ổn định quanh năm, hạ tầng nối kết thuận tiện sẽ giúp Bình Thuận sớm phát triển bứt phá. Để có thể phát triển hơn nữa, Novaland kiến nghị lãnh đạo tỉnh đẩy mạnh phong trào giảm chất thải nhựa, gìn giữ vệ sinh môi trường tại các hệ thống ven sông, kênh rạch và tại các bãi biển, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp phục vụ du lịch và truyền thông nêu cao văn hóa thân thiện đón tiếp khách du lịch.

Cùng quan điểm, bà Vũ Thị Như Mai, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Nam Group cho rằng, các nhà phát triển bất động sản không chỉ có tiền là có thể xây dựng các khu nghỉ dưỡng, những người đầu tư vào đây phải thực sự có tiềm lực rất mạnh về kinh tế, có tư duy chiến lược bài bản.

Bên cạnh đó, phân khúc này còn đòi hỏi chủ đầu tư phải thực sự tâm huyết, không đơn thuần chỉ như xây dựng một tòa chung cư hay trung tâm thương mại, đây còn là câu chuyện của sự sáng tạo, yêu quý và tôn trọng thiên nhiên.

Cũng theo bà Mai, cần phải hiểu rằng đối với một sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, vận mệnh của cảnh quan thiên nhiên cũng chính là vận mệnh của dự án. Nếu phong cảnh, môi trường xung quanh của dự án bị phá hủy, thì số phận của ngay chính quần thể cũng bị đe dọa.

“Chính vì vậy mà hầu hết các dự án nghỉ dưỡng của Nam Group đều đưa yếu tố văn hóa bản địa và bảo tồn môi trường lên hàng đầu trong thiết kế, quy hoạch, cũng như trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Trong đó, văn hóa làng chài và cây thanh long Bình Thuận sẽ được đưa vào như là một phần hồn của dự án, giúp truyền bá văn hóa địa phương cho du khách quốc tế và giáo dục thế hệ sau hiểu và trân trọng nét đẹp và giá trị văn hóa địa phương của tỉnh Bình Thuận”, bà Mai nói.

Trong khi đó, ông Marco Breu, Giám đốc Tập đoàn McKinsey & Company, cho biết, hơn 5 tháng qua, McKinsey & Company phối hợp với Bình Thuận xây dựng Đề án phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận đến năm 2015, tầm nhìn năm 2030 để địa phương này trở thành điểm đến đẳng cấp, tạo ra hàng chục ngàn cơ hội việc làm đến năm 2020.

Theo đó, McKinsey & Company đưa ra một loạt khuyến nghị với tỉnh Bình Thuận. Trong đó, dựa trên các phân tích chuyên sâu, nhà tư vấn quốc tế này đề xuất 18 sáng kiến cốt lõi như hình thành các hạ tầng du lịch trọng điểm gồm khu phức hợp thể thao, trung tâm hội nghị quốc tế.... Ngoài ra, một số sáng kiến khác cũng được đưa ra như nâng cấp đường sắt, đường sắt Bắc - Nam, chương trình quản lý chất thải, nâng cấp bãi biển.

Ông Marco Breu cho rằng, muốn đảm bảo thành công thì những ý tưởng trên phải triển khai đồng bộ, nếu làm đơn lẻ sẽ thất bại.

Tập đoàn McKinsey & Company cũng khuyến nghị tỉnh Bình Thuận có thể xem xét phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm và du lịch thể thao, cũng như đầu tư vào các loại hình du lịch đặc thù khác như du lịch chăm sóc và tăng cường sức khỏe, du lịch cho đối tượng kinh doanh và du lịch giải trí.

Đặc biệt, nếu có tham vọng nghiêm túc để trở thành điểm đến du lịch hàng đầu, đều phải nghĩ đến sự bền vững, cân bằng lượng khách du lịch với những cân nhắc về bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng du lịch.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trọng Tín
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục