Sức nóng lan trên diện rộng
Nhắc đến các chủ đầu tư địa ốc chủ lực của Bình Thuận trong nhiều năm qua, nhiều người chủ yếu biết đến cái tên Tập đoàn Rạng Đông, Việt Úc hay các nhà đầu tư nhỏ hơn chủ yếu tập trung đầu tư vào khu vực Mũi Né. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Bình Thuận đã bắt đầu xuất hiện khá nhiều nhà đầu tư tên tuổi đến từ TP.HCM, Hà Nội và không chỉ ở Mũi Né, phạm vi đầu tư còn lan rộng ở nhiều khu vực khác của địa phương này.
Novaland từ trước đến nay được biết đến như một "tay chơi lớn" chỉ đầu tư vào các dự án ở TP.HCM, hiện đã đổ gần 6.000 tỷ đồng vào đầu tư dự án NovaHills có quy mô trên 40 ha, cung ứng ra thị trường cuối năm nay trên 600 căn biệt thự 5 sao. "Phát súng" này của Novaland đã làm nóng bừng thị trường bất động sản Phan Thiết. Sau NovaHills, Novaland tiếp tục triển khai dự án Nova World Phan Thiết có quy mô diện tích lên đến 1.000 ha với vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Một “đại gia” địa ốc khác là Công ty DRH Holdings đã “thâu tóm” thành công một dự án có quy mô gần 70 ha đang phát triển thành Khu đô thị du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt. Dự án bao gồm khu biệt thự, condotel, bungalow, club house, nhà vườn và hệ thống phụ trợ; khu khách sạn 4 sao ven sông, khu giải trí đa chức năng, siêu thị, trung tâm mua sắm, nhà hàng, khách sạn; khu tổ chức sự kiện và hội thảo quốc tế; câu lạc bộ thuỷ thủ; nhà thuyền, trạm bảo hành du thuyền; cây xanh, cảnh quan, hồ sinh thái….
Ngoài Novaland, thị trường bất động sản Phan Thiết sẽ đón thêm dự án Dubai của Tập đoàn TTC có diện tích gần 1.000 ha. Tập đoàn FLC cũng sẽ gia nhập thị trường bất động sản Phan Thiết với dự án FLC Mũi Né & Beach Resrot. Tương tự, mới đây, Công ty Bất động sản Hưng Lộc Phát đã công bố Dự án Mũi Né Summer Land có quy mô hơn 31 ha với vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Dự án NovaWorld Phan Thiet có quy mô 1.000 ha
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ngoài các doanh nghiệp kể trên, nhiều tên tuổi khác như TTC Land cũng vừa mua lại một dự án ở Bình Thuận, Công ty Bất động sản Danh Khôi cũng đã mua lại thành công một dự án có quy mô gần 40 ha tại Mũi Né và dự kiến sẽ triển khai đầu năm tới.
Điều đáng nói, sức hút nhà đầu tư vào bất động sản Bình Thuận không chỉ tập trung ở Mũi Né, mà còn lan rộng san nhiều khu vực khác, đặc biệt là với các khu vực dọc ven biển như Thắng Hải, La Gi, Mũi Kê Gà… Riêng tại khu vực Mũi Kê Gà, theo ghi nhận của phóng viên, hiện có 48 dự án đang tồn tại, trong đó có nhiều dự án đang bắt đầu khởi động trở lại, nên ngay trong năm 2019, khu vực này trở thành tâm điểm mới về phát triển các dự án nghỉ dưỡng của Bình Thuận.
Theo khảo sát sơ bộ, chỉ tính riêng trong những tháng đầu năm 2019, Bình Thuận đón 8 dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện tại, những quỹ đất đắc địa của Bình Thuận, không chỉ ở Mũi Né, mà nhiều khu vực có vị trí giáp ranh với biển ít được nhắc đến trước đây như Mũi Kê Gà, La Gi, Thắng Hải… đều đã được các ông lớn địa ốc như Hưng Thịnh, TMS, Novaland, Apec Group, VNGroup, TTC, Việt Úc, Hưng Lộc Phát, Danh Khôi, DRH Holdings… săn lùng gom trước đó để làm các siêu dự án.
Sức nóng của bất động sản Bình Thuận tăng mạnh, trong đó có một số doanh nghiệp đã tranh thủ cơ hội thị trường bung hàng khi chưa đủ điều kiện bán hàng đã khiến mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận phải có văn bản “tuýt còi” một số doanh nghiệp lợi dụng các hình thức quảng cáo, giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí... để thu tiền của người mua. Các hình thức thu tiền này không có trong quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật có liên quan.
Vì sao Bình Thuận tăng nóng?
Theo phân tích của giới chuyên môn, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Bình Thuận lên cơn sốt thời gian gần đây, trong đó nguyên nhân chính yếu xuất phát từ đòn bẩy của chính sách phát triển hạ tầng. Trong những năm gần đây, chính sách phát triển hạ tầng liên vùng phía Nam không ngừng được đẩy mạnh, hàng loạt công trình trọng điểm kết nối đã, đang và sẽ được mở ra.
Kể từ khi tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 51 mở rộng được đưa vào sử dụng, đã mở ra một câu chuyện mới về phát triển kinh tế liên vùng cho hàng loạt các tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó tác động trực tiếp nhất là các địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngoài đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, khá nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch liên vùng khác cũng đang chuẩn bị đưa vào khai thác hoặc đầu tư. Cuối tuần qua, lãnh đạo TP.HCM đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải về tiến độ triển khai dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, nhằm giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng để chính thức đưa tuyến đường này vào khai thác sử dụng trong năm 2020.
Theo các chuyên gia, cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án rất quan trọng trong việc kết nối giao thông các tỉnh trong tam giác kinh tế Long An, TP.HCM, Đồng Nai. Sau khi đưa vào khai thác sẽ giảm áp lực giao thông cho các tỉnh miền Tây đi miền Đông và ngược lại, kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, Gò Dầu, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, trở thành đòn bẩy quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế liên vùng.
Tương tự, một công trình giao thông trọng điểm liên vùng khác đang được các địa phương khẩn trương đầu tư là tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tại buổi làm việc của Đoàn Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng với TP.HCM và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề xuất các phương án xây cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Theo kiến nghị của Bà Rịa - Vũng Tàu, cần phải nhanh chóng triển khai xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để giải quyết bài toán giao thông.
Theo đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất 3 phương án đầu tư. Cụ thể, phương án 1 là nối từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến cảng Cái Mép - Thị Vải, phương án 2 nối đến Quốc lộ 55 (TP. Bà Rịa) và phương án 3 là nối thẳng đến Vũng Tàu. Hình thức đầu tư là đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Đa số ý kiến đồng thuận với phương án làm cao tốc đến Quốc lộ 55 để giải quyết tình trạng kẹt xe đang ngày càng nghiêm trọng trên Quốc lộ 51. Qua đó, tạo động lực tăng trưởng cho các khu công nghiệp ở Đất Đỏ, Châu Đức và phát triển du lịch ở Long Hải - Phước Hải - Xuyên Mộc.
Một “địa chỉ đỏ” về giao thông đáng chú ý nữa là dự án cao tốc TP.HCM - Phan Thiết. Mới đây, Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ Giao thông - Vận tải) đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các địa phương về công tác giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Theo đó, tiến độ chung của dự án là đến tháng 5/2019 cắm cọc và bàn giao mốc mới cho địa phương để giải phóng mặt bằng, tháng 9/2019 tổ chức tuyển chọn nhà thầu, tháng 7/2020 khởi công dự án. Một khi tuyền đường này được đầu tư xây dựng, khoảng cách di chuyển từ TP.HCM đến Phan Thiết có thể ngắn từ hơn 3 giờ như hiện nay xuống còn chưa đến 2 giờ.
Ngoài những dự án kể trên, còn có hàng loạt các dự án khác như như sân bay Quốc tế Long Thành, sân bay Phan Thiết, sân bay Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu)… cũng đang khẩn trương lên kế hoạch để trở thành “sợi chỉ đỏ” tạo động lực phát triển cho cả vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com