Bình quân mỗi ngày người Việt dành gần 4 tiếng truy cập internet cho mục đích cá nhân

0:00 / 0:00
0:00

Việt Nam có tỉ lệ người dùng internet mới trong năm 2020 cao nhất Đông Nam Á. Người Việt thường dành 3,5 giờ/ngày để truy cập Internet cho mục đích cá nhân.

Ảnh minh hoạ: Các khách mời check in tham gia sự kiện bằng QR code (Nguồn: Forbes Việt Nam). Ảnh minh hoạ: Các khách mời check in tham gia sự kiện bằng QR code (Nguồn: Forbes Việt Nam).

Đây là kết quả từ Báo cáo Kinh Tế Số Đông Nam Á (SEA) 2020 do Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố hôm nay. Một số nội dung nổi bật như nền kinh tế số Việt Nam có tổng giá trị khoảng 14 tỷ USD và cũng là quốc gia có tỉ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với 41%.

Bà Trâm Nguyễn, Giám đốc điều hành thị trường Việt Nam, Lào và Campuchia- Google Châu Á Thái Bình Dương cho biết, đại dịch đã thay đổi thói quen cuộc sống hàng ngày của mọi người, thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sang kỹ thuật số nhanh và mạnh mẽ hơn ở rất nhiều ngành và lĩnh vực, đáng chú ý là việc ứng dụng công nghệ cho y tế và giáo dục mở đường cho bên cạnh tài chính kỹ thuật số (FinTech).

Việt Nam là nước có tỉ lệ người dùng internet mới trong năm 2020 cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, người dùng bắt đầu tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề đột ngột phát sinh thông qua mạng Internet.

Rất nhiều người đã dùng thử các dịch vụ kỹ thuật số mới, cụ thể, trong tổng số người sử dụng dịch vụ kỹ thuật số, người dùng mới tại Việt Nam chiếm đến 41%, là nước có tỉ lệ người dùng internet mới cao nhất trong khu vực và 94% số người dùng mới này định tiếp tục sử dụng các dịch vụ đó kể cả sau đại dịch.

Trước khi đại dịch xuất hiện, người Việt Nam nói riêng thường dành 3,1 giờ/ngày để truy cập Internet cho mục đích cá nhân.

Trong khoảng giãn cách xã hội trên diện rộng, con số này đã tăng vọt lên 4,2 giờ/ngày và hiện ở mức 3,5 giờ/ngày.

Cứ 10 người dùng thì có tới 8 người cho rằng công nghệ là công cụ rất hữu ích trong thời gian diễn ra đại dịch, công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người.

Bất chấp môi trường kinh tế đầy thách thức, các lĩnh vực kỹ thuật số của Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020 và đang trên đà vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, đã có một sự thay đổi lớn trong các ngành đóng góp vào nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực.

Thương mại điện tử đã nổi lên như một ngành lớn nhất, tăng 63% đạt 62 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng, đạt 172 tỷ USD vào năm 2025.

Nền kinh tế số trong khu vực bao gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có 40 triệu người dùng internet mới trong năm nay, nâng tổng số lên 400 triệu tính đến thời điểm hiện tại.

Cùng với đó, từ sự gia tăng thói quen sử dụng các dịch vụ trực tuyến của người dùng cá nhân và doanh nghiệp, thanh toán kỹ thuật số tiếp tục tăng trưởng từ 600 tỷ USD vào năm 2019 lên 620 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Truyền thông trực tuyến trong khu vực cũng tăng 22%, đạt 17 tỷ USD vào năm 2020.

Điều này được thúc đẩy bởi sự gia tăng bứt phá của các nhà cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (video streaming), mức tăng trưởng đạt 12 lần ở Việt Nam và 18 lần ở Thái Lan.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục