Big_Trends: Liệu có tồn tại cơ hội giải ngân?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 rồi cũng sẽ qua đi nhưng nền kinh tế cũng cần nhiều thời gian để phục hồi. Kiên nhẫn đợi cơ hội sẽ là kim chỉ nam đối với các nhà đầu tư cẩn trọng.
Big_Trends: Liệu có tồn tại cơ hội giải ngân?

Thông tin ca nghi nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng và lo ngại sự lây nhiễm ra cộng đồng được ví như giọt nước tràn ly đối với chuỗi ngày giao dịch “yếu đuối” của thị trường chứng khoán trong vòng 1 tháng qua.

Ngày thứ Sáu đen tối - phiên giao dịch cuối tuần qua, VN-Index đã có lúc giảm điểm kỷ lục hơn 38 điểm về sát mốc 820 điểm. Đây có thể nói là phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ ngày 15/6 cho đến nay.

Cho dù có hay không có ca mắc mới đang khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan hơn, thì diễn biến trên thị trường chứng khoán thời gian gần đang trở nên kém tích cực.

Chuỗi phiên điều chỉnh dài với thanh khoản đi xuống đã khiến các nhà đầu tư dần trở nên chán nản và muốn thoát hàng bằng mọi giá. Phải chăng câu chuyện với kịch bản tệ nhất đang mới chỉ bắt đầu?

Nhiều dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu cũng như số liệu kinh tế vĩ mô quý II của Việt Nam không khỏi khiến chúng ta cảnh giác hơn đối với thị trường chứng khoán.

VN-Index điều chỉnh với giá trị giao dịch giảm, chưa kể thông tin liên quan đến sự lây nhiễm Covid 19 trên toàn cầu đang khiến các nền kinh tế trở nên mong manh hơn trước con bão khủng hoảng, suy thoái.

Mặc khác, giá vàng thông thường rất nhậy với những bất ổn, rủi ro địa chính trị hay câu chuyện lạm phát đã tăng giá mạnh trong tuần vừa qua đã phát đi những tín hiệu đáng báo động về khả năng điều chỉnh lớn của thị trường chứng khoán.

Xét về toàn cảnh, thị trường chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh lớn và với phiên giảm điểm mạnh cuối tuần qua đã khiến chúng ta nghĩ ngay tới khả năng thị trường điều chỉnh tiếp trong tuần tới.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không quá bi quan nếu xét trên góc độ vĩ mô cũng như quan điểm kỹ thuật để tránh đưa ra những hành động cảm tính để có thể ảnh hưởng tới danh mục đầu tư.

Quan trọng hơn cả đó là hành động thế nào trong bối cảnh bất ổn như hiện nay và hơn hết quản trị danh mục như thế nào, phân bổ tỷ trọng tiền mặt/cổ phiếu hay mua các cổ phiếu gì với tỷ trọng bao nhiêu mới là quan trọng.

Chắc chắn giao dịch ngắn hạn trong hiện tại không phải là ý tưởng hay - câu chuyện bắt đáy sẽ không dễ dàng như giai đoạn trước nhất là trong các tháng 7 và tháng 8 khi giai đoạn điều chỉnh chưa kết thúc.

Liệu có tồn tại cơ hội giải ngân vào các mã cổ phiếu tiềm năm với tầm nhìn đến cuối năm 2020 và quý I/2021. Câu trả lời là có nhưng nhà đầu tư vẫn nên rất thận trọng trong việc xây dựng danh mục (Có cổ phiếu nắm giữ từ 3 – 6 tháng hay có những cổ phiếu nắm giữ hơn 1 năm).

Lợi thế giao dịch T+ hay giao dịch theo tuần chỉ xảy ra khi thị trường vào xu hướng tăng điểm, còn trong hoàn cảnh thị trường điều chỉnh và đang đối mặt với nhiều thách thức có lẽ hạn chế giao dịch ngắn và ưu tiên nắm giữ tỷ trọng tiền mặt nhiều cũng sẽ hợp lý hơn.

Chúng ta giữ được tiền cũng có nghĩa chúng ta còn cơ hội. Đại dịch Covid-19 rồi cũng sẽ qua đi nhưng nền kinh tế cũng cần nhiều thời gian để phục hồi. Kiên nhẫn đợi cơ hội sẽ là kim chỉ nam đối với các nhà đầu tư cẩn trọng.

Big_Trends

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục