Đại dịch Covid-19 đã tạo nhiều áp lực lên các ngân hàng trong việc cải thiện hệ thống nền tảng công nghệ và các giải pháp thanh toán/dịch vụ tài chính cung cấp cho khách hàng. Việc mua các công ty Fintech nhỏ, có sáng tạo công nghệ là cách nhanh và hiệu quả bậc nhất đối với các nhà băng để thực hiện nhiệm vụ này, thay vì tự xây dựng hệ thống và giải pháp riêng.
Dù vậy, xét trong bối cảnh năm 2021, khi triển vọng nền kinh tế có tích cực hơn so với 2020, nhưng quá nhiều yếu tố bất ổn chưa thể được ước lượng, việc thực hiện các thương vụ M&A sẽ trở nên dè dặt hơn.
Trong khi đó, các công ty công nghệ lớn (Big Tech) như Facebook Inc, Alphabet Inc (công ty mẹ của Google)… lại đang ở vị thế tích cực hơn để săn đón các thương vụ M&A.
Big Tech với túi tiền dày
Fionnghuala Griggs, giám đốc Fintech toàn cầu tại Linklaters cho biết, khó có thể đánh giá hết được hậu quả mà các sự kiện bất ngờ năm 2020 mang lại, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp luôn giữ tầm nhìn dài hạn và rất quan tâm tới câu chuyện công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đối với nhiều nhà băng, nhà vận hành hệ thống thẻ và các tổ chức tài chính khác, M&A vẫn là hoạt động hấp dẫn để mở rộng hoạt động, cũng như khai phá các tiềm năng.
“Dù vậy, dưới sự bất ổn của nền kinh tế, các nhà băng thận trọng hơn trong việc sử dụng nguồn lực cho các cơ hội M&A. Vì vậy, chúng tôi dự báo nhóm ngân hàng sẽ tập trung hơn vào giá trị lõi, cũng như khả năng đóng góp lợi nhuận cho ngân hàng của các Fintech trong dài hạn”, Fionnghuala Griggs cho biết.
Dưới sự bất ổn của nền kinh tế, các nhà băng thận trọng hơn trong việc sử dụng nguồn lực cho các cơ hội M&A.
Cùng quan điểm, Benjamin Ensor, giám đốc nghiên cứu tại 11:FS - công ty nghiên cứu Fintech và ngân hàng công nghệ cho biết, đại dịch tạm thời kiềm chế “khẩu vị”, cũng như khả năng thực hiện các thương vụ M&A Fintech của các nhà băng.
“Các nhà băng, cũng như các tổ chức tài chính khác vẫn muốn đầu tư vào các Fintech hứa hẹn, nhưng năng lực tài chính không hẳn dư dả để vung tay như thời điểm bắt đầu năm 2020”, Benjamin Ensor cho biết.
Ở chiều ngược lại, các công ty công nghệ lớn ngày càng trở nên “thèm khát” Fintech, nhất là sau đại dịch và có rủng rỉnh tiền để thực hiện các thương vụ thâu tóm.
Mặc dù ngành ngân hàng đã tránh được cuộc khủng hoảng tồi tệ năm 2020 nhờ vào chính sách tài chính và hỗ trợ tiền tệ của giới chức nhiều quốc gia, nhưng lợi nhuận của các nhà băng trong năm qua không quá tích cực, theo báo cáo của Scope Ratings.
Trong khi đó, các công ty công nghệ lớn đã có một năm tăng trưởng thần kỳ khi đại dịch diễn ra. Nhu cầu mua sắm online, giải trí, làm việc trực tuyến… gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ, làm dày thêm túi tiền của Big Tech.
Top 5 công ty lớn nhất thế giới lần lượt là các đại gia công nghệ Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Facebook.
Năm 2020, Apple Inc đã trở thành công ty lớn nhất hành tinh với vốn hoá thị trường đạt 1,9 nghìn tỷ USD. Đứng ngay vị trí thứ hai là Microsoft với vốn hoá 1,61 nghìn tỷ USD. Vị trí thứ ba thuộc về Amazon Inc với vốn hoá 1,59 nghìn tỷ USD.
Việc các công ty công nghệ lớn mở rộng hoạt động sang các dịch vụ tài chính là một sự tiến hóa tự nhiên. Những công ty công nghệ lớn như Amazon, Google, Apple, Facebook dựa vào việc phân tích dữ liệu để tạo ra trải nghiệm phù hợp, cá nhân hóa và trực quan hơn cho người dùng. Trong 2 thập kỷ qua, chúng ta đã thấy các Big Tech giới thiệu dịch vụ thanh toán và từ từ chuyển sang tín dụng, bảo hiểm, tiết kiệm, cho vay và đầu tư.
Với quy mô và phạm vi tiếp cận khách hàng khắp thế giới, các Big Tech sẽ tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong ngành. Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), các công ty công nghệ lớn đã vươn rộng hoạt động tại lĩnh vực dịch vụ tại chính trong những năm vừa qua, cho vay 572 tỷ USD trên toàn cầu năm 2019, gấp đôi so với mức mà các công ty Fintech đạt được.
Trong bối cảnh này, ngay cả khi các nhà băng muốn mua lại Fintech, họ cũng đối diện với sức cạnh tranh mạnh mẽ từ các công ty công nghệ, khi cả 2 cùng chung mục tiêu thâu tóm để mở rộng sự hiện diện và nắm bắt tiến bộ công nghệ.
Big Tech đang thâu tóm mọi thứ trong lòng bàn tay |
Lĩnh vực thanh toán gia tăng sức nóng
M&A liên quan tới các công ty thuộc lĩnh vực thanh toán thực tế đã trở thành xu hướng kể từ năm 2020, với một số thương vụ lớn tại châu Âu như Nexi SpA chi 7,8 tỷ euro để mua lại đối thủ Nets A/S tại Đan Mạch, Worldline SA mua lại Ingenico Group SA với 7,8 tỷ euro.
Xu hướng này được giới chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2021.
“Năm 2020 đã tạo đà để ngành dịch vụ tài chính tập trung hơn vào công nghệ thanh toán, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa các sáng kiến công nghệ tại lĩnh vực này, bao gồm gia tăng cơ hội tăng trưởng cho các công ty có giải pháp thanh toán mới. Kết quả là các Fintech tập trung vào lĩnh vực thanh toán duy trì sức hút đối với hoạt động đầu tư, M&A”, Fionnghuala Griggs cho biết.
Khoảng 420 tỷ giao dịch trị giá 7 nghìn tỷ USD sẽ dịch chuyển từ tiền mặt sang thanh toán thẻ và thanh toán điện tử cho tới năm 2023, sau đó tiếp tục gia tăng lên 48 nghìn tỷ USD năm 2030, theo nghiên cứu của Accenture.
Đại dịch Covid-19 đẩy mạnh hơn nữa quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử ở tốc độ mà các nhà băng không thể dự báo trước. Theo đó, nếu thực hiện M&A, các Fintech lĩnh vực thanh toán điện tử sẽ trở thành “mục tiêu” đầu tiên trong tầm ngắm.