Biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông bằng hình thức giơ phiếu có hợp lệ?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tháng 4 đến tháng 6 hằng năm là khoảng thời gian nhiều cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên được tổ chức, thông qua đó, cổ đông có thể thực hiện quyền của người chủ sở hữu công ty, nghe báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của công ty và cho ý kiến biểu quyết về những vấn đề mà Hội đồng quản trị cần xin ý kiến.
Biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông bằng hình thức giơ phiếu có hợp lệ?

Tuy nhiên, bên cạnh hình thức biểu quyết trực tiếp, bỏ phiếu điện tử, vẫn không ít công ty lăn tăn rằng liệu có thể đơn giản hóa việc biểu quyết thông qua hình thức giơ thẻ biểu quyết hay không?

Các hình thức biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông

Khoản 3, Điều 144, Luật Doanh nghiệp 2020 ghi nhận cổ đông được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trong những trường hợp sau:

- Tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp;

- Ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác tham dự và biểu quyết tại cuộc họp;

- Tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác;

- Gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử;

- Gửi phiếu biểu quyết bằng phương tiện khác theo quy định trong Điều lệ công ty.

Thông thường, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, sẽ có nhiều vấn đề cần xin ý kiến chấp thuận, thông qua của Đại hội đồng cổ đông, bao gồm (i) những vấn đề mang tính trình tự, thủ tục như quy chế tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, quy chế bầu cử; và (ii) những vấn đề quan trọng như sửa đổi, bổ sung Điều lệ, thông qua các giao dịch, hợp đồng có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty.

Đối với các vấn đề quan trọng, việc biểu quyết được tiến hành rất kỹ lưỡng, các phiếu biểu quyết sẽ được phát cho cổ đông, cổ đông sẽ chọn phương án tán thành, không tán thành hoặc không có ý kiến và được thu về hoặc lưu giữ điện tử (nếu thực hiện thông qua bỏ phiếu điện tử).

Tuy nhiên, đối với những vấn đề mang tính trình tự, thủ tục thì lại cho thấy không phải công ty nào cũng tổ chức thực hiện việc biểu quyết và xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông như trên, thay vào đó chủ tọa có thể yêu cầu các cổ đông tán thành sẽ giơ thẻ biểu quyết lên, ban kiểm phiếu sẽ đếm và ghi nhận.

Ở đây, vấn đề pháp lý đặt ra là liệu việc biểu quyết bằng cách giơ thẻ có được Luật Doanh nghiệp ghi nhận là hợp lệ hay không?

Rủi ro pháp lý khi biểu quyết bằng việc giơ thẻ biểu quyết

Khoản 5, Điều 142, Luật Doanh nghiệp 2014 khi đề cập đến thể thức tiến hành họp và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông, quy định rằng: “Đại hội đồng cổ đông thảo luận và biểu quyết theo từng vấn đề trong nội dung chương trình. Việc biểu quyết được tiến hành bằng cách thu thẻ biểu quyết tán thành nghị quyết, sau đó thu thẻ biểu quyết không tán thành, cuối cùng kiểm phiếu tập hợp số phiếu biểu quyết tán thành, không tán thành, không có ý kiến. Kết quả kiểm phiếu được chủ tọa công bố ngay trước khi bế mạc cuộc họp, trừ trường hợp Điều lệ có quy định khác”.

Theo đó, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định rõ để có thể kiểm phiếu xác định vấn đề có được thông qua hay không thì phải tiến hành “thu thẻ” biểu quyết tán thành, sau đó “thu thẻ” biểu quyết không tán thành. Động từ “thu thẻ” ở đây sẽ đòi hỏi ban kiểm phiếu phải có dữ liệu và chứng từ lưu trữ, xác định tỷ lệ tán thành, không thể chỉ thông qua việc nhìn, đếm và ghi nhận.

Tuy nhiên, đến Luật Doanh nghiệp 2020 nội dung về vấn đề “thu thẻ” đã được bỏ đi. Cụ thể, xin trích nguyên văn khoản 5 Điều 146 đạo luật này như sau: “Đại hội đồng cổ đông thảo luận và biểu quyết theo từng vấn đề trong nội dung chương trình. Việc biểu quyết được tiến hành bằng biểu quyết tán thành, không tán thành và không có ý kiến. Kết quả kiểm phiếu được chủ tọa công bố ngay trước khi bế mạc cuộc họp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác”. Chính điều này lại khiến nhiều người lần nữa đặt câu hỏi, vậy liệu hiện nay có thể biểu quyết thông qua việc giơ thẻ biểu quyết hay không?

Khi xem xét vấn đề này, cần phải đặt trong mối quan hệ với nhiều điều khoản khác có liên quan. Chẳng hạn, điểm đ Khoản 1, Điều 11, Luật Doanh nghiệp 2020 yêu cầu doanh nghiệp phải lưu giữ phiếu biểu quyết, nhưng đây không phải là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả doanh nghiệp, mà chỉ được áp dụng “tùy theo loại hình” của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi kiểm tra các điều khoản khác tại Luật Doanh nghiệp 2020 liên quan đến vấn đề lưu giữ phiếu biểu quyết thì lại chưa rõ loại hình doanh nghiệp nào bắt buộc phải lưu giữ phiếu biểu quyết. Chỉ có điều luật đề cập đến hình thức khi lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông bằng văn bản, thì các phiếu lấy ý kiến phải được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty.

Như vậy, với những quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 hiện nay chưa thể khẳng định chắc chắn rằng hình thức biểu quyết thông qua việc giơ phiếu tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông là hợp lệ hay không hợp lệ.

Tuy nhiên, một trong những rủi ro có thể dự đoán được chính là nếu có cổ đông khiếu nại, khởi kiện cho rằng họ không tán thành nhưng doanh nghiệp lại ghi nhận là tán thành, thì khi đó doanh nghiệp cũng rất khó cung cấp bằng chứng chứng minh.

Qua vấn đề này, có thể thấy mong muốn cuộc họp Đại hội đồng cổ đông diễn ra thuận tiện nhanh chóng, để các cổ đông có thể dành nhiều thời gian cho việc thảo luận các vấn đề quan trọng là một nhu cầu chính đáng, nhưng nó cần được thực thi và cụ thể hóa bằng hình thức phù hợp với quy định pháp luật để tránh các rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Thay vì biểu quyết bằng cách giơ thẻ, các doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc đến hình thức bỏ phiếu điện tử, đặc biệt khi mà giai đoạn dịch bệnh covid đang diễn ra thì đây cũng là hình thức khá phổ biến được nhiều công ty công nghệ đầu tư xây dựng để bán sản phẩm ra thị trường.

* Bài viết này chỉ thể hiện những ý kiến và quan điểm của cá nhân tác giả và không có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.

Luật sư Tô Hồng Dung – Công ty Luật BASICO

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục