Biến thể Delta khiến tình hình dịch trên thế giới vẫn phức tạp

0:00 / 0:00
0:00
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 547.623 ca mắc mới COVID-19, trong đó Mỹ và Brazil là hai nước đứng đầu với 54.648 ca và 49.603 ca. Indonesia tiếp tục là điểm nóng ở châu Á khi có thêm 49.509 ca.
Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Sao Paulo (Brazil), ngày 1/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN). Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Sao Paulo (Brazil), ngày 1/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 23/7, thế giới đã ghi nhận 193.352.273 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.150.578 ca tử vong. Số ca bình phục hoàn toàn đến thời điểm này là 175.699.147 ca và vẫn còn 13.502.548 ca đang phải điều trị.

Trong vòng 24 giờ qua, toàn thế giới đã ghi nhận 547.623 ca mắc mới, trong đó Mỹ và Brazil là hai nước đứng đầu với 54.648 ca và 49.603 ca.

Ở châu Á, Indonesia tiếp tục là điểm nóng khi có thêm 49.509 ca trong khi nhiều nước châu Âu cũng ghi nhận số ca mắc mới cao như Anh (39.906 ca), Nga (24.471 ca) hay Tây Ban Nha (29.535).

Biến thể Delta là nguyên nhân khiến tình hình dịch vẫn phức tạp tại các nước, ngay cả các nước châu Âu có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở mức cao.

Theo thống kê của Liên minh châu Âu (EU), 200 triệu người dân thuộc khối này đã tiêm đủ liều vaccine, chiếm hơn 50% trong tổng số dân số trưởng thành, song vẫn chưa đạt mục tiêu 70% trong mùa Hè này.

Một số quốc gia, đặc biệt ở khu vực châu Mỹ, đã ghi nhận tiến triển trong chương trình tiêm vaccine.

Bộ Y tế Chile thông báo có 13.062.630 người đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó có 11.908.045 người, tương đương 78,34% người dân trong diện tiêm chủng của nước này, đã hoàn thành tiêm chủng. Trong tuần này, Chile sẽ triển khai tiêm vaccine cho nhóm đối tượng thanh thiếu niên 14 tuổi.

Tại Argentina, hơn 50% trong số 45,3 triệu dân nước này đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, và số người đã hoàn thành 2 mũi tiêm chủng là 5.797.847 người. Tỉnh Buenos Aires, địa phương đông dân nhất quốc gia Nam Mỹ này, đã tiêm chủng cho 50,28% người dân, còn tại thủ đô Buenos Aires, 60,38% người dân đã tiêm vaccine.

Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, một số nước và vùng lãnh thổ đã siết chặt các biện pháp kiểm dịch.

Chính phủ Italy tuyên bố người dân sẽ cần chứng chỉ xanh COVID-19 để tiếp cận một loạt các dịch vụ và hoạt động giải trí. Đây là biện pháp mới nhất của Italy nhằm tìm cách ngăn chặn sự gia tăng của các trường hợp mắc COVID-19.

Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nhấn mạnh Thẻ Xanh COVID sẽ được yêu cầu trong nhiều tình huống, bao gồm cả việc vào các sân vận động, phòng tập thể dục, hồ bơi, bảo tàng và hội chợ thương mại, hay vào ăn trong nhà ở các nhà hàng. Các vũ trường sẽ tiếp tục bị đóng cửa.

Chứng chỉ xanh COVID-19 là bằng chứng bằng giấy hoặc kỹ thuật số về khả năng miễn dịch, cho biết người sở hữu đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, đã có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc mới khỏi COVID-19.

Tại Israel, Ủy ban Bộ trưởng thuộc Chính phủ Israel đã đưa ra đề xuất tái áp dụng chương trình Thẻ Xanh nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát lây nhiễm trên diện rộng, đặc biệt là do biến thể Delta.

Ủy ban đề nghị chỉ có những người đã tiêm vaccine, bình phục sau lây nhiễm hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được có mặt tại các sự kiện có trên 100 người tham gia, dù được tổ chức ở trong nhà hay ngoài trời.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần xuất trình Thẻ Xanh nếu muốn vào tham dự các sự kiện văn hóa, thể thao, tới phòng tập thể dục, nhà hàng, hội nghị, điểm du lịch và cơ sở tín ngưỡng.

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đề xuất từ ngày 8/8 bổ sung Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa Cyprus và Gruzia vào danh sách "đỏ" cấm bay. Danh sách này hiện có Nam Phi, Ấn Độ, Mexico và một số nước khác. Theo đó, các chuyến bay từ Israel tới các nước này sẽ không được thực hiện, trừ trường hợp đặc biệt do Ủy ban Ngoại lệ xem xét thông qua.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca lây nhiễm hàng ngày ở mức tương đối cao, hơn 1.000 người/ngày.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục