Biến rác thành… vàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng loạt doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải, nước thải khi nhận ra tiềm năng của ngành này.
Biến rác thành… vàng

Doanh nghiệp đầu tư mạnh vào dịch vụ môi trường

Ngành dịch vụ môi trường - ngành kinh tế cung cấp dịch vụ đo lường, kiểm soát, hạn chế, phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, xử lý chất thải… - đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng trở nên trầm trọng.

Trên sàn chứng khoán hiện có một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Đặc trưng của các doanh nghiệp ngành dịch vụ môi trường đang niêm yết/giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán hiện nay là có vốn Nhà nước, hoạt động tại một khu vực nhất định nên thị trường ít có sự cạnh tranh. Trong đó, Công ty cổ phần Dịch vụ Sonadezi (mã SDV), Công ty cổ phần Môi trường Sonadezi (mã SZE), Công ty cổ phần Nước và môi trường Bình Dương - Biwase (mã BWE) là những tên tuổi nổi bật trong ngành.

Quy mô vốn điều lệ nhỏ, với 50 tỷ đồng, song những năm qua, SDV đã khẳng định thế mạnh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý nước thải, chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn đô thị... Khu xử lý chất thải Quang Trung là một trong những dự án trọng điểm, tạo bước đột phá đối với SDV. Ngày 31/12/2022, Công ty đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường cho khu xử lý chất thải này.

Theo Báo cáo thường niên năm 2022 của SDV, trong năm qua, doanh thu dịch vụ xử lý nước thải công nghiệp và xử lý chất thải của Công ty đạt hơn 445 tỷ đồng, tăng 5,62% so với năm 2021; trong đó, doanh thu dịch vụ xử lý chất thải đạt 328,98 tỷ đồng. Hiện SDV đang tiếp nhận rác thải sinh hoạt phát sinh từ một số địa phương thuộc tỉnh Đồng Nai để xử lý làm phân compost, với công suất trung bình 1.200 tấn/ngày. Bên cạnh đó, Công ty đang thu gom chất thải công nghiệp nguy hại và không nguy hại của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với khối lượng trung bình 1.630 tấn/ngày, xử lý bằng các phương pháp tái chế, súc rửa chôn lấp hợp vệ sinh, thiêu đốt, hóa rắn, nghiền bóng đèn, xử lý chất thải.

SDV đã cung cấp các dịch vụ liên quan đến thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp cho 290 khách hàng trên 28 khu công nghiệp, sản lượng chất thải công nghiệp thực hiện trong năm 2022 bằng 103,4% sản lượng chất thải năm 2021.

Tại BWE, xử lý chất thải được lãnh đạo Công ty xác định là lĩnh vực kinh doanh mũi nhọn khi tốc độ tăng trưởng của mảng cấp nước dần chậm lại. Theo đó, Công ty đã đẩy mạnh thâu tóm các doanh nghiệp nước sạch và vệ sinh môi trường bên ngoài khu vực Bình Dương. Trong mảng nước sạch, BWE đã sở hữu từ 50 - 100% cổ phần Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP Long An, Công ty cổ phần Công trình đô thị Châu Thành, Công ty cổ phần Công trình đô thị Cần Giuộc, Công ty cổ phần Nước và Môi trường Bằng Tâm, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP Quảng Bình. Trong lĩnh vực xử lý chất thải, BWE hiện đang đầu tư 400 ha phục vụ xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn ở xã Tân Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương…

Trước đó, vào tháng 12/2022, BWE nhận được khoản vay 7 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để tài trợ vốn cho Dự án phát điện sử dụng nguồn nhiệt từ xử lý rác thải. Số tiền này nằm trong khoản 13 triệu USD được ADB điều phối tài trợ.

Trong những năm qua, doanh thu của BWE duy trì đà tăng trưởng tích cực. Đáng chú ý, mảng xử lý rác đóng góp ngày càng lớn trong tổng doanh thu, bên cạnh doanh thu từ ngành nước. Năm 2022, doanh thu thu gom, vận chuyển và xử lý rác của Công ty đạt 933,5 tỷ đồng, tăng 112% so với mức thực hiện năm 2021.

Không riêng các doanh nghiệp có truyền thống trong lĩnh vực dịch vụ môi trường, một số doanh nghiệp cũng nhận ra tiềm năng tăng trưởng của thị trường này và bắt đầu “nhập cuộc”.

Không riêng các doanh nghiệp có truyền thống trong lĩnh vực dịch vụ môi trường, một số doanh nghiệp cũng nhận ra tiềm năng tăng trưởng của thị trường này và bắt đầu “nhập cuộc”, trong đó có Công ty cổ phần Máy - Thiết bị Dầu khí (mã PVM). Cụ thể, PVM đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực đầu tư xử lý rác thải với việc thành lập đơn vị Công ty cổ phần Machino Thành Đạt (PVM nắm 51%). Đơn vị này đang triển khai phát triển hệ thống nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ xử lý không chôn lấp, bởi đây là lĩnh vực đang được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ, mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội.

Machino Thành Đạt đang triển khai vận hành 2 nhà máy tại Thái Bình, Bắc Giang và đang nghiên cứu triển khai tiếp các nhà máy tại Ninh Bình, Nam Định, Sóc Trăng… Dù mới thành lập vào tháng 9/2022, tới cuối năm, Công ty ghi nhận doanh thu 1,75 tỷ đồng, lợi nhuận 130 triệu đồng.

Một doanh nghiệp ngoài sàn chứng khoán cũng gây chú ý những năm gần đây khi đầu tư mạnh vào lĩnh vực xử lý rác thải là Công ty cổ phần Môi trường Thuận Thành (Thuận Thành EJS) - đơn vị xử lý rác thải cho Samsung tại 2 nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Năm 2020, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng cho Công ty cổ phần Môi trường Thuận Thành (Thuận Thành) và JFE Engineering Corporation (Nhật Bản). Nhà máy có công suất xử lý chất thải rắn tối đa 500 tấn/ngày đêm, công suất phát điện từ 11 - 13 MW. Quy mô thực hiện dự án khoảng 4,8 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.348 tỷ đồng; trong đó, vốn góp để thực hiện dự án là 269 tỷ đồng (Thuận Thành góp 60%, JFE Engineering Corporation góp 40%). Dự án dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động từ quý IV/2023.

Dư địa thị trường còn lớn

Hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn, tỷ lệ rác thải được chôn lấp trực tiếp còn cao, việc đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển, khu xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch tiến độ triển khai còn chậm hoặc không triển khai được…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt được khuyến khích thực hiện, quy định tại Luật Bảo vệ môi trường hiện hành, thậm chí ấn định từ Luật năm 2005. Hiện nay, việc xử lý rác được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, thực tế cũng cho thấy hoạt động đầu tư này mang lại lợi nhuận cho họ.

Báo cáo tài chính của SDV cho thấy, năm qua, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 511,27 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 29,5 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 4.724 đồng. Năm 2021, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 32,36 tỷ đồng, tương đương mức EPS 5.258 đồng. Hay tại BWE, năm 2022, doanh thu đạt gần 3.484 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 746,5 tỷ đồng, EPS đạt 3.196 đồng. Quý đầu năm nay, BWE ghi nhận doanh thu 680,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 140,7 tỷ đồng.

Hiện nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ môi trường đã được Việt Nam ban hành và đang được triển khai nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp môi trường. Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản liên quan đã có các quy định về việc Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ môi trường với nhiều ưu đãi như miễn thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp… Chưa kể, các doanh nghiệp hoạt động thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ được hưởng ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư từ các nguồn vốn cả trong và ngoài nước. Theo đó, ngành dịch vụ môi trường được dự báo sẽ trở thành một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai.

Lam Phong
Theo Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục