Những nhóm ngành "chờ bật" sau tích luỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nhịp điều chỉnh, cổ phiếu một số nhóm ngành có dấu hiệu đã tích luỹ đủ, chuẩn bị cho giai đoạn tăng giá mới.
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán gần đây được cải thiện Dòng tiền trên thị trường chứng khoán gần đây được cải thiện

Yếu tố nền tảng và kỹ thuật

Nhiều thành viên thị trường cho rằng, thời điểm hiện tại thích hợp cho việc giải ngân vào các cổ phiếu có nền tảng tốt.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Smart Invest chia sẻ, chứng khoán, đầu tư công, ngân hàng là các nhóm cổ phiếu đáng quan tâm.

Ông Tuấn cho biết, lãi suất hạ khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào việc thị trường chứng khoán sẽ tăng trở lại. Mặt khác, các thông tin tiêu cực nhất gần như đã phản ánh vào giá cổ phiếu, nên dòng tiền đang có xu hướng tìm đến các cổ phiếu tăng trưởng.

Với cổ phiếu chứng khoán, không doanh nghiệp chứng khoán nào thua lỗ trong quý đầu năm 2023. Giai đoạn khó khăn đã qua, kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu thời gian tới có triển vọng khả quan.

Nhóm cổ phiếu đầu tư công mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kỳ vọng từ phía nhà đầu tư rất lớn, trong bối cảnh đầu tư công được xem là động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế năm 2023. Các yếu tố gây ra sự trì trệ trong việc giải ngân đầu tư công đang dần được giải quyết, dòng tiền giải ngân từ nay cho đến cuối năm dự kiến sẽ tăng mạnh, giúp các doanh nghiệp liên quan có nhiều việc làm, gia tăng doanh thu và lợi nhuận.

Về nhóm ngân hàng, các cổ phiếu “vua” đã có giai đoạn giảm sâu rồi lình xình kéo dài khi đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng, nhưng việc Ngân hàng Nhà nước cho phép giãn, hoãn nợ đã giải tỏa phần nào nỗi lo này. Cùng với đó, lãi suất điều hành giảm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay, các doanh nghiệp có khả năng tiếp tiếp cận được vốn tín dụng và duy trì sản xuất. Theo đó, nguồn thu từ tín dụng của các ngân hàng sẽ được cải thiện, nợ xấu được kiềm chế.

Đồng quan điểm, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Azfin Việt Nam cho hay, lịch sử thị trường chứng khoán cho thấy, sau giai đoạn giảm sâu, nhóm ngành hồi phục đầu tiên thường là chứng khoán, thứ hai là đầu tư công và bất động sản, thứ ba là bất động sản công nghiệp, thứ tư là ngân hàng, công nghệ, thứ năm là bán lẻ và hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm. Tiếp theo là các ngành tiện ích (điện, nước), cho thuê văn phòng, hàng hoá nguyên vật liệu cơ bản (sắt, thép). Sau đó là nhóm ngành chăm sóc sức khoẻ, y tế, bảo hiểm… Theo chu kỳ này, dòng chứng khoán đang tăng, bất động sản có diễn biến khả quan, sắp tới có thể sẽ đến lượt cổ phiếu nhóm ngân hàng, công nghệ tăng giá.

“Nhóm cổ phiếu ngân hàng thì tin tốt đến từ việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành làm tăng hiệu quả kinh doanh, huy động vốn cũng như cho vay. Nhóm chứng khoán giảm giá sâu trong giai đoạn thị trường lao dốc trước đây nên đang có diễn biến tăng trong bối cảnh thị trường dần hồi phục. Với bất động sản, đây là nhóm giảm sâu nhất nên có khả năng bật tăng mạnh mẽ trở lại. Bên cạnh đó, bất động sản đang được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công”, ông Phục nói.

Vẫn nên cẩn trọng

Chuyên gia chứng khoán Lê Ngọc Nam nhìn nhận, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn thị trường nhìn chung vẫn đang ở trạng thái xấu, nhưng nhà đầu tư kỳ vọng sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm 2023, giúp VN-Index có diễn biến tích lũy đi lên. So với đầu năm 2023, VN-Index hiện tăng khoảng 7%, trong đó, cổ phiếu một số nhóm ngành tăng 40 - 50%, tập trung vào các cổ phiếu nhỏ và vừa. Gần đây, dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại nhóm vốn hóa lớn, bao gồm ngân hàng, bất động sản.

Nhận định về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp năm nay, ông Nam nói: “Mức tăng trưởng lợi nhuận của các nhóm ngành sẽ không ấn tượng”.

Trong 2 tuần đầu tháng 6/2023, thị trường chứng khoán giao dịch sôi động và VN-Index tăng điểm, vượt ngưỡng kháng cự ngắn hạn 1.080 điểm, đồng thời vượt đường trung bình động 200 ngày (MA200).

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV nhận định, dòng tiền trên thị trường chứng khoán được cải thiện chủ yếu là nhờ mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế có xu hướng giảm, dù tốc độ chưa được như kỳ vọng.

“Thanh khoản tăng nhờ dòng tiền nhà đầu tư cá nhân quay trở lại và một phần đến từ tiền gửi lãi suất cao kỳ hạn ngắn đáo hạn. Lãi suất tiền gửi giảm trong khi cơ hội giao dịch trên thị trường chứng khoán tăng là yếu tố thu hút dòng tiền trong ngắn hạn”, ông Khoa nói.

Ông Khoa lưu ý, giao dịch sôi động là tín hiệu tốt, nhưng thanh khoản tăng cao đột biến có thể khiến vòng quay tiền tăng nhanh hơn. Thông thường, nhà đầu tư có thể nắm giữ cổ phiếu vài tháng, nhưng khi thanh khoản và lợi nhuận gia tăng sẽ kích thích họ giao dịch nhiều hơn. Khi vòng quay tiền nhanh và dòng tiền cơ sở không tăng trưởng song hành thì công cụ giao dịch ký quỹ (margin) sẽ được sử dụng để bù đắp. Diễn biến thị trường lúc đó có thể trở nên khó lường, các phiên phân phối sẽ xảy ra thường xuyên và nhà đầu tư có nguy cơ “mắc kẹt” tại vùng giá cao. Diễn biến này khởi động cho một “vòng lặp”, cho dù rủi ro thấp hơn giai đoạn năm 2022 nhờ nền giá cổ phiếu thấp và có sự hỗ trợ của chu kỳ lãi suất giảm.

“Thanh khoản hiện tại đạt khoảng 16.000 tỷ đồng/phiên là phù hợp, nếu lên đến 18.000 - 20.000 tỷ đồng/phiên thì đó là thời điểm chúng ta phải cẩn trọng đánh giá lại các yếu tố cơ bản, tâm lý và dòng tiền. Vì dòng tiền cũng có ngưỡng giới hạn, khi chạm đỉnh có thể dẫn đến điều chỉnh và rủi ro sử dụng margin quá mức sẽ xuất hiện”, ông Khoa nhấn mạnh.

Liên quan đến margin, Công ty Chứng khoán DSC khuyến nghị, sau nhịp tăng giá vừa qua, nhà đầu tư nên hạ dần margin ở các mã đã tăng nóng và tăng tỷ trọng tiền mặt để chờ đợi các cơ hội tiếp theo.

DSC đánh giá, thanh khoản tăng mạnh thể hiện tâm lý giao dịch tích cực của nhà đầu tư, chuyển từ “thận trọng” sang “săn tìm cơ hội”. VN-Index đã vượt thành công ngưỡng kháng cự dài hạn MA200, một trong những yếu tố “nền móng kỹ thuật” để thị trường tiếp đà hồi phục và thu hút dòng tiền đứng ngoài. Công ty này dự báo, VN-Index có 60% khả năng sẽ hướng lên vùng 1.150 - 1.200 điểm trong tháng 6/2023.

Tuy nhiên, thị trường vẫn có xác suất giảm không nhỏ, với 40% là đà tăng sẽ sớm kết thúc, chỉ số mất mốc hỗ trợ 1.090 điểm, lùi dần về ngưỡng hỗ trợ tiếp theo tại 1.050 điểm. Theo đó, nhà đầu tư cần làm quen với những con sóng “lăn tăn” hơn là kỳ vọng thị trường đang bước vào con sóng lớn.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục