Biến rác thải hữu cơ thành khí gas
Theo thông tin từ Tổng cục Môi trường, tại Việt Nam, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải ở đô thị khoảng 85%, ở khu vực nông thôn khoảng 40 - 50%. Hiện nay, phương pháp xử lý rác thải vẫn chủ yếu là chôn lấp, gây ảnh hưởng đến môi trường.
Gần đây, nhiều bãi chôn lấp rác ở Hà Nội, TP.HCM rơi vào tình trạng quá tải và bị người dân sống xung quanh phản ứng vì gây ô nhiễm.
Ô nhiễm môi trường từ rác thải đang ở mức báo động, ước tính mỗi năm có tới 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi và khoảng 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt từ khu vực nông thôn.
Do đó, cần có giải pháp thích hợp trong xử lý rác thải và chấm dứt việc chôn lấp rác thải. Đây là ý kiến của rất nhiều chuyên gia trong các buổi tọa đàm, hội thảo về bảo vệ môi trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển năng lượng sạch Sơn Hà (SHE) cho biết, tại các nước phát triển, rác thải hữu cơ là một nguồn tài nguyên, nếu con người quản lý và khai thác đúng cách sẽ tạo ra năng lượng và phân bón phục vụ nông nghiệp.
Trong khi đó, Việt Nam đang xử lý rác thải chủ yếu sử dụng công nghệ chôn lấp, không phân loại rác, dẫn đến thời gian phân hủy rác kéo dài vài chục năm, chất bẩn từ rác chôn lấp theo nước mưa ngấm xuống đất, đi vào nguồn nước ngầm, hoặc phát tán ra môi trường (sông, suối, kênh, mương, không khí…), gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, ảnh hưởng cuộc sống của người dân xung quanh bãi chôn lấp.
Các bãi chôn lấp rác thải là nguồn phát sinh ô nhiễm môi trường sống khổng lồ, có thể tồn tại vài chục năm, thậm chí cả trăm năm, hàng ngày đều đặn phát tán ô nhiễm ra môi trường xung quanh.
Việc sử dụng công nghệ chôn lấp rác trong thời gian dài đã tạo cho nhiều người một thói quen và lối suy nghĩ ăn sâu là các loại rác khác nhau (vô cơ, hữu cơ) bỏ tất cả vào túi bóng, cho vào thùng rác để công ty xử lý rác thu gom là xong, là bảo vệ môi trường.
Cách nghĩ như vậy chỉ đúng một phần và làm tăng chi phí, cũng như gây khó khăn cho việc xử lý triệt để rác thải, nhất là áp dụng công nghệ xử lý rác mới.
Với thực trạng rác thải ở Việt Nam ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu, đưa công nghệ xử lý rác thải hiện đại để biến rác thải hữu cơ thành năng lượng phục vụ tái sản xuất.
Trong đó, SHE đã phát triển sản phẩm biogas, xử lý rác thải hữu cơ hàng ngày của mỗi gia đình, tạo ra khí đốt phục vụ đun nấu và phân hữu cơ trồng cây.
Sản phẩm này đã được thị trường đón nhận tích cực, nhiều hộ dân và doanh nghiệp đã tìm đến sử dụng.
Sản phẩm biogas của SHE được làm bằng vật liệu composite kiên cố, sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại từ Watrec - doanh nghiệp tiên phong về công nghệ biogas trên thế giới.
Sản xuất biogas hoạt động theo một quy trình phù hợp với sinh thái, biến chất thải hữu cơ thành năng lượng, đồng thời trả lại vòng tuần hoàn tự nhiên những thành phần dinh dưỡng như nitơ, kali…
Công nghệ này đã được áp dụng phổ biến tại hầu hết các nước châu Âu (Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Anh, Pháp, Đức, Bỉ…) và nhiều nước khác như Nhật Bản, Mỹ, Canada...
“Mục tiêu của chúng tôi là xử lý rác thải tại nguồn, xử lý phân tán, đồng thời giúp thay đổi ý thức phân loại rác và cách nghĩ rác thải là nguồn tài nguyên, không phải thứ bỏ đi như hiện nay”, ông Tân chia sẻ.
Hiện tại, cả nước có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân hữu cơ, 300 lò đốt chất thải sinh hoạt quy mô nhỏ.Tại TP. HCM, mô hình đốt rác phát điện đã được Ủy ban nhân dân Thành phố chấp nhận chủ trương.
Theo đó, TP. HCM sẽ cấp phép ít nhất cho 3 đơn vị xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt rác phát điện, gồm Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty cổ phần Vietstar và Công ty Môi trường Tasco Củ Chi.
Công nghệ này sẽ mang lại nhiều lợi ích như thu hồi điện năng từ rác, một phần điện phục vụ cho nhà máy và phần còn lại hòa vào mạng lưới điện quốc gia, có thêm các sản phẩm tái chế như gạch không nung, vật liệu xây dựng...
Thay đổi nhận thức và thói quen của người tiêu dùng
Đánh giá về việc dùng sản phẩm biogas, biến rác thải thành năng lượng, chị Nguyễn Thị Thêm (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, sản phẩm rất hữu ích, vừa tận dụng được rác thải hữu cơ, vừa có gas để đun nấu, đồng thời tận dụng nước thải để tưới rau. Một số trường học đã sử dụng công nghệ này để tận dụng rác thải hữu cơ và tiết kiệm năng lượng trong nấu ăn.
Việc lắp đặt và sử dụng sản phẩm biến rác thải thành năng lượng đã thay đổi cách nghĩ và hành động trong phân loại rác hữu cơ của gia đình, đồng thời xin từ hàng xóm xung quanh để sử dụng cho sản phẩm home biogas hàng ngày.
Nhiều người quan tâm, ý thức hơn về rác thải khi sử dụng sản phẩm sẽ góp phần bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp triển khai sản phẩm ứng dụng công nghệ mới để biến rác thải thành năng lượng, những sản phẩm như biogas khi mới gia nhập gặp không ít khó khăn trong khâu đánh giá thị trường, thiết kế sản phẩm, thử nghiệm, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng, triển khai thử nghiệm hàng loạt…
Doanh nghiệp cần có thời gian để làm tốt công tác thị trường và tạo thói quen sử dụng sản phẩm với người tiêu dùng.
Rác thải sinh ra từ các hoạt động phục vụ cuộc sống con người và con người phải có trách nhiệm xử lý rác thải để bảo vệ môi trường sống của các thế hệ tiếp theo.
Ở các nước phát triển, bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên sống không khí, nước, đất đai…, xử lý rác thải đã được đưa vào nội dung sách giáo khoa từ mẫu giáo, cấp tiểu học và đào tạo liên tục đến đại học.
Ngoài mục đích sản xuất - kinh doanh, những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm biến rác thải thành năng lượng còn có mục đích về giáo dục, góp phần thay đổi nhận thức người dân theo cách chứng minh bằng thực tế rằng, rác thải là một nguồn tài nguyên, có thể khai thác và sử dụng.
Trong điều kiện các nguồn tài nguyên có sẵn đang dần cạn kiệt, dẫn đến việc gia tăng giá của hàng loạt nguyên liệu đầu vào (xăng dầu, điện...), công nghệ biến rác thải hữu cơ thành năng lượng (sản xuất điện, nâng cấp làm khí ga tự nhiên, hoặc để chạy xe...) không chỉ mang tới một giải pháp hữu hiệu, thân thiện môi trường trong vấn đề xử lý chất thải tại Việt Nam, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.