Biển miền Trung ngày càng… “chật chội”

(ĐTCK) Gần như những bãi biển đẹp nhất dọc dải đất miền Trung đã có những dự án bất động sản nghỉ dưỡng xí phần bởi những tên tuổi thuộc dạng… tai to mặt lớn. Không chỉ làm dịch vụ du lịch, các chủ đầu tư này còn có tham vọng biến bất động sản nghỉ dưỡng trở thành một phân khúc chủ lực trong chiến lược kinh doanh của mình.
Biển miền Trung ngày càng… “chật chội”

Những tên tuổi lớn

Trước FLC, dù Thanh Hóa vẫn có bãi biển Sầm Sơn, Linh Trường, nhưng đẳng cấp trên thị trường du lịch thì dường như vẫn ở dạng bình dân. Với FLC Samson quy mô 200 héc-ta có giá trị đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng, du lịch Thanh Hóa trở nên sôi động hơn hẳn. Hy vọng vào sự thay đổi tư duy du lịch theo mùa vụ của người Thanh Hóa lớn đến mức mà ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu trong một hội nghị du lịch gần đây rằng, bây giờ người dân Thanh Hóa ban ngày đi làm, tối về uống trà và bàn chuyện dự án của FLC!

Trên thực tế, FLC cũng đánh dấu sự hiện diện của mình ở một loạt dự án cao cấp khác như dự án Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp tại Quảng Bình với tổng giá trị lên đến 8500 tỷ đồng và một dự án tại Quy Nhơn, Bình Định có tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, nằm trên diện tích gần 300 héc-ta, ôm trọn địa danh Eo Gió, nơi được coi là có cảnh hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam.

"Cần tỉnh táo với sự tăng trưởng nóng của bất động sản nghỉ dưỡng như hiện nay. Cả chủ đầu tư lẫn khách mua cần kiên nhẫn. Dòng tiền chảy vào kênh này nên thuộc nhóm đầu tư dài hạn, thời gian thu hồi vốn 6-10 năm" - Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa.

Khi những địa danh như Đà Nẵng, Nha Trang… đã được định vị bởi những tên tuổi lớn với những đại công trình nghỉ dưỡng như Vingoup, SunGroup…, thì những mảnh đất còn hoang sơ tại Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Đình được nhiều người coi là đích đến mới cần khai phá.

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, chuyên gia tư vấn phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung cho rằng, việc các đại gia đổ vào khu vực miền Trung trong thời gian gần đây là điều dễ hiểu. Thậm chí, sắp tới miền Trung có thể sẽ còn “chật chội” hơn với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Những bờ biển trải dài còn hoang sơ ở miền Trung là điều hiếm quốc gia nào có được, nhưng trừ một số ít địa phương có quy hoạch bài bản, còn đa số vẫn khai phá, khai thác theo kiểu nghiệp dư, manh mún.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang bắt đầu thời kỳ phát triển bền vững hơn so với thời kỳ bất ổn do suy thoái kinh tế trước đó. Giai đoạn tới chính là cơ hội để các nhà đầu tư chạy đua với thời gian và ai chậm chân sẽ mất phần trên bản đồ du lịch nghỉ dưỡng.

Đồng quan điểm với ông Lịch, ông Giáp Văn Kiểm, Giám đốc Siêu thị dự án STDA miền Trung cho biết, với lợi thế về tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, thiên nhiên xanh, cảnh quan hoang sơ, cùng sự xuất hiện của nhiều sản phẩm bất động sản mới như: mua và cho thuê lại, sở hữu ngôi nhà thứ hai…, đã khiến thị trường bất động sản miền Trung trở thành tâm điểm mới của dòng tiền mong muốn đầu tư vào thị trường địa ốc.

Tại nhiều dự án, người mua chỉ phải nộp trước khoảng 30%, ngân hàng hỗ trợ 70% và chủ đầu tư cam kết thuê lại trong 10 - 12 năm với tỷ suất lợi nhuận từ 8 - 10%/năm. Sau 10 năm, người mua nhà vừa sở hữu biệt thự, vừa thu hồi phần lớn số vốn bỏ ra và điều này hấp dẫn nhiều người.

Theo ông Kiểm, nhu cầu đầu tư hiện tại không chỉ hướng tới phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp ven biển đắt tiền, ngay cả với các dự án đất nền ở miền Trung cũng đang thu hút nhiều sự quan tâm, có thể kể  đến những cái tên như Sentosa City, Vision City, Sky Han River,  Khu đô thị Ngân Câu - Ngân Giang, Khu đô thị Đại học Đông Á, Dự án Phố chợ Điện Ngọc, Khu đô thị Phước Lý… Các dự án này, về cơ bản chưa có hạ tầng, nhưng mức giá lại khá thấp, dao động từ 2 - 10 triệu đồng/m2 và khách hàng có thể sở hữu ngay sổ hồng trao tay, mà không phải chờ đợi lâu. Mục tiêu của các chủ dự án này là huy động vốn để hoàn thiện hạ tầng dự án rồi mới bán tiếp các giai đoạn sau với giá cao hơn. 

Có sợ bội cung?

Dọc ven biển miền Trung nóng trở lại với nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, từ cao cấp đến trung cấp được triển khai, góp phần vào sự phục hồi tích cực cho thị trường sau thời kỳ dài đóng băng và cũng khẳng định xu thế sẵn sàng đón cơ hội sau khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Thế nhưng, có những bài học cũ vẫn cần phải nhắc lại để bất động sản du lịch thực sự phát triển bền vững. Đã  từng có thời kỳ bất động sản nghỉ dưỡng ven biển “sốt xình xịch” từng ngày với hàng trăm dự án đăng ký triển khai, nhưng sau đó thì chỉ ít trong số đó được hoàn thiện, mà phần lớn dang dở, đắp chiếu và khiến cả dọc một bờ biển dài bị băm nát.

Nguyên nhân mấu chốt cho câu chuyện này là độ vênh giữa quy hoạch địa phương và quy hoạch tổng thể vùng cho sự phát triển đồng bộ bất động sản nghỉ dưỡng gắn liền với du lịch biển. Bản thân những khu resort, sân golf ven biển đáp ứng được vấn đề níu khách ở lại, nhưng hình thức chia lô của chính quyền nhiều địa phương đã khiến các bãi biển tự nhiên hoàn toàn bị các khu nghỉ này chiếm giữ, tạo cảm giác chật chội, thiếu tính kết dính.

Bản thân những dự án đất nền cũng chưa có sự đảm bảo sẽ trở thành một khu du lịch phức hợp hoàn chỉnh, có sự kết nối với các dự án khác để thay đổi cả một hệ tầng xã hội trong phát triển du lịch, ngoại trừ lời cam kết từ các mô hình trên giấy và cấp sổ hồng cho người mua nhà.

Với đặc thù của mình, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng luôn tiêu tốn một lượng vốn lớn, nên nếu chủ đầu tư phải “nương nhờ” chủ yếu từ dòng vốn đi vay, thì rủi ro sẽ không nhỏ trong trường hợp thanh khoản dự án có vấn đề. 

Chưa kể, một vấn đề nữa cũng được khá nhiều chuyên gia lo ngại là tình trạng “bong bóng” giá đang rình rập tái diễn trở lại. Giám đốc điều hành Công ty Alternaty, ông Rudolf Hever đánh giá, trong thời gian vừa qua, các hoạt động phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng triển khai khá sôi động.

Dường như thị trường đã vượt qua đáy và có nhiều lý do để kỳ vọng tình hình sẽ khởi sắc theo chu kỳ kinh doanh trong những năm tới. Tuy nhiên, về phía sức cầu, đối với khách mua ngôi nhà thứ hai và các nhà đầu tư, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy nhu cầu tăng lên rõ rệt.

Thận trọng hơn, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng, các đô thị biển của Việt Nam cần một thập niên để hoàn thiện hạ tầng dịch vụ, hạ tầng xã hội để thúc đẩy và biến tiềm năng của du lịch biển thành sự thật. Hiện nay, biệt thự biển chỉ thật sự hấp dẫn tại những vùng ven biển vị trí đẹp, có chiến lược phát triển đường cao tốc, sân bay, hình thành cơ chế đặc khu kinh tế...

"Cần tỉnh táo với sự tăng trưởng nóng của bất động sản nghỉ dưỡng như hiện nay. Cả chủ đầu tư lẫn khách mua cần kiên nhẫn. Dòng tiền chảy vào kênh này nên thuộc nhóm đầu tư dài hạn, thời gian thu hồi vốn 6-10 năm", ông Nghĩa khuyến cáo.


Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46
Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tham gia cuộc bình chọn Khu đô thị đáng sống 2015 (Báo đầu tư Bất động sản)

Việt Dương
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục