Biến động thị trường ngoại hối: Chỉ là vấn đề tâm lý

(ĐTCK) Tỷ giá đã dao động mạnh trong những ngày đầu tuần, nhưng cũng nhanh chóng hạ nhiệt…
Tỷ giá tuy có biến động những ngày qua, nhưng chưa có dấu hiệu căng thẳng. Các yếu tố vĩ mô của Việt Nam vẫn tốt, hỗ trợ cho cả tỷ giá và lãi suất. Tỷ giá tuy có biến động những ngày qua, nhưng chưa có dấu hiệu căng thẳng. Các yếu tố vĩ mô của Việt Nam vẫn tốt, hỗ trợ cho cả tỷ giá và lãi suất.

Ngày đầu tuần đi làm sau kỳ nghỉ lễ (3/2), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.201 đồng/USD (tăng 5 đồng/USD so với cuối tuần trước).

Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN mua vào ở mức 23.175 đồng/USD (không đổi) và bán ra ở mức 23.847 đồng/USD (tăng 5 đồng/USD so với cuối tuần trước).

Sang ngày 4/2, NHNN công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.206 đồng/USD (tăng 5 đồng so với ngày 3/2).

Với biên độ +/-3%, mức giá trần là 23.902 đồng/USD, giá sàn 22.510 đồng/USD. Tỷ giá mua - bán giao ngay là 23.175-23.852 đồng/USD.

Tuy nhiên, ngày 5/2, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm xuống 23.196 đồng/USD, giảm 10 đồng/USD so với tỷ giá ngày 4/2.

Với biên độ 3% được quy định, hiện tỷ giá các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.500-23.892 đồng/USD.

Tỷ giá mua - bán tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN cũng giảm 10 đồng/USD tại giá bán, ở mức 23.175-23.842 đồng/USD.

Nhận định về diễn biến này, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại tệ HSBC Việt Nam phân tích, tỷ giá USD/VND sau một thời gian dài bình ổn đã chứng kiến những biến động mạnh ngay trong những ngày sau nghỉ lễ.

Cặp tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng nếu như xuyên suốt tháng Giêng chỉ giao dịch quanh mức giá mua vào của NHNN là 23.175 đồng/USD, thì đã tăng nhanh, tiến gần đến mốc 23.260-23.280 đồng/USD, tăng 100 đồng/USD và là mức tăng mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây khi thị trường mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết.

Về phía NHNN, tỷ giá trung tâm cũng liên tục được đặt ở ngưỡng cao mới, vượt qua mốc 23.200 đồng/USD và ở mức cao nhất là 23.206 đồng/USD (ngày 4/2), tăng 0,24% từ mức thấp nhất năm là 23.150 đồng/USD.

Tuy nhiên, ông Khoa cho biết, tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt khi cặp tỷ giá bắt đầu giảm dần về mức 23.230-23.240 đồng/USD trên thị trường liên ngân hàng trong bối cảnh cán cân cung - cầu ngoại tệ cân bằng trở lại, cũng như tâm lý thị trường dần ổn định.

Việc tỷ giá biến động tương đối mạnh theo cả 2 chiều mua - bán sau quãng thời gian dài đi ngang là diễn biến tương đối mới trong năm nay.

Cũng theo ông Khoa, có 2 lý do chính có thể giải thích cho xu hướng tăng của tỷ giá lần này.

Thứ nhất, diễn biến chung trên thị trường tài chính thế giới tiếp tục biến động khó lường theo hướng tiêu cực.

Với ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp do virus Corona bùng phát, nhà đầu tư có xu hướng tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro và tìm đến các tài sản có tính trú ẩn an toàn.

Thị trường chứng khoán thế giới nói chung và châu Á nói riêng, trong đó bao gồm Việt Nam, đều giảm điểm mạnh.

Nhân dân tệ (CNY) vượt mốc 7.00 ngay sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, trong khi chỉ số USD-Index tăng 0,44% vào ngày 3/2 - mạnh nhất kể từ đầu năm.

Thứ hai, ngoài yếu tố thị trường, đà tăng của tỷ giá đến từ áp lực tâm lý quan ngại do những yếu tố vĩ mô không thuận lợi.

Chỉ số lạm phát gần trong những tháng vừa qua, đặc biệt trong tháng Giêng, tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2013.

Chỉ số lạm phát cơ bản cũng tăng nhanh ở mức 3,25% so với cùng kỳ năm trước và mức bình quân 2% của năm 2019. Trong khi đó, dịch Corona cũng đưa đến những lo ngại về việc sụt giảm doanh thu từ du lịch, thương mại và tiêu dùng.

“Sự sụt giảm doanh thu từ du lịch, vốn chiếm xấp xỉ 12% GDP 2019, sẽ dẫn đến khả năng thâm hụt thương mại cho Việt Nam.

Sự bùng nổ của du lịch Việt Nam với mức tăng doanh thu hàng năm xấp xỉ 30% từ năm 2015, mà phần lớn có đóng góp từ khách hàng Trung Quốc (chiếm trên 30% tổng số lượng khách du lịch), có thể bị chững lại trong năm nay. Nguồn thu ngoại tệ qua đó cũng có thể bị ảnh hưởng”, ông Khoa nói.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cũng đồng quan điểm, tỷ giá tăng những ngày qua theo diễn biễn dịch cúm Corona.

Ông Trung diễn giải, Việt Nam là nền kinh tế mở phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, trong khi đó, để sản suất sản phẩm xuất khẩu, Việt Nam phải nhập hàng từ Trung Quốc và rồi lại chủ yếu xuất khẩu sang thị trường này.

“Hai lần phụ thuộc vào Trung Quốc, nên có sự lo ngại việc Trung Quốc đóng cửa biên giới, xuất khẩu kém dẫn tới câu chuyện cung - cầu ngoại tệ mất cân bằng. Do đó, biến động những ngày qua chủ yếu do vấn đề tâm lý”, ông Trung nói.

Còn giám đốc kinh doanh tiền tệ một ngân hàng nước ngoài nhận định, 2 ngày đầu tuần, thị trường đã thể hiện tâm lý phòng thủ mạnh khi các thị trường trong khu vực và thế giới đều sụt giảm mạnh.

Một số ngân hàng có trạng thái âm đã nhanh chóng mua bù trạng thái nên nhu cầu có tăng nhẹ. Tuy nhiên, sang ngày 5/2, tâm lý đã tốt hơn và tỷ giá đã giảm nhanh trở lại.

“Nhìn chung, tỷ giá tuy có biến động những ngày qua, nhưng chưa có dấu hiệu căng thẳng. Các yếu tố vĩ mô của Việt Nam vẫn tốt hỗ trợ cho cả tỷ giá và lãi suất. Một ví dụ là mức lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm chỉ quanh mức 3%/năm”, vị giám đốc trên nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục