Biến “chiếc bánh” thành doanh thu - Kỳ 2: Ba yếu tố giúp doanh nghiệp "ăn" được miếng bánh to

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tầm quan trọng của một doanh nghiệp không chỉ nằm ở việc duy trì thị phần hiện tại, vì muốn tăng khả năng cạnh tranh và lợi nhuận thì doanh nghiệp phải tăng thị phần của mình, bằng cách “lấn át” thị phần của các đối thủ khác trong ngành.
Biến “chiếc bánh” thành doanh thu - Kỳ 2: Ba yếu tố giúp doanh nghiệp "ăn" được miếng bánh to

Một chiếc bánh thu hẹp hoặc mở rộng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành đó. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường và nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Yếu tố mà doanh nghiệp có thể cải thiện được đó là tìm cách để “gặm” được một miếng bánh to hơn trong ngành.

Mỗi miếng bánh đại diện cho một thị phần của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thị phần càng cao thể hiện lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp càng lớn.

Lợi thế này có thể đến từ việc tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng, hoặc chi phí sản xuất sản phẩm với giá thành thấp hơn... Hơn nữa, sau khi đạt được lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp cần phải biết cách duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Bởi vì, cuộc chiến giành thị phần giữa các doanh nghiệp luôn luôn là khốc liệt. Nếu một doanh nghiệp đang thống lĩnh thị trường và có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao thì doanh nghiệp sẽ luôn phải đối mặt với sự xuất hiện của nhiều đối thủ.

Tuy nhiên, tầm quan trọng của một doanh nghiệp không chỉ nằm ở việc duy trì thị phần hiện tại, vì muốn tăng khả năng cạnh tranh và lợi nhuận thì doanh nghiệp phải tăng thị phần của mình, bằng cách “lấn át” thị phần của các đối thủ khác trong ngành.

Vậy, những yếu tố nào giúp doanh nghiệp có thể “ăn” được một miếng bánh to hơn?

1. Đối thủ cạnh tranh yếu đi

Nếu chiếc bánh không thể to ra mà doanh nghiệp muốn tăng thị phần của mình nhằm tăng trưởng doanh thu, thì đó chính là khi các doanh nghiệp phải “ăn thịt” lẫn nhau. Trong giai đoạn thị trường khó khăn, doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu thường sẽ phải chia sẻ “miếng bánh” thị phần của mình cho các đối thủ có tiềm lực tài chính mạnh.

Thông thường có 5 yếu tố khiến cho doanh nghiệp bị yếu đi so với đối thủ (1) Yếu tố từ Chính phủ, (2) Yếu tố về lợi thế quy mô, (3) Yếu tố về bản quyền, (4) Yếu tố về tài sản, (5) Yếu tố về công nghệ.

Hình 1: Tốc độ tăng trưởng doanh thu VCS sau khi Mỹ áp thuế lên đá thạch anh của Trung Quốc. Nguồn: Wichart.vn

Hình 1: Tốc độ tăng trưởng doanh thu VCS sau khi Mỹ áp thuế lên đá thạch anh của Trung Quốc. Nguồn: Wichart.vn

Điển hình, trường hợp CTCP Vicostone (VCS), năm 2019, Mỹ đã chính thức áp thuế lên đến 300% đối với đá nhân tạo của Trung Quốc. Điều này đã khiến cho sản lượng đá thạch anh Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ về gần như bằng 0 (giảm hơn 91,3% so với năm 2018). Không ngoại lệ, VCS sẽ là cái tên đầu tiên tại Việt Nam hưởng lợi từ miếng bánh mà Trung Quốc để lại ở Mỹ. Bởi lẽ, VCS là nhà sản xuất đá thạch anh lớn nhất tại Việt Nam và top 3 nhà sản xuất đá thạch anh lớn nhất thế giới. Điều này đã giúp cho kết quả kinh doanh của VSC đạt mức tăng trưởng ấn tượng so với thời điểm trước đó.

Cụ thể, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VCS trong quý II/2019 tăng lần lượt 17,5% và 35,8% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù đây không phải là mức tăng trưởng quá ấn tượng so với mức thuế mà Mỹ đánh lên thị trường Trung Quốc, nhưng nó cho thấy VCS đã tận dụng được cơ hội bù đắp hụt cung từ Trung Quốc vào Mỹ.

2. Tăng công suất

Nếu một doanh nghiệp có dự án đang triển khai, dự án đó đến từ mở rộng nhà máy, nhà xưởng... Trong tương lai, dự án đó hoàn thành và đi vào hoạt động thì quy mô doanh nghiệp tăng lên. Với quy mô lớn, doanh nghiệp có thể sản xuất sản phẩm với chi phí thấp hơn so với đối thủ (lợi thế nhờ quy mô). Kết quả là doanh nghiệp có khả năng áp đặt về giá bán và giành thị phần từ những doanh nghiệp nhỏ. Từ đó, góp phần thúc đẩy doanh thu tăng trưởng trong tương lai.

Tuy nhiên, cần lưu ý, đối với những trường hợp đầu tư liên quan đến mở rộng nhà máy, nhà đầu tư không chỉ nhìn vào “dự án” của doanh nghiệp để đánh giá doanh nghiệp tạo ra doanh thu khổng lồ trong tương lai và ra quyết định đầu tư. Bởi yếu tố quan trọng nhất là cần phải xác định “dự án” đang ở giai đoạn nào, dự án có đang bị chậm tiến độ hay không...

Đặc biệt, nhà đầu tư cần quan tâm đến thời điểm nhà máy đi vào hoạt động thì hiệu suất hoạt động là bao nhiêu, sản lượng sản xuất có dư thừa so với nhu cầu tiêu thụ... Đơn cử, dự án “Vùng nuôi Bình Phú” của CTCP Nam Việt (ANV) bắt đầu khởi công từ 1/2019, và quý IV/2020 vùng nuôi hoàn thành. Mặc dù dự án hoàn thành đúng như kế hoạch đề ra, nhưng dường như dự án chẳng đem lại thành quả gì cho doanh nghiệp. Bởi vùng nuôi đi vào hoạt động đúng thời điểm của dịch bệnh khiến doanh nghiệp gặp khó trong khâu đầu ra.

Hình 2: Kết quả kinh doanh của ANV giai đoạn 2019-2022. Nguồn: Wichart.vn

Hình 2: Kết quả kinh doanh của ANV giai đoạn 2019-2022. Nguồn: Wichart.vn

Ngược lại, những dự án đi vào hoạt động đúng thời điểm thị trường thuận lợi sẽ giúp cho doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp bứt phá mạnh mẽ.

Nổi bật, tháng 1/2018, trước thông tin Trung Quốc sẽ ban hành chính sách mới lên ngành giấy, về giới hạn các tạp chất trong giấy tái chế (OCC) và chính sách buộc ngừng hoạt động nhà máy không đạt tiêu chuẩn môi trường. Tận dụng miếng bánh thị trường Trung Quốc để lại, hàng loạt doanh nghiệp nội địa đã nhanh chóng xây dựng và cho nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động.

Trong đó, CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) là doanh nghiệp tận dụng được lợi thế nhiều nhất, vì DHC khánh thành nhà máy rất sớm, với công suất sản xuất lên 280.000 tấn/năm (gấp 4,5 lần công suất cũ). Sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động quý III/2019, nhà máy đã hoạt động “full công suất”, cùng với giá bán giấy tăng mạnh đã giúp cho kết quả kinh doanh của DHC đạt mức ấn tượng.

Hình 3: Cơ cấu tài sản của DHC giai đoạn 2017-2021. Nguồn: Wichart.vn

Hình 3: Cơ cấu tài sản của DHC giai đoạn 2017-2021. Nguồn: Wichart.vn

3. Sản phẩm mới

Mỗi sản phẩm đều có một chu kỳ. Khi sản phẩm đó đi vào chu kỳ suy thoái, không còn bắt kịp nhu cầu thị trường, đó chính là lúc doanh nghiệp cần phát triển sản phẩm mới. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đưa các sản phẩm mới ra thị trường hoặc cải tiến các sản phẩm hiện có.

Nếu sản phẩm mới phù hợp với thị trường và được thị trường chấp nhận thì doanh nghiệp sẽ bán được nhiều sản phẩm. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp. Nhưng nếu sản phẩm mới thất bại, thì doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù, không phải cứ đổi mới là thành công nhưng nếu không đổi mới thì đối thủ khác sẽ đi trước mình và giành thị phần từ mình.

Hình 4: Cơ cấu doanh thu VJC giai đoạn 2013-2017. Nguồn: Wichart.vn

Hình 4: Cơ cấu doanh thu VJC giai đoạn 2013-2017. Nguồn: Wichart.vn

Ví dụ như CTCP Hàng không Vietjet (VJC), mô hình hãng máy bay năm 2011 đã làm thay đổi cục bộ thị trường ngành hàng không. Trong giai đoạn 4 năm 2011-2015, thị phần của hãng tăng nhanh từ 5% (năm 2011) lên mức 43% (năm 2017), trở thành hãng bay có thị phần nội địa dẫn đầu Việt Nam. Với thị phần tăng lên nhanh chóng đã giúp cho kết quả kinh doanh của VJC đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Trái lại, sự xuất hiện của VJC đã tạo ra sức ép cạnh tranh cho Vietnam Airlines, Vasco... Nổi bật, thị phần của Vietnam Airlines đã sụt giảm một cách đáng kể từ mức 69.3% (2012) xuống còn 41,9% (2017).

Hồ Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục