Bia Hà Nội và Bia Sài Gòn có dấu hiệu mất thị phần vào tay Heineken và Carlsberg

Thị trường bia tiếp tục tăng trưởng, nhưng thị phần của hai thương hiệu truyền thống là Bia Sài Gòn và Bia Hà Nội đang có dấu hiệu giảm.
Bia Hà Nội và Bia Sài Gòn có dấu hiệu mất thị phần vào tay Heineken và Carlsberg

4 ông lớn nắm gần 90% thị phần

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), đến năm 2015, cả nước có 129 cơ sở sản xuất bia, giảm 12 cơ sở so với năm 2010. Bù lại, quy mô các doanh nghiệp có công suất lớn từ 50 triệu lít đến 100 triệu lít/năm ngày càng tăng. Hiện năng lực sản xuất của toàn ngành bia đã đạt 4,8 tỷ lít với thiết bị hiện đại, tự động hoá cao.

Cũng theo ước tính của VBA, năm 2015, sản lượng bia cả nước đạt 3,4 tỷ lít, tuy nhiên bánh ngon không chia đều cho tất cả.

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về sản lượng bia với 1,38 tỷ lít. Tiếp đó là các sản phẩm thuộc thương hiệu Heineken với 729 triệu lít. Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) ở vị trí thứ 3 với 667,8 triệu lít và thương hiệu Carlsberg với 229 triệu lít.

Như vậy, chỉ riêng 4 doanh nghiệp sản xuất bia lớn là Sabeco, Heineken, Habeco và Carlsberg đã chiếm 88,4% thị phần trong ngành bia.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho hay, tốc độ tăng trưởng của ngành bia năm 2015 so với năm 2014 đạt 4,7%, tuy vẫn tăng nhưng đã thấp hơn so với những năm trước đó. Điều này chứng tỏ thị trường đã có sự bão hoà nhất định.

Bởi vậy, dự báo được đưa ra cho thị trường bia trong 10 năm tới sẽ ổn định quanh mức 5 tỷ lít. Xu hướng tiêu dùng bia cũng được VBA nhận định sẽ tiếp tục tập trung ở các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã tốt hơn, mà cụ thể là bia chai và bia lon sẽ thay thế dần các loại bia hơi.

Ngoài ra bia tươi, đang chiếm khoảng 1% thị phần, xuất hiện theo hình thức các chuỗi nhà hàng hoặc bán lẻ cũng được dự báo sẽ phát triển tốt thời gian tới.

Bia ngoại lấn sân

Năm 2015, Sabeco dù đạt sản lượng 1,38 tỷ lít bia, nhưng giới chuyên môn cho là gần như không có tăng trưởng. Trong khi đó, Heineken đã lần đầu tiên vượt qua Habeco để vươn lên vị trí thứ 2 về sản lượng trong ngành bia.

Nhìn nhận về thực tế này, ông Phan Đăng Tuất, người vừa rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Sabeco cách đây 4 tháng cho hay, cuộc cạnh tranh trong ngành bia đang trở nên khốc liệt và giành giật từng điểm bán hàng, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Ngay cả ở những địa phương nhỏ như Hải Dương sự cạnh tranh cũng rất gay gắt.

"4 doanh nghiệp sản xuất bia lớn là Sabeco, Heineken, Habeco và Carlsberg đã chiếm 88,4% thị phần trong ngành bia. Trong đó, Sabeco tiếp tục dẫn đầu với sản lượng đạt 1,38 tỷ lít bia, tuy nhiên giới chuyên môn cho là gần như không có tăng trưởng; mặt khác,  Heineken đã lần đầu tiên vượt qua Habeco để vươn lên vị trí thứ 2."

Những người trong ngành vẫn nhớ việc ông Tuất mời được một chuyên gia giỏi làm thị trường của Heineken sang đầu quân cho Sabeco, với mục tiêu giành lại khoảng 800 điểm bán hàng có trưng biển ở khu vực thành phố. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai và đạt được một số kết quả, mọi việc dường như lại về vạch xuất phát, bởi những khó khăn vô hình về cơ chế và vị chuyên gia này quay trở lại Heineken.

“Ở công ty nước ngoài, chuyên gia như vậy có thể lĩnh lương 4.000-5.000 USD/tháng, về Sabeco chỉ có thể trả khoảng 40 đến 50 triệu đồng/tháng. Nhưng quan trọng hơn là công ty nước ngoài rất quyết liệt làm thị trường và làm nhanh chóng, còn công ty trong nước bị nhiều điểm bó, khó khăn hơn nên triển khai cũng lâu hơn”, ông Tuất nói.

Xây dựng đội ngũ bán hàng giỏi cũng là mục tiêu được bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Habeco - nơi đang đảm nhiệm tiêu thụ toàn bộ bia chai, bia lon và nước giải khát của công ty mẹ Habeco, đặc biệt nhấn mạnh khi nói về thách thức trên thị trường bia năm 2016.

“Chỉ cần 1 tháng bán hàng chậm là tăng tồn kho, có thể dẫn tới ngừng sản xuất với một số nhà máy”, bà Nga nói. Do vậy, doanh nghiệp phải rất sát sao với thị trường và luôn nắm bắt được biến động để có các chính sách phù hợp thì mới bán được hàng.

Ngoài những đối thủ ngoại đã có mặt ở Việt Nam từ rất lâu và am hiểu thị trường như Heineken hay Carlsberg, thị trường bia nội cũng đang chứng kiến sự nổi lên mạnh mẽ của Sapporo (Nhật), AB-Inbev (Mỹ) và mới nhất là Shingha (Thái Lan) thông qua nắm giữ 25% cổ phần tại Masan Consumer Holdings - nhà đầu tư nhà máy bia Masan Brewery HG tại Hậu Giang, công suất 100 triệu lít/năm.

Sau khi trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, Sapporo đã thay đổi nhận diện bao bì sản phẩm và đang mở rộng mạng lưới phân phối theo phong cách chắc chắn, chu đáo và được tin cậy của người Nhật.

Còn AB-InBev, vào tháng 5/2015 cũng đã khánh thành nhà máy bia 50 triệu lít/năm tại Bình Dương. Theo kế hoạch của AB-InBev, công suất nhà máy tại Việt Nam sẽ tăng lên 100 triệu lít/năm trong thời gian tới và sản phẩm sẽ chủ yếu phục vụ cho thị trường Việt Nam.

Sự thâm nhập ngày càng mạnh mẽ của các tập đoàn bia lớn trên thế giới khiến cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, phần thắng chỉ đến với những thương hiệu có sản phẩm, dịch vụ tốt và đội ngũ bán hàng giỏi.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục