
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng yếu kém
Cuối năm 2024 và đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có quyết định chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém là CB, OceanBank, GPBank và DongA Bank cho Vietcombank, MB, VPBank và HDBank.
Riêng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), NHNN cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở phương án cơ cấu lại SCB do nhà đầu tư xây dựng, cơ quan này đã dự thảo Tờ trình báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị về phương án cơ cấu lại SCB. Hiện, NHNN đang tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, cơ quan đối với dự thảo nêu trên.
Việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đã có bước tiến lớn, song NHNN thừa nhận, tiến độ cơ cấu lại đối với một số tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các tập đoàn/tổng công ty nhà nước còn chậm, do phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của các tập đoàn/tổng công ty này.
NHNN cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD quyết liệt thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (Đề án 689). Đồng thời, sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát an toàn hoạt động TCTD, tập trung vào thanh tra vốn, tình hình sở hữu cổ phần, cho vay, đầu tư và góp vốn. Trong trường hợp phát hiện rủi ro hoặc vi phạm, NHNN sẽ chỉ đạo TCTD xử lý nhằm ngăn ngừa tác động tiêu cực đến hệ thống.
Cần tiền tươi, minh bạch và loại bỏ sở hữu chéo
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính - ngân hàng, quy định hiện hành cho phép không hợp nhất báo cáo tài chính và loại trừ ngân hàng được chuyển giao trong tính toán hệ số an toàn vốn (CAR) của bên nhận chuyển giao là không phù hợp với các nguyên tắc kế toán và thông lệ quốc tế, làm méo mó báo cáo tài chính của ngân hàng nhận chuyển giao.
Để việc tái cơ cấu ngân hàng thông qua phương án chuyển giao có hiệu quả, vốn chủ sở hữu của ngân hàng được tái cơ cấu phải đảm bảo 3.000 tỷ đồng và ngân hàng mẹ phải bảo lãnh tiền khách hàng gửi từ ngân hàng con.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính – ngân hàng
Tuy nhiên, đây là việc chưa có tiền lệ trong hoạt động ngân hàng Việt Nam, nên cần có những quy định khác biệt với thông lệ quốc tế. Bởi nếu hợp nhất báo cáo tài chính thì chỉ số CAR sẽ không được thể hiện chính xác tình hình sức khỏe tài chính của cả hệ thống ngân hàng nhận chuyển giao và điều này có thể tác động đến lòng tin cổ đông, khách hàng gửi tiền.
Theo ông Hiếu, để việc tái cơ cấu ngân hàng thông qua phương án chuyển giao có hiệu quả, vốn chủ sở hữu của ngân hàng được tái cơ cấu phải đảm bảo 3.000 tỷ đồng và ngân hàng mẹ phải bảo lãnh tiền khách hàng gửi tại ngân hàng con. Đồng thời, các ngân hàng cần có thông tin minh bạch hơn về sức khỏe tài chính của mình, đặc biệt những ngân hàng chuyển giao.
Đồng quan điểm, theo TS. Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Chính sách Công, Đại học Fulbright Việt Nam, cần có sự minh bạch trong hệ thống ngân hàng. Hiện nay, tất cả ngân hàng thương mại cổ phần nếu không niêm yết thì phải công bố báo cáo tài chính định kỳ. Tuy nhiên, có nhiều ngân hàng yếu kém không công bố báo cáo tài chính.
Nói về nguyên nhân khiến một số ngân hàng cổ phần rơi vào tình trạng yếu kém, ông Thành cho rằng, đó là do bị thao túng bởi một nhóm cổ đông nắm tỷ lệ chi phối thông qua cấu trúc sở hữu chéo. Cơ cấu sở hữu chéo giúp vô hiệu hóa các quy định về đảm bảo hoạt động an toàn, dẫn đến cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và dự án sân sau trong “hệ sinh thái” không có hiệu quả, phát sinh nợ xấu.
“Tính từ năm 2010, hệ thống ngân hàng có sự tăng trưởng bùng nổ, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng từ 10 - 15 lần trong 15 năm. Việc này tạo ra thách thức đối với việc quản lý nhưng đồng thời cũng là cơ hội, cơ sở để chúng ta tái cấu trúc ngân hàng”, ông Thành nói và cho hay, giai đoạn từ năm 2011 đến nay đã chứng kiến nhiều hình thức tái cơ cấu ngân hàng yếu kém như sáp nhập, hợp nhất, chuyển giao bắt buộc, nhưng không phải trường hợp nào cũng thành công. Trường hợp điển hình là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đầu tư vào SCB hay Thiên Thanh vào Ngân hàng Xây dựng đã sử dụng vốn ngân hàng để nuôi doanh nghiệp sân sau, gây rủi ro hệ thống. Tuy nhiên, cũng một số ngân hàng tái cơ cấu thành công như TPBank nhờ có dòng vốn thực từ nhà đầu tư mới.
Từ đó, ông Thành cho rằng, việc tái cấu trúc thành công phụ thuộc vào nguồn lực tài chính thực và thay đổi cấu trúc sở hữu chéo. NHNN được kỳ vọng đóng vai trò “người cho vay cuối cùng” để đảm bảo thanh khoản và ngăn chặn rủi ro đổ vỡ mang tính hệ thống, đồng thời tăng cường hệ thống thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện hành vi sai phạm cả trong lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán (tức là trên cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn).
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, vấn đề lợi ích nhóm là tác động lớn nhất đến ngân hàng yếu kém, nhất là nhóm lợi ích bất động sản. Hầu hết các vụ đại án liên quan đến ngân hàng đều bắt nguồn từ mối quan hệ với các ông chủ bất động sản và cổ đông ngân hàng.
Về phía cơ quan quản lý, NHNN cho biết, những năm qua đã liên tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý cổ đông ngân hàng sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, nhất là khi các cổ đông và người có liên quan cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách luật. Điều này gây rủi ro làm suy giảm tính minh bạch, công khai trong hoạt động ngân hàng và chỉ có thể được phát hiện thông qua điều tra, xác minh từ cơ quan chức năng.
Ngoài ra, việc xác định mối liên quan giữa các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, nhất là với các công ty không đại chúng - nơi thông tin sở hữu không rõ ràng hoặc khó xác minh. Thêm vào đó, việc sở hữu chéo có thể liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ, ngành, trong đó hiện nay còn tồn tại tình trạng cổ đông sở hữu cổ phần tại một ngân hàng vượt giới hạn là doanh nghiệp nhà nước, việc yêu cầu các cổ đông này thực hiện thoái vốn gặp khó khăn.