Bi hài các loại “kính chuyển” trong trả lời câu hỏi của DN

Khi gặp vướng mắc, DN gửi công văn đến cơ quan quản lý thuế trực tiếp, nhưng thay vì trả lời, cơ quan này lại “đá bóng” lên cục thuế, cục hải quan. Đến lượt mình, thay vì trả lời, cục thuế, cục hải quan lại “kính chuyển” Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan để xử lý.
Bi hài các loại “kính chuyển” trong trả lời câu hỏi của DN

Trên đây là một trong các câu chuyện trong một loạt cuộc đối thoại thường niên giữa ngành tài chính, thuế, hải quan với cộng đồng doanh nghiệp (DN), sẽ diễn ra liên tục từ nay tới cuối tháng 10.

Cũng như mọi năm, nhiều vướng mắc cụ thể đã được lãnh đạo Bộ Tài chính xử lý ngay tại cuộc đối thoại. Thậm chí, cả những nội dung đã quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn, cũng được giải đáp thỏa đáng, như văn bản nào quy định Danh mục Hàng hóa trong nước chưa sản xuất được? Đầu tư vào khu chế xuất có lợi gì? Cách xác định ưu đãi đầu tư?...

Đa phần trong số 250 doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam đã khá hài lòng với buổi đối thoại trực tiếp vào cuối tuần qua về các chính sách liên quan đến thuế và hải quan. 

Rất dễ nhận thấy sự hài lòng của cộng đồng DN trước tinh thần cầu thị, lắng nghe, đặc biệt là cách thức xử lý vướng mắc “ngay và luôn” tại các cuộc đối thoại của lãnh đạo Bộ Tài chính. Song các cuộc đối thoại này cũng cho thấy, cách thức xử lý công việc của cơ quan thuế, hải quan địa phương chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn, nên khi có dịp tiếp xúc với lãnh đạo Bộ Tài chính, DN thường hỏi rất nhiều vấn đề cụ thể mà họ gặp phải, cho dù những nội dung này đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật và cả công văn hướng dẫn. Vì sao vậy?        

Nguyên do là, khi gặp vướng mắc, DN gửi công văn đến cơ quan quản lý thuế trực tiếp, nhưng thay vì trả lời, cơ quan này lại “đá bóng” lên cục thuế, cục hải quan. Đến lượt mình, thay vì trả lời, cục thuế, cục hải quan lại “kính chuyển” Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan để xử lý.

Sau nhiều tháng chờ đợi, cuối cùng, nhiều DN nhận được công văn trả lời theo kiểu: “Căn cứ Luật A, Nghị định B, Thông tư C…, đề nghị DN nghiên cứu và thực hiện theo đúng văn bản pháp luật”.

Do mất quá nhiều thời gian chờ đợi và trước kiểu trả lời “có cũng như không” của cơ quan chức năng, DN “cả tây lẫn ta” đã buộc phải lựa chọn phương án hỏi thẳng lãnh đạo Bộ Tài chính mỗi khi có dịp dù việc này tốn không ít thời gian, công sức và tiền bạc, đặc biệt là với những đơn vị không đóng tại Hà Nội hoặc TP.HCM. Đây cũng là lý do giải thích vì sao, từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 10 hàng năm, cộng đồng DN lại ngóng chờ các cuộc đối thoại thường niên với lãnh đạo Bộ Tài chính.

Trước thực tế như vậy, để các cuộc đối thoại đạt hiệu quả cao, giảm bớt thời gian, chi phí, công sức của DN cũng như lãnh đạo ngành tài chính, thuế, hải quan, đã đến lúc, Bộ Tài chính phải có “kỷ luật sắt” với cơ quan thuế, hải quan trong việc trả lời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN liên quan đến những vấn đề đã được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật và công văn hướng dẫn.

Qua đó, hàng loạt vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách thuế, hải quan rất cần được tháo gỡ, như đẩy nhanh ký kết các hiệp định thương mại; đưa các khoản chi phúc lợi cho người lao động vào chi phí hợp lý; thực hiện ưu đãi đối với dự án mở rộng đầu tư, dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất trước ngày 1/4/2014… sẽ được Bộ Tài chính và cộng đồng DN chia sẻ, giải quyết nhanh gọn trong các cuộc đối thoại tới, thay vì cách trả lời chung chung, vòng vo như trước.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục