Thưa ông, đối tượng áp dụng Dự thảo Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước tại DN vừa trình Quốc hội chỉ có công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Có nghĩa là, Nhà nước không quản lý phần vốn tại DN mà Nhà nước góp vốn hoặc có cổ phần?
Hiểu như thế là chưa hết tinh thần của luật. Luật này quản lý vốn nhà nước tại tất cả DN, chứ không riêng công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hay tại DN Nhà nước giữ cổ phần chi phối, mà tại tất cả những DN Nhà nước giữ cổ phần không chi phối, thậm chí chỉ nắm 5 - 10% vốn điều lệ thông qua người đại diện phần vốn tại DN.
Tất nhiên, ở mỗi loại DN có cách quản lý khác nhau, như quản lý toàn diện đối với DN mà Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ với tư cách là chủ sở hữu thông qua việc bổ nhiệm hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban lãnh đạo, ban kiểm soát; hoặc quản lý với tư cách là cổ đông có quyền chi phối hoặc cổ đông thường và bình đẳng như các cổ đông khác, tuỳ theo mức độ sở hữu vốn điều lệ thông qua người đại diện phần vốn nhà nước tại DN.
Những gì đã xảy ra tại Vinalines, Vinashin và tại một số DN khác cho thấy, việc quản lý vốn rất lỏng lẻo có nguyên nhân là ban kiểm soát tại DN nhiều khi lại là công cụ, “tai mắt” của ban lãnh đạo DN, thưa ông?
Chính vì vậy, cần phải luật hoá việc quản lý vốn nhà nước. Vai trò của ban kiểm soát DN vô cùng quan trọng, nhưng đúng là trước đây, tại một số DN, ban kiểm soát không làm hết chức năng, thậm chí còn làm sai chức năng, nhiệm vụ, nên đã xảy ra một số vụ việt thất thoát, lãng phí, đầu tư không hiệu quả, đầu tư vượt thẩm quyền. Tuy nhiên, vấn đề này đang được khắc phục dần, theo hướng ban kiểm soát không bị hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban lãnh đạo chi phối, bởi thành viên ban kiểm soát không phải là “người của DN”.
Chẳng hạn, tại Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản có 3 kiểm soát viên, thì một người do Bộ Tài chính cử xuống, còn 2 người khác do Bộ Công thương điều về. Như vậy, họ hoàn toàn độc lập với hội đồng thành viên và ban lãnh đạo trong việc giám sát phần vốn nhà nước tại Tập đoàn.
Nhưng liệu có xảy ra tình trạng ban kiểm soát can thiệp quá sâu vào hoạt động, gây khó khăn trong việc chủ động đầu tư, mua bán tài sản, mở rộng hoạt động sản xuất -kinh doanh?
Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước tại DN phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban lãnh đạo và ban kiểm soát để không chồng lấn chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn trên tinh thần của Luật Doanh nghiệp là DN được kinh doanh tất cả những gì mà pháp luật không cấm; DN nhà nước chỉ được đầu tư, kinh doanh những gì mà chủ sở hữu cho phép. Còn ban kiểm soát chỉ thực hiện kiểm soát tất cả những quy định của Nhà nước mà DN phải có trách nhiệm, nghĩa vụ tuân thủ.
Ông có cho rằng, nếu Nhà nước quản lý quá chặt phần vốn của mình sẽ gây khó khăn cho những DN mà Nhà nước chỉ là cổ đông, đặc biệt là tại những DN mà cổ đông Nhà nước chỉ nắm giữ 5 - 10% vốn điều lệ?
Như tôi đã nói, tinh thần của Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước tại DN là Nhà nước quản lý toàn bộ phần vốn của mình bỏ ra để tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đối với DN mà Nhà nước chỉ là cổ đông, thì quản lý thông qua người đại diện. Còn quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của người đại diện thế nào phải tuân theo điều lệ của từng DN và quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đại diện với chủ sở hữu. Vấn đề này cần phải được quy định cụ thể tại các văn bản dưới luật để người đại diện không cản trở, làm mất cơ hội đầu tư, mở rộng hoạt động của DN, đồng thời phải bảo toàn và phát triển phần vốn mà Nhà nước đã đầu tư.
Vấn đề này sẽ được Quốc hội thảo luận kỹ hơn. Nhưng theo tôi, về nguyên tắc, phải luật hoá trách nhiệm của người đại diện trong việc xin ý kiến chủ sở hữu khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định về ngành nghề kinh doanh, mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược, kế hoạch sản xuất - kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển; ban hành, sửa đổi, bổ sung điều lệ; tăng/giảm vốn điều lệ; đề cử để bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm đối với thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban lãnh đạo DN; phân phối lợi nhuận và trích lập, sử dụng các quỹ, chia cổ tức hàng năm; tổ chức lại, giải thể, phá sản...