Chiều nay, các luật sư tham gia phần xét hỏi xoay quanh việc PVN góp vốn vào Oceanbank vượt quá tỷ lệ quy định 15%.
Trả lời luật sư Phan Trung Hoài, bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục khẳng định không biết Nghị quyết góp vốn đợt ba góp 100 tỷ đồng ngày 16/5/2011, nâng tổng vốn góp của PVN tại Oceanbank lên 800 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ nắm giữ 20% vốn.
Bị cáo Đinh La Thăng khai nhận, không ký, không biểu quyết. Bị cáo đi công tác và ủy quyền điều hành cho Nguyễn Xuân Thắng (nguyên Thành viên HĐTV PVN).
“Khi về, bị cáo không được anh Thắng báo cáo. Nếu biết bị cáo đã cho dừng lại. Nhưng bị cáo nhận trách nhiệm là người đứng đầu và người ủy quyền, nhận trách nhiệm thay cho anh Thắng, anh Đức. Nghị quyết chưa phù hợp với pháp luật nên bị cáo nhận trách nhiệm”, bị cáo Thăng khai nhận.
Cựu Chủ tịch HĐQT PVN cũng khai nhận, theo Luật các tổ chức tín dụng 2010, NHNN có hướng dẫn triển khai thực hiện việc thoái vốn. Với lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, việc giảm tỷ lệ sở hữu phải có hướng dẫn. Với PVN, việc thoái vốn phải có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Nếu có chủ trương thoái vốn từ năm 2014 thì không có sự việc xảy ra.
“Việc thoái vốn phải có lộ trình trong hướng dẫn, không phải thích cho thì cho, thích rút thì rút, đảm bảo không ảnh hưởng quyền lợi cổ đông khác”, bị cáo Thăng khai nhận và cho rằng đến tháng 6/2015, NHNN có thông tư hướng dẫn thoái vốn đối với các đơn vị sở hữu vượt 15% tại các tổ chức tín dụng.
Bị cáo Thăng khai nhận, tại cuộc họp tái cấu trúc PVN hồi tháng 3/2011, HĐQT thống nhất ra nghị quyết nội dung chuyển nhượng bớt tỷ lệ vốn tại Oceanbank. Đến tháng 8/2011, bị cáo chuyển công tác. Khi vụ án bị khởi tố, bị cáo biết thông tin Oceanbank có văn bản đề nghị PVN thoái vốn. PVN tìm đối tác là một doanh nghiệp Singapore và doanh nghiệp trong nước nhưng việc thoái vốn không triển khai.
Nói về biên bản thỏa thuận giữa Hà Văn Thắm và Đinh La Thăng, bà Phan Thị Hòa, nguyên Thành viên HĐTV PVN cho biết, PVN chủ trương đi tìm các ngân hàng khác để giải quyết tồn tại của Ngân hàng Hồng Việt. Với riêng Oceanbank, HĐTV không được biết việc thỏa thuận. Biên bản thỏa thuận nếu không có tính pháp lý phải ghi là biên bản ghi nhớ. Chính vì ghi là bản thỏa thuận tức là có sự ràng buộc giữa các bên.
“Với các ngân hàng khác, chúng tôi có biên bản làm việc, biên bản thỏa thuận đều có sự tham gia của HĐQT, HĐTV. Nếu muốn đầu tư phải có báo cáo, HĐQT thông qua báo cáo rồi mới ban hành Nghị quyết góp vốn. Còn nếu để góp vốn phải có nghị quyết chuyển tiền góp vốn.
Trong lần góp vốn thứ nhất có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ cho phép mua nhưng trách nhiệm của người quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa làm tròn, vì chưa có báo cáo chính thức đánh giá tình hình tài chính của Oceanbank”, bà Hòa nói thêm.
Trả lời luật sư, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc PVN cho rằng, các văn bản pháp luật có những quy định khác biệt. Nếu Luật Các tổ chức tín dụng không cho phép đơn vị sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ tại các tổ chức tín dụng thì các luật khác lại có quy định khác. Nếu ngân hàng tăng vốn, PVN không chấp thuận thì PVN phải đấu giá công khai.
Bị cáo cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng cần phải có nghị định hướng dẫn mới thực hiện.
“Theo tư duy của chúng tôi, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép PVN góp vốn 20% vào Oceanbank; khi chưa xin phép Thủ tướng thì tuyệt nhiên không được giảm. Nếu giảm sẽ làm ảnh hưởng quyền lợi của nhà nước”, bị cáo Sơn khai.