Trong quá trình góp vốn vào Oceanbank, ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Phó tổng giám đốc PVN đã hai lần có báo cáo về tình hình hoạt động của Oceanbank.
Theo các báo cáo này, “nhìn tổng thể đến 31/3/2008, Ngân hàng TMCP Đại Dương là ngân hàng có quy mô nhỏ, khả năng thanh khoản thấp;…trong bối cảnh kinh tế hiện tại, Oceanbank đứng trước khó khăn trong vấn đề huy động vốn với lãi suất hợp lý để cân đối với nguồn sử dụng…Ngân hàng TMCP Đại Dương thuộc nhóm TCTD có xếp hạng trung bình khá trong số các ngân hàng thương mại cổ phần”.
“Tính thanh khoản của Ngân hàng hiện nay kém và rất nhạy cảm với bất cứ một biến động nào của thị trường…”.
Theo bị cáo Đinh La Thăng, dù OceanBank có quy mô nhỏ nhưng khi tăng vốn lên thì quy mô hoạt động tăng lên, tính thanh khoản tăng lên... Thực tế, PVN đầu tư vào OceanBank đem lại hiệu quả rất lớn. Năm 2009, PVN được chia cổ tức trên 10%, 2010 đến 16%...
Được biết, tổng số tiền được chia cổ tức là hơn 240 tỷ đồng.
“Khoản đầu tư của PVN vào OceanBank rất hiệu quả”- bị cáo Đinh La Thăng nói.
Theo lý giải của bị cáo Thăng, OceanBank là ngân hàng có chất lượng tín dụng trung bình khá. Việc PVN góp vốn vào ngân hàng không phải là chủ động đầu tư. Do Chính phủ chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, PVN phải gương mẫu xin dừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Để giải quyết hậu quả đó phải xin góp vốn vào các ngân hàng khác.
Bị cáo Đinh La Thăng trong phiên xử ngày 19/3.
Ông Thăng so sánh việc góp vốn với Oceanbank, giống như việc PVN gả một cô gái xinh đẹp cho một chàng trai khác, nhưng đây lại là cô gái có chồng rồi.
“Có chồng rồi thì tiêu chuẩn để gả phải khác”- ông Thăng nói và cho rằng: “Nếu là Ngân hàng Ngoại thương hay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thì người ta chả cho”, nên phải tính toán khả năng phát triển của OceanBank.
Ông Thăng cho biết, OceanBank phải chấp nhận mấy chục con người, toàn là lãnh đạo cả.
“Anh Sơn hay các anh khác đều là Tổng giám đốc các đơn vị khác rồi, nếu không thành lập ngân hàng nữa thì bố trí các anh ở đâu? Rồi bao nhiêu tiền đầu tư vào phần mềm, xây dựng cơ sở vật chất... Trong bối cảnh của 2008 như vậy chứ không phải là diễn ra bình thường”, ông Thăng nói.
Bị cáo Đinh La Thăng khai, việc góp vốn có cơ sở, từ chủ trương xây dựng thí điểm thành lập các Tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành, PVN được thành lập ngân hàng với trên 50% vốn điều lệ. Nhưng để đi đầu trong việc thực hiện chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, PVN đã dừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt, vì vậy PVN đã lựa chọn OceanBank để góp vốn.
Hội đồng xét xử đã thẩm vấn bà Phan Thị Hòa, thành viên HĐQT/HĐTV PVN từ năm 2008-2011. Bà Hòa cho biết, từ 1/7/2010, thực hiện theo Luật Doanh nghiệp nên PVN, một DNNN được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV. HĐQT đổi thành HĐTV. Đến ngày 31/10/2010 bà Hòa nghỉ hưu.
Theo bà Hòa, lần đầu góp vốn 400 tỷ đồng, bà Hòa có tham gia ý kiến. Đánh giá hiệu quả đợt góp vốn lần đầu thì chỉ có báo cáo sơ bộ tại 30/6/2008 do Ban Tổng giám đốc trình. Khi đó, trên đầu báo cáo có ghi vì số liệu chưa đầy đủ nên báo cáo này chỉ mang tính chất tham khảo. Nên tôi có ý kiến chủ trương đồng ý điều 2 yêu cầu ban Tổng giám đốc báo cáo tình hình tài chính tại thời điểm 30/9/2008. Với tư cách Trưởng ban kiểm soát PVN tôi có văn bản yêu cầu báo cáo cụ thể các chỉ tiêu.
Trước khi góp vốn tăng vốn lần 2, HĐQT có đánh giá trên báo cáo của người đại diện phần vốn BCTC được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập. Các BCTC thể hiện các chỉ tiêu tài chính theo quy định của NHNN đều đảm bảo, nợ xấu dưới 3%, có lợi nhuận.