Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo quý IV - Bộ Tư pháp diễn ra vào ngày 31/12.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, đối với vụ án tham ô xảy ra tại Vinalines, theo bản án đã có hiệu lực, Dương Chí Dũng phải nộp với số tiền án phí là 281 triệu đồng và liên đới bồi thường số tiền 110 tỷ đồng. Đến nay, bị án Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines) đã tự nguyện nộp 5,2 tỷ đồng.
Ông Sơn cũng cho hay, còn trường hợp bị án Phạm Thanh Bình (cựu chủ tịch Vinashin) đã thi hành xong án phí và bồi thường 1,73 tỷ đồng. Hiện cơ quan thi hành án đang tiếp tục xác minh kỹ kể cả phối hợp thông tin ở nước ngoài cũng đề nghị xử lý.
Dương Chí Dũng tại tòa.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự nhận định, quá trình tổ chức thi hành án gặp nhiều khó khăn. Qua 2 vụ việc cũng không thể khái quát toàn bộ, nhưng quá trình tổ chức thi hành án gặp khó khăn trong việc xác minh xử lý tài sản.
“Ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức công dân liên quan đến thi hành án không tốt. Mặc dù hầu hết thi hành trên tuân thủ, tự nguyện nhưng cuối cùng phải cưỡng chế thi hành. Khi người ta tuân thủ không tốt sẽ tìm mọi cách che giấu tài sản, gây khó khăn cho việc thi hành”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Sơn lý giải, nhiều trường hợp xác định không kỹ nguồn gốc, giá trị tài sản dẫn đến tài sản khi mang thế chấp được định giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thực. Theo thời gian sự vênh này càng lớn, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản. Có những tài sản trước đây cả trăm tỷ, nhưng định giá ban đầu chỉ còn 1/3-1/5.
Hơn nữa, trong giai đoạn tố tụng, ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia vẫn còn sơ suất, theo chưa sát, khi công nhận thỏa thuận thế chấp cho vay thì mọi thứ đã thay đổi. Khi xử lý bản án, đem đối chiếu bản án với thực tại đã rất khác nên lại phải xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Đây là quá trình cần nhiều thời gian cũng là nguyên nhân thực hiện đạt hiệu quả thấp.