Ngày đầu xét xử Dương Chí Dũng: chối tội, chạy trốn, và xấu hổ

(ĐTCK) Trong ngày đầu (12/12) xét xử vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm, Dương Chí Dũng đã khai về quá trình chạy trốn, sự hối hận khi mua nhà cho bồ, và còn lại là việc đổ tội, cũng như tình tiết mâu thuẫn nội bộ.
Ngày đầu xét xử Dương Chí Dũng: chối tội, chạy trốn, và xấu hổ

Hết giờ làm việc hành chính, phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng vẫn tiếp tục. Tới 18h tối, Hội đồng xét xử mới dừng phiên tòa, giao các bị cáo cho cơ quan công an dẫn giải. Hội đồng xét xử  cũng yêu cầu những người tham dự phiên tòa đúng 8h sáng mai (13/12) có mặt để tiếp tục phiên tòa.

Trong thời gian cuối cùng của ngày xét xử thứ nhất, Dương Chí Dũng đã khai về việc mua 2 căn hộ cho nhân tình. Cụ thể, Dũng đã mua căn hộ ở 88 Láng Hạ và căn hộ ở Pacific, tổng số tiền là hơn 10 tỷ đồng. Mua để cho cô Thảo (bồ của Dũng) ở và đầu tư cho thuê lấy tiền. Ý định của Dũng khi mua là để cho Thảo cả 2 căn hộ.

Số tiền mua căn hộ là Dũng lấy từ vợ chính thức (tên Phương). Khi lấy tiền Dũng nói Phương là anh cần tiền đưa tạm cho anh. Số tiền này Phương nhận từ một người khác nhưng chưa sử dụng ngay nên đã đưa cho Dũng.

Việc Dũng mua nhà cho bồ, cô Phương lúc đầu không biết, 3 con gái cũng không biết về sau mới nghi ngờ. Đến khi bố đẻ Dũng ốm nặng thì Dũng đưa Thảo đến gặp bố, khi đó có 2 em gái Dũng.

“Vì sao tại cơ quan điều tra không khai ra việc lấy tiền của vợ mua căn hộ”.

“Bị cáo xấu hổ, bởi vì việc lấy tiền vợ mua nhà cho cô Thảo không hay gì. Nhưng sự thật thì không bao giờ giấu được”.

Ngày đầu xét xử Dương Chí Dũng: chối tội, chạy trốn, và xấu hổ ảnh 1

Ngày xét xử đầu tiên chỉ kết thúc khi phố đã lên đèn

Trước đó, Hội đồng xét xử thẩm vấn các bị cáo về hành vi tham ô. Bị cáo Dương Chí Dũng liên tục kêu oan và không biết gì về việc gửi giá, việc chia chác số tiền 28 tỷ đồng, bị cáo Dũng cũng không nhận tiền.

Bị cáo Trần Hữu Sơn khai biết ông Goh Hoon Seow, Giám đốc Công ty AP từ khi Vinalines xúc tiến mua ụ nổi 83M. Khoảng tháng 3/2008, ông Goh có bảo với Sơn là chuẩn bị nhận tiền lại quả, ông Dũng và Phúc bảo là giao cho Sơn nhận. Tại phòng làm việc của Dũng, Dũng chỉ đạo “10 tỷ cho anh, 10 tỷ cho anh  Phúc, còn lại cho em” và Sơn đã đưa 20 tỷ đồng cho Dũng và Phúc, số còn lại cho em gái 2 tỷ nhưng không nói là tiền gì, cho Chiều 340 triệu đồng còn lại chi tiêu cá nhân hết.

“Bị cáo Sơn khai thế có đúng không?”.

Về câu hỏi này, Dũng trả lời: “Bị cáo là lãnh đạo, anh em nói bị cáo không muốn tranh luận nhiều, điều này không hay. Bị cáo không bàn với ông Goh, không biết gì về số tiền 1,666 triệu USD. Việc ông Goh lên phòng bị cáo là không có thật. Yêu cầu làm rõ vì không có chỗ nào đúng. Không ngờ đều là anh em tin tưởng mà lại thế này. Tôi còn mâu thuẫn với Phúc, không có chuyện tôi chỉ đạo chia tiền cho Phúc, nếu cho thì tôi cho ông Chiều, còn lâu mới đến ông kia (chỉ Phúc)”.

Về việc nhận tiền bị cáo Dũng khai không có chuyện đó, không gặp Sơn ở khách sạn Vitory, chỉ có một lần gặp Sơn ở khách sạn Sheraton. Khi đó Sơn mang đến valy kéo, có bánh xe lên phòng khách sạn nói là trong đó có rượu, chứ không có chuyện nhận tiền.

Bị cáo Dũng thừa nhận có hành vi Cố ý làm trái do nhận thức hiểu biết kém chứ không phải cố ý. Còn tội Tham ô thì bị cáo không tham ô, không nhận tiền, không biết gì.

HĐXX lưu ý bị cáo Dũng là hồ sơ vụ án có tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi của bị cáo, còn có chứng từ gốc L/C từ City bank chuyển tiền sang Singapore rồi từ Singapore chuyển 1,666 triệu USD vào Việt Nam. 

Xem thêm các thông tin liên quan tới phiên Tòa:

>> Ngày thứ 2 xét xử vụ Dương Chí Dũng: thêm tình tiết và 2 án tử hình

>> Hành trình ly kỳ đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn

>> Dương Chí Dũng "đổi" 113 tỷ đồng lấy 28 tỷ đồng

>> Choáng ngợp độ xa xỉ khu căn hộ nhà bồ Dương Chí Dũng

>> Cựu Chủ tịch Vinalines tham ô 1,6 triệu USD để mua nhà cho "bồ nhí"

Buổi chiều: lộ mâu thuẫn nội bộ

13h30 chiều nay, phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng tiếp tục. Hội đồng xét xử  đã tiến hành thẩm vấn bị cáo Dương Chí Dũng, bị cáo Mai Văn Phúc, bị cáo Trần Hữu Chiều, bị cáo Mai Văn Khang.

Khi Hội đồng xét xử thẩm vấn, bị cáo Mai Văn Phúc đã khai là có mâu thuẫn trong nội bộ Vinalines giữa hai lãnh đạo cao cấp nhất là Chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng và Tổng giám đốc Mai Văn Phúc khi còn tại nhiệm.

Thậm chí, bị cáo Mai Văn Phúc còn định giải quyết luôn mâu thuẫn nội bộ tại phiên xử khi quay sang bị cáo Dũng đang ngồi cạnh: Trước giờ tôi không nói nhưng giờ tôi nói thật là tôi nghe thấy anh em kể khi bầu bán cho tôi vào chức Tổng giám đốc, anh Dũng đã vận động anh em không bỏ phiếu cho tôi. Tôi nghĩ tôi và anh Dũng trước nay vẫn là anh em, quan hệ cũng tốt thế mà anh ý lại làm như vậy…”

Hội đồng xét xử đã phải nhắc nhở bị cáo Mai Văn Phúc là trình bày với Hội đồng xét xử và quay lên Hội đồng xét xử chứ không phải quay sang bị cáo Dũng để nói.

Sở dĩ bị cáo Phúc nói lộ ra chuyện mâu thuẫn nội bộ là để giải thích cho lời khai tại phiên tòa rằng Phúc và Dũng không bao giờ trao đổi cá nhân riêng tư với nhau thế nên không có chuyện trao đổi về việc nhập ụ nổi 83.

Khi Hội đồng xét xử  đặt câu hỏi: “Thế khi có việc phải xin ý kiến cả hai thì sao?”

“Mọi việc đều được đặt lên mặt bàn cuộc họp và thống nhất ở trong cuộc họp. Chúng tôi không trao đổi riêng”, bị cáo Phúc trả lời.

Ngày đầu xét xử Dương Chí Dũng: chối tội, chạy trốn, và xấu hổ ảnh 2

Còn bao nhiêu dự án của Vinalines mà Dương Chí Dũng đã làm thất thoát, tham ô?

Trong phần thẩm vấn đầu buổi chiều, bị cáo Dũng đã khai về quá trình chạy trốn. Chiều tối ngày 17/5, bị cáo biết tin bị bắt nên bối rối, hoảng sợ, không suy nghĩ được gì, chỉ nghĩ là tránh đi một thời gian. Khi bỏ trốn bị cáo không liên lạc tiếp xúc với người thân trong gia đình hay bạn bè người quen. Vì bị cáo có visa vào Mỹ nên định bỏ trốn sang Mỹ, trước hết là sang Campuchia, sau đó qua Singapore và đi Mỹ nhưng khi nhập cảnh vào NewYork thì bị từ chối. Lý do là Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam thông báo về Mỹ là phía Việt Nam thông báo ông Dũng có sai phạm, không cho nhập cảnh vào Mỹ. Ông Dũng đã bị hàng không trả về Campuchia, xuất phát từ đâu trả về lại đó.

“Lúc đó có nghĩ đến về Việt Nam không?”

“Tôi không nghĩ được gì, lúc đó tâm trạng rất khó nói, tôi bối rối, tôi cũng không biết là có nghĩ đến về Việt Nam nữa không. Sau đó thì tôi bị bắt giữ ở Campuchia”, bị cáo Dũng nói.

Còn bị cáo Mai Văn Phúc khai với HĐXX việc lập tờ trình, ký kết các văn bản, hợp đồng, thanh toán… đều xuất phát từ tham mưu của cấp dưới. Cấp dưới trình nên bị cáo ký duyệt.

Bị cáo Phúc khai, nhận chức Tổng giám đốc Vinalines từ 14/4/2007 nhưng dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển miền Nam thì được phê duyệt từ 24/2/2006. Khi lên làm Tổng giám đốc, bị cáo Phúc tiếp nhận báo cáo và tờ trình của Trần Hữu Chiều về dự án trong đó có mua ụ nổi. Do khi đó mới nhận chức nên còn bề bộn công việc, “mọi việc bị cáo đều dựa vào các phòng ban tham mưu như Ban quản lý dự án, Ban Kinh tế đối ngoại, Ban Pháp chế, Ban Tài chính kế toán…”; “các quyết định của bị cáo dựa trên cơ sở tham mưu và tờ trình từ bên dưới, có chữ ký của các bộ phận chức năng”.

Từ việc lập báo cáo đầu tư, lập dự án, thực hiện thủ tục, phê duyệt… đều xuất phát từ các cơ quan tham mưu ký, trình. Chẳng hạn như việc mua ụ nổi không đúng với quy định của Luật đấu thầu, Phúc giải thích, theo phân cấp công việc trong Vinalines thì “dự án này là do anh Chiều phụ trách, anh Chiều lập báo cáo và căn cứ vào báo cáo đó tôi giao Ban Pháp chế thẩm định, Ban Pháp chế báo cáo là đúng quy định pháp luật thì căn cứ vào đó tôi mới ký, trước đó có hơn 10 chữ ký các bộ phận rồi”.

Bị cáo Trần Hữu Chiều dù thừa nhận là không oan nhưng có một số điểm chưa rõ. Bị cáo Chiều khai mình chỉ ký nháy mà không phải chữ ký chính thức. Về việc đi khảo sát tại Nga, bị cáo Chiều khai có kiểm tra tại ụ 3 ngày, có nhìn thấy bơm nước vào ụ để hạ thủy một cano. Lời khai này của bị cáo mâu thuẫn với lời khai tại cơ quan điều tra (thừa nhận biết là ụ nổi không hoạt động được) nhưng bị cáo Chiều không giải thích được vì sao.

Bị cáo Mai Văn Khang khai việc ký nháy vào nội dung báo cáo của đoàn khảo sát là ký xác nhận phiên dịch chứ không phải xác nhận nội dung báo cáo. Theo lời khai, bị cáo Khang là phiên dịch tiếng Anh của đoàn và có dịch một số hồ sơ, khi lập báo cáo thì bị cáo Khang ký nháy xác nhận là nội dung tài liệu dịch khợp với báo cáo.

Về việc lời khai mâu thuẫn, bị cáo Khang giải thích là do giai đoạn đầu chưa khởi tố, bị cáo không nhớ rõ khi bị khởi tố rồi tiếp cận hồ sơ mới nhớ lại nên lời khai thay đổi.

Xem thêm các thông tin liên quan tới phiên Tòa:

>> Ngày thứ 2 xét xử vụ Dương Chí Dũng: thêm tình tiết và 2 án tử hình

>> Hành trình ly kỳ đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn

>> Dương Chí Dũng "đổi" 113 tỷ đồng lấy 28 tỷ đồng

>> Choáng ngợp độ xa xỉ khu căn hộ nhà bồ Dương Chí Dũng

>> Cựu Chủ tịch Vinalines tham ô 1,6 triệu USD để mua nhà cho "bồ nhí"

 

Buổi sáng: Dương Chí Dũng chối tội

Gần cuối giờ sáng ngày hôm nay, Hội đồng xét xử bắt đầu phần thẩm vấn. Bị cáo Dương Chí Dũng nhiều lần khẳng định đã làm đúng thẩm quyền!

Cụ thể bị cáo Dũng khăng khăng cho rằng bị cáo không chỉ đạo gì về việc mua ụ nổi, không chỉ đạo phải mua từ bên nào, không chỉ đạo mua ụ mới hay ụ cũ.

Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Ngô Thị Ánh đã đặt các câu hỏi cho bị cáo Dũng nhằm làm rõ hành vi của bị cáo trong quá trình xây dựng, phê duyệt và thực hiện dự án dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam.

Bị cáo Dũng khai bắt đầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinalines từ tháng 1/2007, trước đó bị cáo giữ chức Tổng giám đốc. Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam có chủ trương xây dựng từ năm 2006, khi đó bị cáo là Tổng giám đốc đã trình HĐQT về dự án và được HĐQT phê duyệt. Việc xây dựng dự án là căn cứ vào nhu cầu sửa chữa thực tế của Vinalines. Sau đó khi bị cáo làm Chủ tịch HĐQT thì tiếp tục triển khai dự án, HĐQT đã ra nghị quyết trên cơ sở trình của Tổng giám đốc lúc đó là Mai Văn Phúc.

Ngày đầu xét xử Dương Chí Dũng: chối tội, chạy trốn, và xấu hổ ảnh 3

Bị cáo Dương Chí Dũng và đồng phạm tại Tòa - ảnh TTXVN

Bị cáo Dũng cho rằng, bị cáo nhận thức thẩm quyền phê duyệt dự án là của HĐQT, không phải xin phép bộ chủ quản và Thủ tướng Chính phủ. Thực tế Vinalines có báo cáo với bộ chủ quản và sau đó Bộ GTVT trình Thủ tướng và được chấp thuận về mặt nguyên tắc. Theo bị cáo chỉ cần xin phép về mặt chủ trương mà thôi, và để Bộ GTVT cập nhận dự án vào quy hoạch. Chỉ đến khi bị bắt và qua quá trình làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết là phải xin cấp trên phê duyệt mà không được tự ý quyết định.

Chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh các câu hỏi về nguồn vốn thực hiện dự án, có phải ngân sách sẽ phải trả nợ và lãi cho dự án này. Bị cáo Dũng trả lời nguồn vốn thực hiện dự án dự kiến sẽ vay, không sử dụng vốn Nhà nước nguồn để trả nợ, nguồn trả nợ thì dự kiến thành lập pháp nhân là CTCP gồm Vinalines (góp 80%) và một thành viên khác để thực hiện dự án. Việc trả nợ sẽ do pháp nhân này thực hiện.

Về việc mua ụ nổi, ông Dũng khai mua là do xuất phát nhu cầu thực tế nhà máy cần ụ nổi, đồng thời lúc đó Công ty Nakhodaka (Liên bang Nga) chào bán ụ nổi. Nhưng việc thực hiện dự án, mua bán ụ nổi do Tổng giám đốc Mai Văn Phúc thực hiện theo thẩm quyền, ông Dũng chỉ ký Nghị quyết của HĐQT. Việc ông Dũng biết Công ty Nakhodaka bán ụ nổi là do lúc đó Vinashin đã mua 2 tàu của Công ty này. Giá chào bán ông Dũng không biết.

Quá trình mua bán ông Dũng không chỉ đạo, không chỉ định mua của bên nào, không chỉ đạo mua ụ mới hay ụ cũ. Ông Dũng khai, có biết đoàn khảo sát đi Nga gồm anh Chiều (bị cáo Trần Hữu Chiều, nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines) và anh Khang (bị cáo Mai Văn Khang, nguyên Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinalines) vì lúc đi có đến chào ông Dũng nhưng không báo cáo gì và ông Dũng không chỉ đạo gì.

Lúc về ông Chiều có đến chào cùng một người khác (Dũng không nhớ người này) nhưng cũng không báo cáo gì, bị cáo Dũng chỉ biết sơ qua là ụ nổi có một số hư hỏng nhưng sửa chữa được và đáp ứng yêu cầu của đăng kiểm. Ông Dũng không chỉ đạo gì.

Khi Tổng giám đốc Phúc trình thì HĐQT tổ chức họp nghe báo cáo khi đó ông Dũng mới biết mua ụ nổi 83M, ụ cũ sản xuất từ năm 1965, mua của Công ty AP (Singapore), giá 9 triệu USD. Phía AP cũng không nói là mua giá bao nhiêu. Về việc vì sao không mua trực tiếp từ Nga, ông Dũng cho biết là có hỏi và được báo cáo là có khó khăn về thủ tục xuất nhập khẩu nên mua qua Công ty AP.

Quá trình mua bán, thanh toán tiếp theo ông Dũng không biết gì vì không thuộc thẩm quyền. Bị cáo Dũng khẳng định: “Bị cáo đã làm đúng thẩm quyền, nghe báo cáo và họp HĐQT để quyết định theo thẩm quyền”.

Xem thêm các thông tin liên quan tới phiên Tòa:

>> Ngày thứ 2 xét xử vụ Dương Chí Dũng: thêm tình tiết và 2 án tử hình

>> Hành trình ly kỳ đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn

>> Dương Chí Dũng "đổi" 113 tỷ đồng lấy 28 tỷ đồng

>> Choáng ngợp độ xa xỉ khu căn hộ nhà bồ Dương Chí Dũng

>> Cựu Chủ tịch Vinalines tham ô 1,6 triệu USD để mua nhà cho "bồ nhí"

 

Bắt đầu phiên tòa: Thắt chặt an ninh

Trước đó, để phục vụ việc xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, các phiên tòa của TAND TP. Hà Nội đã tạm hoãn để phục vụ cho phiên tòa đặc biệt này. Đầu giờ sáng nay, cả hai cổng của cơ quan này đều được chăng dây và có lực lượng bảo vệ an ninh.

Ngày đầu xét xử Dương Chí Dũng: chối tội, chạy trốn, và xấu hổ ảnh 4

Lực lượng an ninh kiểm tra nghiêm ngặt trước lúc phiên tòa diễn ra

Các phóng viên tham dự đưa tin về phiên tòa phải đăng ký tham dự và có thẻ mới được qua cổng. 

Toàn bộ các thiết bị quen thuộc với phóng viên như máy tính xách tay, máy ghi âm, máy ảnh, điện thoại… đều được yêu cầu gửi giữ ở bộ phận an ninh, các phóng viên chỉ được mang theo sổ tay, bút để tác nghiệp và phải đi qua cửa an ninh.

Được biết, trước tầm quan trọng của vụ án, cơ quan chức năng đã đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt để đảm bảo an ninh phiên tòa.

Hội đồng xét xử gồm chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Ngô Thị Ánh, thẩm phán Đào Vĩnh Tường - Chánh tòa hình sự TAND TP. Hà Nội và 3 hội thẩm nhân dân. Kiểm sát viên là ông Nguyễn Chí Dũng và ông Trương Tuấn Hưng.

Khoảng 9 h sáng, thẩm phán chủ tọa Ngô Thị Ánh thực hiện thủ tục bắt đầu phiên tòa.

Có 14 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo nhưng có 2 luật sư vắng mặt. Có 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng gồm luật sư Ngô Ngọc Thủy, luật sư Trần Đình Triển và một luật sư vắng mặt đều thuộc đoàn luật sư Hà Nội. Phiên tòa cũng có một số người tham gia làm chứng.

Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Dương Chí Dũng trông khá là khỏe mạnh và mặc một chiếc áo khoác dày do thời tiết Hà Nội hôm nay lạnh. Bị cáo Lê Ngọc Triện (SN 1964, trú tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa) nguyên Đội trưởng đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan Khánh Hòa do điều kiện sức khỏe không được tốt nên luật sư của bị cáo đã đề nghị HĐXX cho bị cáo được ngồi để trả lời. Các bị cáo khác nhìn chung sức khỏe tốt.

Tại phiên tòa, một số luật sư như luật sư Nguyễn Văn Chiến, luật sư Trần Đình Triển đều cho hay, có một số tài liệu, chứng cứ mới nhưng sẽ cung cấp cho HĐXX khi cần thiết, trong quá trình bảo vệ cho thân chủ.

Ngoài ra, luật sư Nguyễn Đình Hưng đề nghị Tòa án cho triệu tập đại diện của 2 đơn vị giám định là Công ty Giám định của đăng kiểm Việt Nam và một công ty giám định nước ngoài, bởi luật sư này cho rằng, việc Dương Chí Dũng mua ụ nổi 83M căn cứ vào kết quả giám định này. Bởi vậy, cần triệu tập đại diện 2 công ty này tham gia tố tụng để làm rõ hành vi của các bị cáo. Luật sư Ngô Ngọc Thủy cũng đề nghị triệu tập giám định viên tư pháp tham gia phiên tòa để có cơ hội thẩm vấn, tranh luận làm rõ các vấn đề của vụ án.

Chủ tọa phiên tòa cho rằng, trước mắt chưa triệu tập những người này, nhưng trong quá trình xét xử, khi thấy cần thiết, tòa sẽ triệu tập. Phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 12 - 14/12, tức là cả ngày thứ Bảy.

Chủ tọa phiên tòa cũng đề nghị lực lượng bảo vệ xem xét để cho vợ 3 bị cáo là nhân viên hải quan (bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng) vào tham dự phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật.

Sau khi phần thủ tục bắt đầu phiên tòa kết thúc, đại diện Viện KSDN TP. Hà Nội đã công bố cáo trạng. Theo đó, Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines) và các đồng phạm gồm Trần Hữu Chiều (cựu Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng Qan quản lý Dự án mua ụ nổi 83M), Trần Hải Sơn (cựu Giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines) bị cáo buộc 2 tội danh Tham ô tài sản và Cố ý làm trái các quy định quản lý của Nhà nước gây thiệt hại nghiêm trọng. Các bị cáo đã có hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng; tham ô hơn 28 tỷ đồng của Nhà nước.

Các bị can còn lại gồm Bùi Thị Bích Loan (cựu Kế toán trưởng Vinalines), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên), Mai Văn Khang (cán bộ Ban quản lý dự án Vinalines), Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức (đều là cán bộ Chi cục Hải quan Tân Phong, tỉnh Khánh Hòa) bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể, năm 2007, Dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam chưa được bổ sung vào quy hoạch và chưa có quyết định phê duyệt cho phép đầu tư của Thủ tướng phê duyệt, nhưng ông Dũng đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỷ đồng, trong đó có hạng mục mua, lắp đặt ụ nổi.

Triển khai dự án, Vinalines không thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2005. Để đủ điều kiện về đối tượng điều chỉnh của Nghị định 49/2006/NĐ-CP về điều kiện nhập khẩu tàu biển, ông Dũng đã chỉ đạo cấp dưới hợp pháp hóa thông tin về tình trạng kỹ thuật của ụ nổi 83M không đúng thực tế, phê duyệt tổng mức đầu tư là 14,13 triệu USD. Sau đó, điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 26,3 triệu USD.

Tuy biết được giá chào bán ụ nổi 83M từ một công ty khác là dưới 5 triệu USD, song ông Dũng vẫn ký mua ụ nổi 83M từ Singapore với giá 9 triệu USD.

Kết quả điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các bị can gây lãng phí, thiệt hại cho Nhà nước khoảng 366 tỷ đồng và tham ô 28 tỷ đồng qua thương vụ mua ụ nổi 83M. Trong đó, Dương Chí Dũng tham ô 10 tỷ đồng; Mai Văn Phúc tham ô 10 tỷ đồng; Trần Hải Sơn tham ô gần 8 tỷ đồng; Trần Hữu Chiều tham ô 340 triệu đồng.

Đáng chú ý, cơ quan điều tra cũng xác định, sau khi nhận được hơn 28 tỷ đồng lại quả từ đối tác bán ụ nổi 83M là Công ty AP (Singapore), Trần Hải Sơn đã 2 lần đưa tiền Dương Chí Dũng.

Lần thứ nhất, ông Sơn đưa 5 tỷ đồng, loại mệnh giá 500.000 đồng, được xếp vào valy có bánh xe, tay kéo, màu đen, kích thước 40x60x25cm. Việc đưa tiền diễn ra tại phòng VIP của khách sạn Vitory (TP. HCM).

Lần thứ hai, ông Sơn ra Hà Nội hẹn đưa tiền cho ông Dũng ở Hải Phòng, đựng trong valy giống hệt lần trước, có bánh xe, tay kéo… Ông Sơn đã kéo valy tiền đi bộ từ nhà em gái sang nhà mẹ vợ ông Dũng cách đó 500 m.

Về việc đưa tiền cho ông Mai Văn Phúc, ông Sơn tiếp tục sử dụng loại valy có bánh xe, tay kéo, màu đen như trên để đưa tiền cho ông Phúc. Hai lần đầu, một lần đưa 2,5 tỷ đồng, một lần đưa 5 tỷ đồng. Lần cuối, ông Sơn cho tiền vào cặp to màu đen đưa nốt 2,5 tỷ đồng.

Sau khi đại diện Viện KSDN TP. Hà Nội công bố cáo trạng xong, HĐXX sẽ bắt đầu thẩm vấn.

Xem thêm các thông tin về phiên Tòa:

>> Ngày thứ 2 xét xử vụ Dương Chí Dũng: thêm tình tiết và 2 án tử hình

>> Hành trình ly kỳ đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn

>> Dương Chí Dũng "đổi" 113 tỷ đồng lấy 28 tỷ đồng

>> Choáng ngợp độ xa xỉ khu căn hộ nhà bồ Dương Chí Dũng

>> Cựu Chủ tịch Vinalines tham ô 1,6 triệu USD để mua nhà cho "bồ nhí"

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục