Phủ định nhận lót tay
Theo ông Dũng, việc lập Dự án mua ụ nổi 83M do Hội đồng Quản trị Vinalines quyết định và giao Tổng giám đốc Mai Văn Phúc triển khai. Ông Dũng nại rằng, bản thân mình không chỉ đạo gì cụ thể trong việc mua ụ nổi, chỉ ký phê duyệt với tư cách đại diện cho Hội đồng Quản trị.
Đối với việc nhận “lót tay”, tại tòa, ông Dũng khai: “Chỉ là ngày tết ngày nhất, anh ấy (ông Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines - PV) đến biếu chai rượu, phong bì thôi, chứ không có số tiền hàng tỷ như vậy”.
Bị cáo Dương Chí Dũng cho biết, sẽ quyết chống án đến cùng tội tham ô. Theo bị cáo, ở cương vị Chủ tịch HĐQT Vinalines, để xảy ra việc “lại quả” là có lỗi, tuy nhiên việc kết tội này liên quan đến danh dự, nên “đến chết cũng không nhận tội”.
Ông Dũng mong muốn được tòa làm rõ phía công ty ở Nga và Singapore liên quan đến số tiền hơn 1,66 triệu USD. “Nếu họ có tài liệu chứng minh bị cáo nhận tiền này, bị cáo xin nhận luôn án tử hình”, ông Dũng quả quyết.
Ông Dũng cũng “nhận sai” đối với quá trình mua ụ nổi 83M dẫn đến thiệt hại hơn 300 tỷ đồng và “quá sai” khi quyết định bỏ trốn sang Campuchia. “Để xảy ra tội cố ý làm trái và tham ô trong cơ quan, bị cáo cảm thấy có lỗi, nên bán hết tài sản, đã nộp lại 4,7 tỷ đồng”, ông Dũng lý giải về việc nộp tiền khắc phục hậu quả và cho biết, đây là số tiền “khắc phục chung chứ không phải cho tội tham ô”.
Bị cáo Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines cũng khẳng định tại tòa rằng, mình không phạm tội “tham ô tài sản”, vì “không nhận bất cứ đồng nào từ phía Trần Hải Sơn” liên quan đến số tiền 1,66 triệu USD. “Bị cáo có nhận 1 chai rượu Chivas 18 và phong bì 2 triệu đồng của Trần Hải Sơn vào cuối năm 2008, tại nhà bị cáo ở Làng quốc tế Thăng Long. Còn lại, những lời khai của Sơn là hoàn toàn sai sự thật”, ông Phúc khai.
Theo bị cáo Phúc, gia đình bị cáo đã có ý khắc phục hậu quả nhằm thoát án tử hình (nộp 3,5 tỷ đồng cho Cục Thi hành án dân sự Hà Nội). Nhưng bị cáo Phúc không đồng ý và cho rằng, nếu vậy khác gì nhận mình phạm tội.
Tại tòa, ông Phúc chỉ nhận phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, còn không phạm tội “tham ô tài sản” và “cố ý làm trái các quy định quản lý nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong khi đó, bị cáo Trần Hải Sơn tiếp tục khẳng định đã đưa cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người 10 tỷ đồng.
Nhiều tình tiết mới
Tại phiên tòa, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho Dương Chí Dũng đã yêu cầu triệu tập thêm nhân chứng, cung cấp thêm chứng cứ. Cụ thể, luật sư đề nghị triệu tập thêm 3 nhân chứng (2 ở Nga, 1 lái xe của Trần Hải Sơn, người được cho đã chở Dương Chí Dũng khi bỏ trốn).
Phần chứng cứ, theo Luật sư Trần Đình Triển, trong quá trình điều tra, ông Dũng có văn bản đề nghị cơ quan điều tra tiến hành kê danh sách cuộc gọi giữa ông Dũng và Trần Hải Sơn, nhưng trong hồ sơ không thấy tài liệu này.
Trước lúc diễn ra phiên tòa, Luật sư Trần Đình Triển cho biết, thân chủ của ông đã có đơn nhận tội “cố ý làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, dẫn đến việc mua ụ nổi cộng với chi phí sửa chữa lớn và xin khắc phục hậu quả để được giảm nhẹ hình phạt.
Theo Luật sư Triển, trước khi vào trại giam làm việc với bị cáo Dũng, ông đã sang Singapore thu thập thêm chứng cứ liên quan tới vụ án. Trong chuyến đi này, ông đã gặp ông Goh Hoon Seow, Giám đốc điều hành Công ty Addpower Pte Ltd (doanh nghiệp bán chiếc ụ nổi 83M cho Vinalines) để làm rõ về khoản tiền “lại quả” 1,66 triệu USD.
Ông Goh khẳng định, việc thương thảo mua ụ nổi được tiến hành giữa ông này và các cán bộ Vinalines, trong đó ông Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines là người đứng đầu. Ông Goh cũng cho biết mình chưa từng trao đổi, làm việc với Dương Chí Dũng.
“Còn nhiều tình tiết cũng như chứng cứ mới sẽ được công bố tại phiên phúc thẩm này”, Luật sư Triển cho biết thêm.