Hồi nhà tôi mới từ Kim Bôi chuyển hẳn về Ba Vì, điều kiện còn nhiều khó khăn, gian bếp cấp 4 cũ kỹ được xây thấp, với nền đất, bên trong có hai cái thùng gỗ khổng lồ đựng thóc, một cái chạn đựng đầy đủ từ bát đĩa, xoong chảo cho đến mắm muối, mỳ chính, lọ nuôi mẻ...
Ngày đó, bếp là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm. Những ngày mưa gió, bếp là nơi tổ chức sự kiện khi mấy chị em hí húi làm kẹo lạc, hay nấu bánh sắn, bánh đúc. Trên nền bếp, tôi có những lần kê gỗ chặt hạt trám, ăn chán chê lại đem đóng xuống nền. Cũng ở bếp, đứa trẻ lớp 3 lần đầu tập nấu cơm trong cái nồi gang to tướng cho 7 miệng ăn. Ngày đó, chủ yếu đun rơm. Sau khi cơm cạn, bao giờ tôi cũng lấy thêm một nắm rơm to, đốt và lèn chặt tro quanh nồi, vừa để có thêm tro giữ ấm cho nồi cơm, vừa để có thêm ít cháy. Cháy cơm từ chiếc nồi gang, lại nấu bằng rơm luôn hấp dẫn bọn trẻ, nhất là hôm nào có thêm tý nước thịt để chấm thì tuyệt cú mèo.
Rồi còn những hôm trời mưa, rơm ẩm, ngồi nấu cơm mà nước mắt, nước mũi tràn trề vì khói. Hay những hôm dậy sớm học bài và nấu cám lợn nữa, trong ánh sáng bập bùng của ngọn lửa, con chữ vào đầu chữ được, chữ không… Nhiều, nhiều lắm những kỷ niệm bên bếp lửa.
Rồi cái bếp cũ cũng bị đập bỏ trong một cuộc tái thiết lại các hạng mục bếp, chuồng lợn, chuồng gà của gia đình. Ngày nhà tôi xây lại cái bếp, tôi chỉ lo bố dẹp đi bếp củi. Nhưng may quá, cuối cùng nó vẫn được giữ lại.
Khác với nhiều gia đình khác, nhà tôi vẫn duy trì song hành hai loại bếp gas và bếp củi. Kể cả khi xây lại khu bếp mới, bếp củi vẫn được coi là hạng mục không thể thay thế, thậm chí sở hữu cho mình một góc riêng đầy uy lực.
Nhà tôi nằm gần triền đê, con đê ngăn cách làng và dòng sông. Mùa nước lên (vào khoảng tháng 8, tháng 9), những cơn lũ mang theo bao nhiêu là củi. Ngày đó, nhiều người dân quê có thêm một nghề phụ, nghề vớt củi, đào củi.
Những ngày lũ ở thượng nguồn, thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy, những thân gỗ to theo đó trôi cả về xuôi, chìm nổi nhấp nhô theo con nước đục ngàu. Người dân đi thuyền ra vớt. Trên bến sông, mặt đê toàn củi là củi. Thậm chí, nhiều khi, người ta còn vớt được cả gỗ hộp, vốn là gỗ sẻ của đám buôn lậu. Gỗ củi, to nhỏ được phân loại rõ ràng. Còn một loại củi nữa, được gọi là củi rều. Củi rều là tên gọi chung cho các loại thân gỗ nhỏ cỡ từ bắp tay trở lại. Và nếu để vớt được các thân gỗ lớn phải có thuyền bơi ra giữa dòng, thì để vớt củi rều, chỉ cần có một cây xào đứng ven bờ là có thể vớt được.
Củi được chất đống trên bãi sông hay mặt đê, và nơi đó cũng trở thành một cái chợ ngắn hạn, người ta đến mua bán ngay ở đó, dùng công nông, xe bò, xe cải tiến chở về nhà. Bao giờ cũng vậy, sau mùa lũ, cái sân gạch nhà tôi lại phơi đầy củi. Phân loại to, bé xong xếp vào cái trái đầu nhà. Những gồng gộc củi lõi, thường đường bổ ra hoặc để nguyên, dùng khi nhà có cỗ. Và bao giờ, nồi bánh chưng ì ục cuối năm cũng có sự xuất hiện của củi sông.
Vớt củi đã cực, nhưng đào củi chìm còn cực hơn. Có điều, nó ít nguy hiểm hơn khi người ta không phải đối mặt với con nước lớn. Mùa đào củi chìm kéo dài cả mùa khô. Hành trang quen thuộc của người đào củi là một cái xiên sắt dài cả mét, cuốc, xẻng. Người có kinh nghiệm sẽ dễ kiếm được những “mỏ củi” nằm sâu trong lớp cát sông. Người ta dùng xiên để thăm dò, người có nghề sẽ biết khi chạm vào củi. Rồi đào đào, bới bới và khai thác. Kể, chẳng khác khai thác than là mấy về nguyên lý.
Củi chìm thường là phần lõi của các cây gỗ, nặng, chắc và đun được lâu nên rất được chuộng. Đặc biệt, củi chìm còn mang theo nhiều gỗ lũa với những hình hài rất lạ và đẹp. Ngày đó, nhà nào ở quê chẳng có vài thứ trang trí trong nhà bằng gỗ lũa, được lấy lên từ lòng sông. Nó là hiện thân của cây gỗ miền ngược, qua biến chuyển thời gian, theo con nước đến với miền xuôi, vừa là biểu tưởng của thời gian, vừa là của cuộc hành trình tự nhiên.
Quay lại chuyện bếp lửa. Ngoài cái bếp củi được đặt riêng trong khu bếp mới, với ống khói cao cao kiểu truyền thống, nhà tôi còn có một khu đầu hồi, gần trái nhà để làm thêm bếp ngoài trời những khi nhà có việc. Và y như rằng, chừng đâu từ ngoài 20 Tết, bố tôi sẽ căng lên mấy tấm bạt để làm cái bếp dã chiến tại gia.
Trong suốt những ngày từ độ hăm ba cho đến mồng 7, mồng 8. Bếp lửa nhà tôi hầu như không bao giờ tắt. Lúc nào nó cũng được dành để đun nấu một thứ gì đó, như siêu nước, nồi canh hầm…
Thói quen sinh hoạt ngày Tết với tôi cũng ít nhiều thay đổi. Thay vì bật bình nước nóng, tôi thích đun cả nồi nước to để tắm. Cái nồi đen nhẻm vì muội than, cái nắp cũng méo mó vì tuổi đời của nó được dịp trưng dụng. Và thường, chiều cuối năm, mẹ tôi hay đun một nồi nước mùi già cho cả nhà tắm.
Bếp củi bao giờ cũng vậy, nó không chỉ là hấp lực với người già, mà cả trẻ nhỏ cũng thế. Chúng thích chạy quanh bếp lửa xem người lớn nấu nướng. Thích tý toáy đưa củi vào bếp, thích nghịch lửa với những sự ngạc nhiên thú vị. Đám trẻ mắt trong veo, hai má hây hồng như quả cà chua, đôi khi, nứt nẻ. Chúng tự khám phá và tạo cho mình niềm vui với củ khoai đen nhẻm, bắp ngô, hay tấm mía lùi, với những que củi một đầu đượm lửa, một đầu đùn ra đầy nước…
Người ta bảo, lửa là biểu tượng của văn minh, trí tuệ. Lửa là năng lượng tích cực xua đi cái lạnh, các khí xấu. Lửa mang đến ánh sáng và hơi ấm, bởi thế, nó cũng kéo người ta lại gần nhau hơn.
Xét về phong thủy, bếp nói chung còn là hỏa trấn trong các gia đình. Dĩ nhiên, ngày nay có sự thay thế của bếp gas, bếp từ, bếp hồng ngoại, nhưng dù sao đi nữa, bếp vẫn là khu vực giữ lửa trong mỗi gia đình.
Một chuyên gia phong thủy từng nói với tôi, vị trí đặt bếp rất quan trọng, nếu bếp có được phương vị tốt, sẽ khiến gia đình đó, nhất là người phụ nữ thích vào bếp, nấu ăn, góp phần gìn giữ không khí gia đình. Còn nếu bếp ở vào phương vị xấu, cảnh nguội lạnh dễ xảy ra, các thành viên trong gia đình hay ăn ngoài, hoặc ăn cơm nhà nhưng lệch bữa nhau…
Quay lại chuyện bếp lửa. Những ngày áp Tết, hay buổi đầu Xuân, đặc tính cố hữu của thời tiết là lạnh. Do đó, tôi cực thích cảm giác ngồi bên bếp lửa, vừa sưởi, đun nấu hay đại loại, chỉ là ngồi không bên bếp lửa mà suy nghĩ vẩn vơ. Từ những ngày trước Tết, khi nghe tiếng tí tách củi nổ, nghe làn khói thẽ thọt vượt qua mái ngói, tàng cây tôi thấy mùi Tết thật gần.