Bếp không chỉ của một người

(ĐTCK) Bếp với nhiều người chỉ là một nơi để nấu nướng và nó thường thiết kế phù hợp với người phụ nữ trong gia đình. Tuy nhiên, bếp không đơn giản chỉ là nơi nấu nướng, mà nó còn là không gian sum vầy, chỗ giữ nhiệt cho tổ ấm của mỗi gia đình.
Bếp không chỉ của một người

Một chốn đi về

Ngôi nhà, thông thường chính là tổ ấm, một nơi trú ẩn an toàn, riêng tư của mỗi người, là nơi tình thương gia đình trú ngụ, là nơi tiếp năng lượng và tái tạo năng lượng sống cho mỗi cá nhân. Nếu nhà không thực hiện được các chức năng trên, thì quả là một bi kịch.

Nhìn vào xu hướng thiết kế nhà ở bây giờ, nhiều căn hộ chung cư hay nhà ống diện tích nhỏ thường được gia chủ thiết kế theo kiểu “ngại giao tiếp”. Họ bỏ đi phòng khách hoặc phòng sinh hoạt chung nhằm gia tăng diện tích cho chỗ sinh hoạt cá nhân. Căn nhà chỉ giữ lại nơi xem TV, nghe nhạc, hay một góc hít thở nhỏ xíu 2 người ngồi còn chật. Vì vậy, tính kết nối gia đình bị giảm sút.

Khi cần tổ chức tiệc, sum họp bạn bè hay đại gia đình, vì không có chỗ, nên phải rủ nhau ra quán. Nhưng sau những lần ra ngoài như vậy, người già là đối tượng không vui nhất. Họ lặng lẽ tham dự giữa đám thanh niên ồn ào, náo nhiệt.

Dĩ nhiên, không nhất thiết mọi thứ đều phải diễn ra ở nhà, nhưng ngôi nhà dù có thiếu thừa thế nào cũng cần có một góc quây quần, một góc để thực hiện chức năng sum vầy của nó. Có thể là phòng khách, sân thượng hay bếp ăn, nhưng nhất định phải có nơi gắn kết gia đình, mà quán xá không thay thế được. Nếu khéo thì việc bố trí không gian này không khó và không tốn kém chút nào đâu.

Một chỗ quây quần

6 lần chuyển nhà là cả 6 lần tôi chú trọng đến không gian quây quần của gia đình 3 thế hệ. Không phải là phòng khách bóng bẩy, phòng ngủ xa hoa, căn bếp mới là nơi tôi chọn làm chỗ sinh hoạt chung.

Trong văn hóa của ông cha ta từ xưa, một ngôi nhà muốn được coi là thuần Việt nhất định phải có bếp và phòng (ban) thờ. Đó là nơi có lửa, nối kết các thế hệ và các sinh hoạt chung của gia đình.

Với tôi, bếp mới là nơi xứng đáng kể câu chuyện chân thực nhất về gia đình mình mà những không gian khác không thể làm được. Với tôi, gia đình lạnh hay ấm, quan tâm hay hờ hững, thấu cảm hay vô tình, những nồi niêu xoong chảo quanh cái bếp và bàn ăn sẽ “tố cáo” tất cả.

Bếp nhỏ hay to không quan trọng bằng việc bếp được sử dụng như thế nào, với ai và vì ai. Dù theo kiểu phương Tây hay phương Đông, nơi nấu nướng, ăn uống luôn là nơi khởi đầu cho những tụ họp, đoàn viên gia đình. Nếu tình làng, nghĩa xóm đầm ấm thì bếp ăn cũng có thể là không gian sum vầy.

Thậm chí, ở phương Tây, các căn nhà thường thiết kế gian bếp khá rộng rãi, tiện nghi. Hiện nay, không ít ngôi nhà Việt đã ý thức được điều này, nhưng vẫn còn khá nhiều nhà tồn tại kiểu bếp tối tăm, ẩm thấp, khuất lấp đâu đó tận phía sau mà dân gian hay gọi là “xó bếp”.

Nhưng ngặt một nỗi, “xó bếp” thành phố đâu có giống xó bếp nông thôn. Ở nông thôn, đất rộng, không gian thoáng, nên bếp thường là một căn nhà riêng, đủ không gian rộng rãi, thoáng mát, nên không cần quạt thông gió, cũng chắng thấy vương vãi mùi thức ăn bao giờ. Trong khi ở thành phố, nếu không khéo, dù nhà có rộng đến mấy, thì không gian bếp cũng bị nuốt chửng và nó đúng nghĩa là cái “xó bếp”.

Ngoài ra, tuy nhu cầu, sở thích của mỗi người cũng khác nhau, cách bài trí bếp cũng khác nhau. Tuy nhiên, với tôi, khi thiết kế căn bếp không chỉ thuần túy có cái tôi, mà cần có cả cái chúng ta nữa. Phải lắng nghe gia đình để tìm được cách bố trí, sắp xếp hài hòa giữa nhu cầu riêng chung cho tất cả.

Vì những suy nghĩ trên mà mỗi lần chuyển nhà, tôi đều phải làm việc với các đơn vị thiết kế rất tỉ mỉ về không gian quây quần của gia đình theo hướng gợi mở, giản đơn, gần gũi thiên nhiên và tràn đầy sức sống.

Những bài trí ở khu vực này cần đảm bảo yếu tố tiện nghi, vui vẻ và ít xáo trộn đến không gian sinh hoạt riêng tư của mỗi người. Tôi muốn căn bếp của gia đình phải tạo cho mỗi thành viên cảm giác thoải mái, dễ chịu, thoáng đãng và năng động nhất.

Nếu được như vậy thì dù bước về nhà trong một tâm trạng không tốt, tôi vẫn có một tinh thần lạc quan để nấu ăn. Kể cả ngày mưa bão, giá rét, mọi người trong gia đình vẫn có thể quây quần bên mâm cơm đầm ấm trong không gian bếp thân thuộc.

Vì công việc bận rộn, nên chỉ bữa cơm tối, gia đình tôi mới có thể có bữa cơm đầy đủ thành viên trong gia đình. Do đó, với tôi, bữa tối không chỉ là bữa ăn đơn thuần, ăn để no, mà còn là dịp để gia đình quan tâm, chia sẻ công việc và hỏi han nhau.

Quây quần ở nhà với các không gian quen thuộc, thoải mái còn giúp những đứa trẻ của tôi học được cách quan hệ ứng xử với mọi người và biết chia sẻ công việc khi có sự kiện. Sau này dù chúng có được ra riêng, thì những kỷ niệm quây quần tuổi thơ ấu sẽ vẫn còn đọng mãi và được tiếp nối đến thế hệ sau.

Sau 6 lần chuyển nhà, nhờ chú trọng đến không gian quây quần mà mọi sinh hoạt chung của gia đình tôi vẫn được duy trì khá tốt, bên cạnh không gian riêng tư cho cá nhân.

Chiều nay, khi Tết sắp về, trong cái lạnh của gió mùa, mưa Xuân phơi phới bay trên phố phường, tôi tự hỏi, giờ này ngoài kia, có bao nhiêu căn bếp đang sáng đèn. Có bao nhiêu người vợ đang vui vẻ nấu nướng, có bao nhiêu người chồng mặc tạp dề giúp vợ nhặt rau, ngâm nếp, bao nhiêu đứa con giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón Giao thừa?

Tôi tin rằng, nếu căn nhà có một không gian để quây quần bên nhau và cùng nhau chia sẻ tình yêu thương, thì ai cũng hạnh phúc khi được trở về nhà. Đó mới là ý nghĩa thực sự của “một chốn đi về”. Còn không, nhiều khi người ta muốn ở ngoài lâu hơn một tý và khi đó, nhà không hẳn là tổ ấm.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục